English

Đại học

Triển lãm các Ý tưởng Learning Express 2015 của Sinh viên Duy Tân

Những trải nghiệm thú vị trong hành trình đến với làng đúc đồng Phước Kiều, làng Mây tre đan và làng Bánh tráng của tỉnh Quảng Nam đã khơi nguồn nhiều ý tưởng sáng tạo cho sinh viên 2 trường Singapore Polytechnic và Đại học Duy Tân. Những ý tưởng được triển lãm trong chiều ngày 15/10/2015 tại Thư viện Đại học Duy Tân, K7/25 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng chính là thành quả sau 2 tuần tìm hiểu và nghiên cứu của sinh viên 2 trường với mong muốn phần nào giúp người dân các làng nghề bảo vệ sức khỏe, thúc đẩy sản xuất.
 
 
Sinh viên Singapore Polytechnic và Đại học Duy Tân giới thiệu
mô hình dây chuyền phơi bánh tráng bằng nhiệt... 
 
Đến với làng đúc đồng Phước Kiều, làng Mây tre đan và làng Bánh tráng của huyện Điện Bàn, sinh viên hai trường đã tìm hiểu về quy trình làm ra từng sản phẩm của các làng nghề, cùng tham gia sản xuất với người dân để hiểu rõ hơn những yêu cầu trong công việc, những khó khăn và vất vả mà người dân nơi đây đang gặp phải. Với sự thông minh và nhạy bén, sinh viên 2 trường đã nắm bắt được những vấn đề “nan giải” của người dân các làng nghề, cùng nhau lên kế hoạch và đưa ra những ý tưởng, giải pháp hữu ích hỗ trợ cho cuộc sống cũng như công việc của người dân.
 
 
...và chụp hình lưu niệm tại buổi Triển lãm 

Tại buổi Triển lãm, sinh viên 2 trường đã giới thiệu nhiều ý tưởng cũng như mô hình sáng tạo với tiêu chí tiện lợi, an toàn, thân thiện với môi trường và nâng cao được năng suất công việc ở các làng nghề. Trong đó phải kể đến Bàn xoay đa năng với chức năng vừa tạo khuôn đúc đồng bằng đất sét, vừa có động cơ giúp phá các khuôn khi sản phẩm đã hoàn thành hay dụng cụ chứa kim loại đã nung chảy có nắp đậy và giữ được nhiệt giúp người dân làng đúc đồng Phước Kiều tiết kiệm được thời gian, sức lực cũng như bảo vệ được bản thân trong quá trình sản xuất. Nhằm giúp người dân làng Bánh tráng phơi khô được bánh trong những ngày trời mưa và cải thiện được sức khỏe khi phải ngồi trong thời gian dài đóng gói bánh liên tục, sinh viên 2 trường đã thiết kế mô hình dây chuyền phơi bánh bằng nhiệt và ghế tựa có thể điều chỉnh được độ cao thấp theo yêu cầu của người làm việc. Khuôn để uốn và tạo kiểu cho mây tre hay Robot tự động dọn dẹp vệ sinh là những ý tưởng thiết thực cho làng Mây tre đan, giúp người dân tạo nên những sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và giữ được môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn.

Sinh viên Ahmod Imran Bin Azhari (Khoa Khoa học Truyền thông, Nghệ thuật và Xã hội, trường Singapore Polytechnic) chia sẻ: “Em đã học được rất nhiều kỹ năng mới, nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề, đồng thời có những trải nghiệm thú vị tại các làng nghề và đặc biệt là có thêm nhiều bạn mới khi tham gia chương trình Learning Express với sinh viên Duy Tân. Em hy vọng sẽ có nhiều cơ hội quay lại Tp. Đà Nẵng để cùng các bạn sinh viên Duy Tân tiếp tục tìm đến nhiều làng nghề và đóng góp nhiều hơn nữa những ý tưởng, giải pháp hỗ trợ cho cuộc sống lao động, sản xuất của người dân Việt Nam.”

Là một trong những giảng viên trực tiếp theo sát các sinh viên trong khoảng thời gian 2 tuần, cô Koh Sook Ina (Giảng viên Khoa Hoá - Khoa học Đời sống, trường Singapore Polytechnic) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình Learning Express cùng với các em sinh viên đến từ các khoa, ngành khác nhau như Tài chính, Kinh doanh, Du lịch, Thực phẩm, Cơ khí, Kỹ thuật của cả 2 trường Singapore Polytechnic và Đại học Duy Tân. Thời gian tham gia chương trình tuy ngắn nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về các em sinh viên Duy Tân. Các em rất thân thiện, năng động, nhiệt tình và chăm chỉ. Không chỉ hỗ trợ và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong suốt hành trình mà các em còn là tấm gương về tinh thần hăng say trong công việc khi luôn thức khuya, dậy sớm. Đây là chuyến đi với những kỷ niệm đặc biệt mà tôi sẽ không bao giờ quên.”

(Truyền Thông)