English

Đoàn Thể

Để trái tim hát mãi khúc ca xanh

Cuốn abum lại trở về với vị trí cũ sau khi được bổ sung những tấm hình mới. Những khoảnh khắc tuyệt vời mà nó vừa trải nghiệm trong chiến dịch Mùa hè xanh.
  
Mùa hè đầy ý nghĩa đã đi qua, những con người bình dị, những đứa em ngây thơ, những tình cảm chân thành, những người bạn đã cho tôi thấy cuộc sống còn nhiều điều để học, để trân trọng. Điều mà có lẽ không phải trang sách nào cũng có, thầy cô nào cũng dạy. Chợt thấy yêu hơn cuộc sống này, yêu biết bao tuổi trẻ mà tôi và các bạn đang có.

Những khoảnh khắc đã trở thành kỉ niệm 

Mới hôm nào chiếc xe chở những tình nguyện viên đầy nhiệt huyết bỏ lại sau lưng cái ồn ào náo nhiệt của thành phố để đến với vùng quê nghèo của Đà Nẵng. Khung cảnh làng quê thanh bình yên ả đã hiện ra trước mắt chúng tôi, những rừng cây bạt ngàn, tiếng chim hót líu lo, cái không khí ôi chao dễ chịu thế. Càng vào sâu đường càng trở nên khó khăn hơn, đường nhỏ và dốc khiến chiếc xe phải bỏ cuộc, chúng tôi xuống xe di chuyển đồ đạc về nơi tập kết, dường như khi xuống xe tôi thành một người khác, nếu mới gặp tôi lúc đó sẽ không ai nói rằng tôi vừa mới bị say xe, vừa mới trải qua một cuộc đấu tranh tinh thần khốc liệt, mấy anh chị cũng phải trợn tròn mắt khi tôi liếng thoắng liên hồi trong khi trên xe như tàu lá chuối.

Cuối cùng đã đến với điểm tập kết, cả đoàn được chia thành 4 đội và chia nhau về ở nhà dân. Công việc lần này của chúng tôi là giúp dân làm đường và khảo sát một số hộ gia đình để xây dựng nhà tình thương. Sau khi tất cả đã ổn định nơi ăn chốn ở, chúng tôi bắt tay vào ngay công việc, thời gian không cho phép chúng tôi chần chừ.

Chúng tôi làm đường bêtông. Nhưng đây không phải đường bêtông như thông thường người ta vẫn thường làm, nguyên liệu ở đây chỉ có đất đỏ lẫn sỏi và xi măng, thế mới thấy sự khó khăn cơ cực của vùng quê này. Chúng tôi quyết định lọc sỏi khỏi những lớp đất dày trong ngày thứ nhất. Sang ngày thứ 2 có những xe tự chế của người dân chở cát và đá sỏi vào, chỉ có những con người am hiểu địa hình nơi đây mới sáng chế ra những chiếc xe có thể di chuyển tốt trên địa hình này. Những giọt mồ hôi thấm ướt đẫm màu áo xanh và màu áo nâu của tình nguyện viên và những người dân chất phác, những mét đường đầu tiên đã dần dần hình thành. Thành quả của việc nỗ lực hết mình, những nụ cười sâu trong khóe mắt sương gió và ánh mắt hồn nhiên của các em thơ.

 
Những giọt mồ hôi thấm ướt màu áo xanh tình nguyện

Khoa tôi được phân công ở cùng nhà với hai khoa khác. Mới ngày đầu chưa quen ai nấy đều rất bẽn lẽn, chỉ nói chuyện với những người quen biết từ trước, chẳng biết ai đó đã có sáng kiến rất thú vị. Mọi người sẽ giới thiệu về mình rồi sau đó chơi trò “gọi tên theo vần”. Tôi thương tôi thương, thương ai thương ai, thương Ninh nợn nái”… thế là những biệt danh ra đời, những trận cười sảng khoái, những khoảng trống ban đầu đã được lấp đầy. Cứ thế thôi, hai tiếng “nhà mình” không biết từ khi nào đã trở nên quen thuộc thân thương quá, lúc nào cũng “nhà mình ơi, đi ăn cơm nào!  dậy thôi, đi làm nào nhà mình ơi!... giờ đây sao nhớ thế, nhớ từng gương mặt, nụ cười ấy. Chắc lại phải tụ tập họp hội nhà mình thôi.

Mỗi buổi tối gian nhà trung tâm lại tổ chức giao lưu văn nghệ với bà con. Qua buổi giao lưu mới phát hiện tổ mình có rất nhiều ca sĩ, vũ công “không thèm nổi tiếng”. Sau buổi sinh hoạt chung, các thành viên quay về nơi ở. Những bản dạ khúc, cây đàn ghita, lời ca tiếng hát cất lên như sợi dây vô hình gắn kết chúng tôi với nhau “ngồi lại bên nhau này bạn thân ơi- ngồi lại bên nhau cùng hát khúc ca”

Đêm đầu tiên dường như ai cũng khó ngủ chắc có lẽ là do lạ nhà, rồi mấy đứa lại bày trò giáo sư Xoay, giải đáp những khúc mắc, những câu hỏi rất láu cá và ngộ nghĩnh được đưa ra khiến giáo sư Xoay-bác tổ trưởng không ít lần phải vò đầu bứt tai. Những tiếng cười rộn vang xé toang cái không gian yên ắng của đêm tối vùng quê.

Trong chiến dịch lần này còn có những người bạn ngoại quốc cũng tham gia. Họ cũng như chúng tôi những người trẻ đầy nhiệt huyết muốn cống hiến không kể ranh giới quốc gia, tiếc là các bạn không tham gia được hết chiến dịch vì một số lí do các bạn phải quay về nước gấp. Với tôi một cô bé mới tròn đôi mươi, mùa hè xanh là một trải nghiệm tuyệt vời, thấy mình trưởng thành hơn sống có trách nhiệm hơn.

Mùa hè xanh đem đến cho tôi những người bạn mới, giờ ngồi đây sao thấy nhớ da diết những gương mặt lấm lem nhọ nồi khi chơi bài quẹt nhọ, những nụ cười khi ngủ trên môi vẫn chưa kịp tắt, nhớ những buổi trưa chang nắng rủ nhau đi post hình kịp lưu lại những khoảnh khắc khó quên, thấy nhớ tấm chăn đêm ai đắp cho, nhớ bàn tay nhẹ nhàng của ai đó giúp lấy cái nọc ong xấu xí chích vào tay. Rồi ai trong số chúng tôi có thêm người để yêu thương và được yêu thương.

Thế là chiến dịch đã đến giai đoạn cuối, ngày cuối cùng, không khí trở nên trầm lắng hơn. Không còn cái không khí ồn ào của những ngày đầu bởi ai cũng thấy tiếc nuối chẳng muốn rời xa. Em bé con cô chủ nhà-nơi trở thành gia đình thứ hai của chúng tôi trong những ngày ghé qua vùng quê này thủ thỉ vào tai tôi: “Anh chị về rồi em buồn lắm, có đường mới đi học, đi chơi mát chân, không sợ trời mưa đường ngập bùn lầy nữa rồi, mỗi bước chân đi em sẽ nhớ  anh chị, sau này lớn em cũng muốn mặc áo xanh như các anh chị”. Tôi chẳng biết nói gì cả chỉ biết gật đầu và mỉm cười nhưng nước mắt trào ra từ lúc nào không hay biết, rồi vội vàng lau vội để không muốn ai thấy mình khóc. Chẳng có gì ngoài mấy cuốn truyện tranh tặng em làm kỉ niệm và hứa với em rằng nếu có dịp sẽ lại về thăm em.

Chiếc xe lại từ từ lăn bánh, nhìn qua gương vẫn còn đó những cánh tay vẫy chào tạm biệt, những ánh mắt chứa đầy tình cảm thân thương, quyến luyến nhưng ấm lòng đến kì lạ, bóng dáng ngôi làng khuất sau làng sương chiều, ven đường hoa Sim, hoa Mua vẫn đua nhau nở như ngày đến. Chào nhé mùa hè xanh, hẹn gặp lại những miền đất mới. Xanh mãi nhé trong tim mùa hè xanh.

(Vũ Thị Thanh Bình-SV khoa KHXH&NV)