Trong khuôn khổ Dự án “Social Innovation Linkages for Knowledge Exchange Network - SILKEN Vietnam”, Đại học Duy Tân đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Kết nối toàn cầu vì Đổi mới Sáng tạo Xã hội” vào sáng ngày 26/7/2023. Hội thảo diễn ra dưới hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, nhằm giúp cán bộ, giảng viên của Đại học Duy Tân hiểu hơn về sáng tạo xã hội tại Vương quốc Anh cũng như ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội kết nối các bên liên quan cùng hướng tới xây dựng trường đại học định hướng tạo tác động xã hội.
TS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của bà Trần Thị Hồng Gấm - Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục và Xã hội Hội đồng Anh tại Việt Nam, về phía Đại học Glasgow Caledonian (Scotland) có ông Mark Anderson - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo và bà Natalia Popielska - Điều phối viên dự án Quốc tế, TS. Diah Wihardini - Giám đốc Toàn cầu Đại học BINUS (Indonesia), ông Lê Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, TS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cùng đông đảo cán bộ, giảng viên của Đại học Duy Tân và đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Đà Nẵng và Tp. Hội An.
Dự án SILKEN Vietnam được triển khai bởi Hội đồng Anh tại Việt Nam, kết hợp với các đối tác là hai trường đại học Vương quốc Anh (gồm Đại học Glasgow Caledonian và Đại học Northampton) và 6 trường đại học Việt Nam bao gồm: Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm Huế, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Mục tiêu của dự án là triển khai và vận hành các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo xã hội trong các trường đại học, hướng tới phát triển chương trình giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật, quốc tế hoá và ươm tạo để tạo ra mạng lưới trên toàn cầu, giải quyêt những vấn đề ảnh hưởng đến xã hội.
Ban Tổ chức và các khách mời chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Gấm cho biết: “Chủ đề của buổi thảo luận hôm nay thực sự rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Các trường đại học đã và đang nỗ lực không ngừng để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngày hôm nay chúng ta có cơ hội tìm hiểu thêm về cách mà các trường đại học có thể giải quyết những thách thức toàn cầu và những tiến bộ vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam nói chung và dự án SILKEN nói riêng. Vì chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, nghèo đói và hạn chế tiếp cận giáo dục chất lượng nên không thể đánh giá thấp vai trò của trường đại học trong việc góp phần giải quyết những thách thức này. Các trường đại học đang đi đầu trong việc tạo ra đổi mới và phổ biến kiến thức, do đó sẽ góp phần định hình tư duy của các nhà lãnh đạo tương lai, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách, những người sẽ thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội của chúng ta.
Thật thú vị khi biết rằng Đại học Duy Tân - thành viên của mạng lưới SILKEN nằm trong bảng xếp hạng tác động 2022. Mục đích, mục tiêu của quan hệ đối tác toàn cầu đang diễn ra và cam kết của chúng tôi với Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam là tạo điều kiện cho các trường đại học của Vương quốc Anh và Việt Nam chung tay cùng nhau tạo ra tác động. Mục tiêu của SILKEN là triển khai mô hình đổi mới xã hội trong các trường đại học Việt Nam, đặc biệt giữa 6 trường đại học thành viên của SILKEN Vietnam. Vì vậy, là một phần của kiến thức, trao đổi & nâng cao năng lực của dự án, hội thảo ‘Kết nối Toàn cầu vì Đổi mới Sáng tạo Xã hội’ hôm nay chính là diễn đàn để mọi người thảo luận về cách các trường đại học có thể đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tôi hy vọng rằng thông qua việc tích cực tham gia dự án và sử dụng các chỉ số xếp hạng tác động của THE, các trường đại học thành viên của Việt Nam và đặc biệt là Đại học Duy Tân có thể củng cố vai trò là những bên liên quan chính trong việc giải quyết các thách thức của cộng đồng và tạo ra tác động có ý nghĩa.”
Với chủ đề “Kết nối toàn cầu vì Đổi mới Sáng tạo Xã hội”, hội thảo đã tập trung vào việc chia sẻ các kinh nghiệm và học hỏi từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã thành công trong lĩnh vực sáng tạo xã hội. Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chia sẻ đến từ khách mời, bao gồm tóm tắt chính sách về Ươm tạo và Khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng, case study về Lá Cau, Công ty Lữ hành Hội An Express và Cửa hàng Hạnh phúc - mô hình kinh doanh đồ tái chế. Qua đó, mọi người đã cùng nhau thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm tìm kiếm ra những giải pháp hữu ích và thiết thực để có thể giải quyết những vấn đề mà cộng đồng quan tâm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
TS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng chia sẻ: “Trong một năm qua, với tư cách là thành viên của SILKEN Việt Nam, Đại học Duy Tân đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa. Hội thảo hôm nay rất quan trọng đối với tất cả giảng viên và sinh viên về cách thúc đẩy những thay đổi cho xã hội của chúng ta. Cụ thể, tôi nghĩ rằng chúng ta đang khám phá các cách thúc đẩy đổi mới xã hội đối với các kết nối toàn cầu và đổi mới địa phương. Vì vậy, tôi muốn nhân cơ hội này cảm ơn cô Trần Thị Hồng Gấm và Hội đồng Anh tại Việt Nam đã thành lập dự án SILKEN. Đặc biệt, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới ông Mark Anderson, cô Natalia và các điều phối viên khác tại Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình này. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn đến ông Lê Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp khác của Đà Nẵng. Các bạn đã giúp chúng tôi thực hiện chương trình này.”
(Truyền Thông)