English

Nghiên cứu

Đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ duy nhất của khối ngoài công lập

Ngày 26/07/2011 vừa qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức ra quyết định số 4938/BGDĐT-KHCNMT thông báo kết quả tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài KH&CN cấp Bộ năm 2012. Trong số 143 đề tài được xét duyệt, đề tài “Nghiên cứu và phát triển hệ thống kiểm soát an ninh sử dụng công nghệ nhận dạng đa sinh trắc kết hợp với công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID) trên nền hệ thống nhúng” của Đại học Duy Tân do TS. Lê Nguyên Bảo chủ trì đã vinh dự được xét chọn trúng thầu.
 
 
ThS. Nguyễn Gia Như - Phó Trưởng Khoa Sau Đại Học

ThS. Nguyễn Gia Như-thành viên thực hiện đề tài-cho biết: “Đề tài trên không thuộc danh mục đề tài Đại học Duy Tân ra đề bài đăng ký song đây là lĩnh vực nghiên cứu thuộc thế mạnh của Đại học Duy Tân. Dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo-Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, nhóm giảng viên, nghiên cứu viên đã tiến hành xây dựng hồ sơ đấu thầu theo qui định của Bộ với quyết tâm cao. Kết quả Đại học Duy Tân vượt qua đơn vị ra đề bài và các đơn vị khác đều là những đại học hàng đầu về công tác đào tạo và nghiên cứu trên lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước”.

Được biết, toàn quốc có 30 đơn vị trúng thầu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2012. Đa số là các đại học công lập hàng đầu Việt Nam như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ…, Đại học Duy Tân là đại diện duy nhất của khối trường ngoài công lập trúng thầu. Đây là một minh chứng thể hiện sự bức phá về năng lực nghiên cứu khoa học và trình độ học thuật của đội ngũ cán bộ, giảng viên Đại học Duy Tân hiện nay.
 

Một số thông tin về ý nghĩa của đề tài: 

Bên cạnh ngôn ngữ giao tiếp, các thông tin dưới dạng hình ảnh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc trao đổi thông tin. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây sự kết hợp giữa ảnh và đồ họa đã trở nên rất chặt chẽ trong lĩnh vực xử lý thông tin. Trong công nghệ thông tin, xử lý ảnh và đồ họa chiếm một vị trí rất quan trọng bởi vì các đặc tính đầy hấp dẫn đã tạo nên một sự phân biệt với các lĩnh vực khác. 

Một trong những cách tiếp cận để giải quyết khó khăn trong bài toán nhận dạng sinh trắc học là sử dụng đa sinh trắc và kết hợp với thẻ. Từ năm 2008 một số tòa nhà liên bang Mỹ đã phát hành loại thẻ kiểm tra nhân dạng (PIV) mới có chứa dữ liệu dấu vân tay dạng kỹ thuật số. Theo Viện nghiên cứu về tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ (NIST), dùng thẻ PIV để xác nhận sinh trắc học vừa nhanh, vừa nâng cao tính an toàn trước nạn ăn cắp và giả mạo nhân dạng cá nhân. Theo đó, mỗi nhân viên khi bước vào mỗi tòa nhà liên bang đặt thẻ PIV vào rãnh giống như máy ATM. Sau đó, người sử dụng sẽ nhập số PIN để nhập thông tin và đặt ngón tay lên máy quét để so sánh.

Ở nước ta hiện nay, việc kiểm soát tự động đã có nhiều bước phát triển đáng kể, việc ứng dụng công nghệ nhận dạng đa sinh trắc kết hợp với công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID) trên nền hệ thống nhúng vào các hệ thống kiểm soát an ninh ngày một thiết thực và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

(ThS. Nguyễn Gia Như)


(Truyền Thông)