English

Đại học

Hội thảo “Việt Nam - Châu Á: Những mối Quan hệ Lịch sử, Văn hóa và Văn học”

Nhằm tạo điều kiện cho các học giả, các nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kết quả nghiên cứu về mối quan hệ Việt Nam - Châu Á, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Duy Tân phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tổ chức Hội thảo Khoa học “Việt Nam - Châu Á: Những mối quan hệ Lịch sử, Văn hóa và Văn học”. 
 
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Võ Xuân Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Nguyễn Tấn Thắng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân; TS. Trần Xuân Hiệp - Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, hơn 50 Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên, Nhà nghiên cứu đến từ 22 trường Đại học và Viện nghiên cứu trong cả nước cùng đông đảo sinh viên, giảng viên Đại học Duy Tân
 
TS.Võ Xuân Vinh trình bày tại Hội thảo
 TS. Võ Minh Hùng (Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) trình bày tại Hội thảo
 
Việt Nam là một quốc gia thành viên trong khu vực châu Á. Do đó, những thay đổi dù nhỏ nhất của khu vực này đều tác động trực tiếp đến tình hình phát triển của đất nước. Việc thúc đẩy gắn kết Việt Nam - châu Á chính là góp phần vào quá trình tăng cường mở rộng giao lưu hợp tác, nâng tầm giá trị về một Việt Nam thân thiện, hòa bình đối với khu vực và thế giới. 
 
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nhấn mạnh: Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu cũng như các em sinh viên có cơ hội trao đổi kiến thức cũng như thảo luận về mối quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á, đồng thời đây cũng là một hoạt động ý nghĩa với Đại học Duy Tân, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nói riêng, giới khoa học Khoa học Xã hội Việt Nam nói chung trong việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giao lưu và hợp tác khoa học ở tầm quốc gia và hướng tới quốc tế. 

 Các học giả chụp ảnh lưu niệm 
                                        Các học giả tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm  
 
Hội thảo đã thu hút được hơn 50 bài tham luận đến từ 27 trường Đại học, Viện nghiên cứu trong cả nước. Các tham luận của các học giả mang đến nhiều thông tin bổ ích, tiếp cận ở nhiều góc độ mới, trải rộng trên các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, thương mại cho đến các giao lưu, tương tác trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, đời sống tôn giáo… Có những nghiên cứu về một giai đoạn phát triển trong lịch sử, cũng có những nghiên cứu chuyên sâu ở góc độ một chuyên ngành cụ thể hoặc một tác phẩm cụ thể… Đặc biệt, nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam không chỉ tích cực tham gia mà còn thể hiện sự tự tin trong việc trình bày các kết quả nghiên cứu của mình và trao đổi học thuật với các nhà khoa học có kinh nghiệm lâu năm. Một số tham luận tiêu biểu được lựa chọn để trình bày trực tiếp tại hội thảo như: “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh lạnh: thực trạng và triển vọng” của TS. Võ Minh Hùng (Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu), “Bài Chòi Trung Bộ: nguồn gốc, quan hệ và bản sắc” của ThS. Nguyễn Đăng Hựu (Đại học Duy Tân),…
 
Các nghiên cứu được công bố tại Hội thảo đã đóng góp thiết thực cả về ý nghĩa lý luận, học thuật cũng như ý nghĩa thực tiễn cho việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trên con đường gắn kết với Châu Á, đồng thời góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Đại học Duy Tân với các trường Đại học, Viện nghiên cứu trên toàn quốc. 
 
(Truyền Thông)