English

Đại học

Seminar “Kỹ thuật Chế tạo kính Thiên văn Vô tuyến”

Sáng ngày 15/10/2015, Đại học Duy Tân đã tổ chức Seminar “Kỹ thuật chế tạo Kính thiên văn vô tuyến” tại Phòng 702 - K7/25 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Seminar có sự tham dự của Kỹ sư Lương Quang Thủy - Viện Vật lý Thiên văn Lý thuyết Canada, cô Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cùng đông đảo cán bộ, giảng viên Đại học Duy Tân và học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
 
 
Kỹ sư Lương Quang Thủy giới thiệu về Kính thiên văn vô tuyến tại buổi Seminar
 
Phát biểu tại buổi Seminar, TS. Võ Thanh Hải cho biết: “Trong suốt 21 năm thành lập và phát triển, Nghiên cứu khoa học luôn là một trong những hoạt động được Đại học Duy Tân chú trọng đầu tư và quan tâm triển khai sâu rộng đến cán bộ, giảng viên và sinh viên. Đến nay, nhà trường đã có 131 công bố quốc tế có chỉ số ISI và là trường đại học nằm trong Top 20 tổ chức có công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam theo công bố của Bộ Khoa học & Công nghệ. Hiện nay, Duy Tân đang triển khai thực hiện kế hoạch kết nối Nghiên cứu khoa học với các trường THPT theo chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm hỗ trợ các trường THPT trong các hoạt động nghiên cứu và tham gia các cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật. Không chỉ hỗ trợ các trang thiết bị, phòng thí nghiệm, cử giảng viên hướng dẫn các trường THPT thực hiện các đề tài nghiên cứu mà đối với những ý tưởng sáng tạo và khả thi, Duy Tân sẽ cùng đầu tư giúp các trường phát triển các ý tưởng đó thành sản phẩm hoàn thiện.”
 
 
 Đông đảo học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tham dự Seminar

Tại Seminar, Kỹ sư Lương Quang Thủy đã cung cấp đến các em học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn những thông tin cơ bản về việc chế tạo Kính thiên văn vô tuyến cũng như những ưu điểm của loại kính này trong việc quan sát vũ trụ. Theo đó, Kính thiên văn vô tuyến hoạt động như một máy thu vô tuyến, đối tượng quan sát chủ yếu là dải Ngân hà trong vũ trụ. Để chế tạo một chiếc Kính thiên văn vô tuyến đơn giản chỉ cần chảo vệ tinh C Band, bộ khuếch đại nhiễu thấp, bộ khuếch đại In-line và USB Dongle. Chiếc kính này sẽ ghi nhận những bức xạ vô tuyến của các thiên thể trong dải Ngân hà, tính toán và vẽ được bản đồ phân bố vật chất của dải Ngân hà. Nếu như Kính thiên văn quang học bị hạn chế tầm quan sát bởi khí quyển của Trái đất và chỉ có thể quan sát vũ trụ vào ban đêm trong điều kiện thời tiết tốt thì Kính thiên văn vô tuyến có ưu điểm vượt trội là không bị giới hạn tầm quan sát và có thể quan sát cả ngày lẫn đêm. 

Không chỉ được tìm hiểu những kiến thức thú vị về Thiên văn học, các em học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn còn được tham quan thư viện, các phòng thí nghiệm cùng các trang thiết bị phục vụ Nghiên cứu khoa học tại Duy Tân để hiểu rõ hơn về môi trường học tập và nghiên cứu ở Đại học. Học sinh Nguyễn Tiến Văn - Lớp 11A4 (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) chia sẻ: “Seminar tổ chức tại Đại học Duy Tân hôm nay thực sự rất ý nghĩa đối với học sinh chúng em khi biết thêm được rất nhiều điều mới lạ, hữu ích về thế giới xung quanh và tạo hứng thú Nghiên cứu khoa học cho chúng em ngay từ khi đang học tại trường phổ thông. Em cũng rất ấn tượng với cơ sở vật chất hiện đại của Đại học Duy Tân và mong rằng sau này sẽ có cơ hội học tập tại trường để thỏa sức theo đuổi những đam mê cũng như sở thích của bản thân.”

Được biết, Đại học Duy Tân đã và đang nghiên cứu về Nguyên lý phân tích phổ của sóng vô tuyến. Kết quả của nghiên cứu này sẽ là nền tảng cơ bản cho việc chế tạo Kính thiên văn vô tuyến tại Đại học Duy Tân trong tương lai.

(Truyền Thông)