English

Đại học

Cải tiến Phương pháp dạy môn Khoa học Xã hội trước Yêu cầu Đổi mới

Sáng 3/12/2015, Đại học Duy Tân đã tổ chức Tọa đàm “Cải tiến phương pháp giảng dạy các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn trước yêu cầu đổi mới” tại Phòng 702 - K7/25 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tọa đàm có sự tham dự đông đảo của các cán bộ, giảng viên thuộc Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Lý luận Chính trị và Khoa Ngoại ngữ trên tinh thần đóng góp những ý kiến thiết thực để tìm ra phương pháp đào tạo hiệu quả cho nhất cho sinh viên theo học khối ngành này tại Đại học Duy Tân.
 
 
 TS. Phan Ngọc Thu phát biểu tại buổi Tọa đàm
 
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Phan Ngọc Thu - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ: “Khi Khoa học Tự nhiên, Công nghệ Thông tin ngày càng được xã hội quan tâm phát triển thì việc đẩy mạnh các ngành học thuộc Khoa học Xã hội cần phải được nâng lên một bước mới. Đây là ngành học đặc thù liên quan trực tiếp đến vấn đề con người, là ngành học nền tảng thúc đẩy các ngành khoa học khác phát triển bởi vậy ngay tại các trường đại học, việc tìm và liên tục cải tiến các phương pháp giảng dạy cần phải thực hiện thường xuyên. Mỗi giảng viên cần phải nhận định rõ mối quan hệ bền vững giữa nội dung và phương pháp giảng dạy từ đó gắn kết với thực tiễn để tạo nên những bài giảng hay và chất lượng. Những giảng viên dạy tốt cần phải tích lũy kiến thức, tiếp cận tri thức mới, phát huy vẻ đẹp của bộ môn để tạo sự hấp dẫn đối với sinh viên. Việc tạo phong cách riêng trong giảng dạy trên nền tảng nhân văn mà Đại học Duy Tân tạo lập sẽ giúp các giảng viên tạo được dấu ấn, bản sắc riêng để mỗi giờ dạy trở nên sinh động, giúp sinh viên tiếp cận bài giảng sâu và ghi nhớ lâu hơn.”
 
 
Các cán bộ, giảng viên Đại học Duy Tân chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm 
 
Tọa đàm ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các giảng viên nhiều năm giảng dạy ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong đó, ThS. Trần Hồng Phong - Trưởng Khoa Lý luận Chính trị khẳng định một bài giảng hay trước tiên người thầy phải có tâm huyết ngay trong việc soạn bài giảng. Mọi người thường cho rằng Lý luận Chính trị là môn học khô khan nhưng nếu người thầy thay vì “thao thao bất tuyệt” cố “nhồi nhét” cho sinh viên các quan niệm, quy định về chính trị bằng việc liên hệ thực tế những câu chuyện có thật trong từng luận điểm thì bài giảng sẽ vô cùng hấp dẫn. 
 
Ở một góc nhìn khác, ThS. Hoàng Thị Hường - Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Thành công của một giảng viên chính là đổi mới phương pháp giảng dạy bắt đầu từ một giờ học cụ thể, thậm chí là một tình huống cụ thể. Ngay trong những giờ học đó, giảng viên cần phải dạy cho sinh viên thói quen học tập, dạy kỹ năng phân tích vấn đề, khả năng tiếp thu và xử lý thông tin cũng như mỗi giảng viên phải biết cách nêu vấn đề, gợi ý để sinh viên có thể tìm hiểu một cách hệ thống, khoa học, đúng theo trình tự, đúng theo mục đích yêu cầu. Một yếu tố không thể thiếu tạo nên phương pháp giảng dạy chính là cái tâm của nhà giáo. Đó chính là thước đo tạo nên cảm hứng cho mỗi sinh viên để các em chăm đến giảng đường và cùng nhau học tập.”
 
Khá nhiều các phương pháp hay được đưa ra để giải quyết các tình huống cụ thể như ra bài tập nhỏ trong các buổi học, lồng ghép thơ vào bài giảng, tổ chức trò chơi để khởi động tạo hứng khởi cho sinh viên ngay khi vào lớp… Bên cạnh đó, Tọa đàm cùng dành nhiều thời gian để cùng nhìn nhận về các phương pháp đào tạo vẫn còn nhiều bất cập, chưa thu hút được sinh viên, các bài giảng thiếu hấp dẫn hay sự non kém trong việc xây dựng giáo trình… Tinh thần hết mình vì sự nghiệp cải tiến phương pháp giảng dạy của các giảng viên thuộc khối ngành Khoa học Xã hội của Đại học Duy Tân được chia sẻ trong buổi Tọa đàm đã thêm một lần khẳng định niềm đam mê, yêu nghề, đau đáu vì sự nghiệp “trồng người” đang từng ngày hiện hữu. 
 
(Truyền Thông)