(GD&TĐ)-Năm học 2010-2011 là năm học thứ hai Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/1/2010 của Ban Cán sự Đảng bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05-NQ/BCSĐ theo quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/1/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Mục đích của đổi mới quản lý GDĐH là nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghĩa là người học ra trường đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Đổi mới quản lý là quá trình được diễn ra liên tục và luôn có tác động đến người học. Do đó, mọi giải pháp đổi mới quản lý giáo dục không thể tách rời ý kiến phản hồi của người học.
Kênh thông tin phản hồi của người học là cơ sở rất quan trọng giúp cho lãnh đạo cơ sở GDĐH có cái nhìn toàn diện hơn, khách quan hơn về các mục tiêu quản lý đã xây dựng và quá trình triển khai thực hiện các kế hoạch.
|
Giảng đường (ảnh: Internet)
|
Tổ chức lấy ý kiến của người học để đề ra các giải pháp đổi mới quản lý là thể hiện quyết tâm đổi mới của lãnh đạo cơ sở GDĐH nhằm đảm bảo lợi ích của người học và vì sự phát triển của xã hội. Do đó, cơ sở GDĐH sẽ thu hút được đông đảo người học và các lực lượng bên ngoài như các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp,… tham gia, ủng hộ kế hoạch đổi mới.
Có nhiều hình thức lấy ý kiến phản hồi của người học để làm căn cứ cho đổi mới quản lý trong các cơ sở GDĐH, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức lấy ý kiến góp ý của lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên theo Công văn số 2754/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/5/2010 của Bộ GD&ĐT. Kinh nghiêm được rút ra từ các cơ sở GDĐH đã thực hiện nhiệm vụ này từ 3, 4 năm nay cho thấy việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của người học có thể lấy sau khi kết thúc học phần, có kết quả thi kết thúc học phần, hoặc ngay trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, vì mục tiêu đổi mới quản lý nên các cơ sở GDĐH cần tổ tổ chức lấy ý kiến của người học về đội ngũ cán bộ quản lý khoa, tổ bộ môn và lãnh đạo các phòng ban chức năng thường xuyên tiếp xúc với sinh viên.
Thứ hai, định kỳ tổ chức đối thoại giữa ban giám hiệu, lãnh đạo khoa, phòng ban chức năng với ban cán sự lớp, ban chấp hành chi Đoàn nhằm tiếp thu ý kiến của lực lượng quan trọng này và tạo ra bầu không khí dân chủ trong nhà trường.
Thứ ba, tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học tốt nghiệp ra trường đã có việc làm nhằm thực hiện đổi mới chương trình đạo tạo, phương pháp giảng dạy, quy trình quản lý và phục vụ, đánh giá học tập, vv...
Thứ tư, lập diễn đàn trên mạng để người học góp ý và đánh giá, trong đó xây dựng từng nội dung cụ thể như chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, đội ngũ giảng viên, thái độ phục vụ, vv...
Ngoài các hình thức trên, có thể lấy ý kiến phản hồi của người học thông qua các hoạt động quản lý đào tạo:
- Tổ chức cho người học đăng ký học phần theo đúng bản chất của đào tạo theo học chế tín chỉ, theo đó, người học có quyền chọn giảng viên để học. Như vậy, sẽ có giảng viên không được người học đăng ký theo học vì trình độ, năng lực giảng dạy,... không đáp ứng được yêu cầu của người học. Qua đó, các cơ sở GDĐH có cơ sở để sàng lọc, sắp xếp đội ngũ.
- Thực hiện khảo sát các kiến thức đại cương như Toán, Anh Văn, Tin học,… ngay từ khi sinh viên mới nhập học để nắm vững trình độ sinh viên ở từng mảng kiến thức. Trên cơ sở đó, tổ chức lớp học ở các trình độ khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho công tác tổ chức đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo.
Để lấy ý kiến phản hồi của người học đạt hiệu quả cao đòi hỏi mỗi cơ sở GDĐH phải tổ chức thực hiện một cách khoa học, đồng bộ và có sự đầu tư về mặt tài chính.
(ThS Trần Văn Hùng-Đại học Duy Tân)