English

Đại học

PGS.TS. Lê Hoài Bắc tập huấn CDIO tại Duy Tân

Sáng ngày 21/01/2013, tại phòng họp 702 cơ sở K7/25 Quang Trung, PGS.TS. Lê Hoài Bắc- Phó Trưởng khoa Công nghệ Thông tin trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc Gia Tp. HCM thực hiện buổi tập huấn CDIO cho các giảng viên trường Đại học Duy Tân. Sau hơn ba giờ trình bày và thảo luận, PGS. Lê Hoài Bắc đã chuyển tải những nội dung cơ bản nhất của mô hình xây dựng chương trình đào tạo CDIO đến người tham dự.
 
Theo PGS. Lê Hoài Bắc, CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement - Operate, nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO là một đề xướng xuất phát từ ý tưởng của các khối ngành kỹ thuật thuộc trường Đại học Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Đây là một phương pháp luận giúp giải quyết được hai vấn đề then chốt là: dạy sinh viên điều gì (Dạy cái gì ?) và làm thế nào để sinh viên lĩnh hội được tri thức (Dạy như thế nào ?).
 
 
PGS.TS. Lê Hoài Bắc giới thiệu về CDIO
 
CDIO  xác định chuẩn đầu ra, trên cơ sở đó sẽ thiết kế chương trình đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo. Mô hình CDIO có hai thành phần chính là đề cương CDIO (CDIO syllabus) và các tiêu chuẩn CDIO (CDIO standards).
 
Xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đề cương môn học theo mô hình CDIO nhằm tạo ra sản phẩm là một kỹ sư đúng nghĩa theo các khía cạnh kiến thức, kỹ năng và thái độ với nghề nghiệp.
 
Tại buổi trình bày, PGS.TS. Lê Hoài Bắc cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai CDIO tại Khoa CNTT - Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Theo PGS. Lê Hoài Bắc, CDIO không hoàn toàn mới vì các tiêu chuẩn của nó đã có sẵn đâu đó trong quá trình đào tạo của các trường. Điểm mới chính là việc CDIO cung cấp cho chúng ta một cách tiếp cận có hệ thống. Dựa trên những hệ thống tiêu chuẩn này mà các trường có thể xây dựng cho mình một chương trình đào tạo phù hợp nhất.
 
Chúng tôi đã thí điểm CDIO suốt 3 năm qua và đã rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Bài học đầu tiên là không nên quá ôm đồm. Ở lần đầu xây dựng các tiêu chuẩn chúng tôi đã đưa ra trên 357 mục và hơn 12 kỹ năng. Qua các năm sau chúng tôi phải giản lượt dần và hiện nay chỉ dừng lại ở 5 kỹ năng chính. Đây chính là điều các bạn Duy Tân nên rút kinh nghiệm. Các bạn nên tập trung vào các tiêu chí quan trọng, xác định lợi thế của mình, xác định theo nhu cầu của miền Trung… vì chỉ như vậy mới giúp phân biệt sản phẩm của Duy Tân so với các trường khác, tạo nên sự khác biệt là các bạn sẽ thành công.” - PGS. Lê Hoài Bắc chia sẻ.
 
Buổi chiều cùng ngày, PGS. Lê Hoài Bắc có buổi nói chuyện riêng với các giảng viên khoa CNTT  trường Đại học Duy Tân về chủ đề Khoa học Web. Theo PGS. Lê Hoài Bắc đây là một lĩnh vực còn mới vì chúng ta sử dụng web hàng ngày, hàng giờ nhưng bản chất của web là gì chúng ta chưa biết được.
 
 “Các bạn khoa CNTT nên quan tâm đến lĩnh vực mới này, có nhiều vấn đề đặt ra để các bạn làm dự án hoặc tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Tôi sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ với các bạn trong khả năng của mình. Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục có sự hợp tác trong quá trình triển khai CDIO cũng như trong nghiên cứu và giảng dạy.” , PGS. Lê Hoài Bắc kết luận.
 
Được biết, Đại học Duy Tân là trường thứ 2 tại Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế sau ĐH Quốc gia Tp.HCM. Hiện Duy Tân đang từng bước áp dụng mô hình này vào công tác đào tạo các ngành công nghệ và kỹ thuật tại trường. Với mô hình này, Đại học Duy Tân hy vọng sẽ trở thành một trong những trường đào tạo sinh viên đạt chuẩn và phù hợp với nhu cầu của xã hội.

(Truyền Thông)