English

Đại học

Đổi mới quản lý giáo dục: Đoàn TNCS phải đóng vai trò nòng cốt

Phát biểu tại Hội thảo Đổi mới quản lý giáo dục các trường đại học miền Trung, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho hay, trong đề án Đổi mới giáo dục từ nay đến 2012, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đóng một vai trò nòng cốt, bên cạnh nhà trường và sinh viên…
 
 

Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 296/CT-TTg về đổi mới quản lý giáo dục từ 2010-2012, ngày 19-3 vừa rồi, Bộ GD-ĐT cùng T.Ư Đoàn đã ký kết văn bản phối hợp triển khai hành động theo chỉ thị của Thủ tướng. Trong công tác đổi mới, vai trò của Đoàn TNCS là hết sức quan trọng, giúp định hướng nhận thức cũng như vận động sự tham gia tích cực từ phía SV.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân-Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội cho rằng, quản lý đại học không nên quan tâm đến mặt hành chính, đánh đồng ĐH quốc gia, ĐH vùng với cấp nào trong thang bậc của bộ máy hành chính. Điều cần thiết phải làm là tạo điều kiện, nguồn lực để các trường phát triển, sau đó mạnh dạn phân nhiệm và phân quyền cần thiết thay cho bao biện và cửa quyền. Ông Lê Nguyên Bảo-Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho hay: “ĐH Duy Tân đã tiên phong trong các trường ĐH ở miền Trung về việc đổi mới cách quản lý. Tất cả đều lấy SV làm trung tâm, chất lượng đầu ra theo nhu cầu xã hội chính là điểm mấu chốt của chương trình đổi mới ở ĐH Duy Tân”.

Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, trước sự phát triển của kinh tế với hàng trăm DN ra đời, nhu cầu về lao động chất lượng cao ngày càng bức thiết. Trong 23 năm qua (1987-2010), nguồn cung lao động chủ yếu vẫn là các trường ĐH. Từ những năm 1987 chỉ có 130.000 SV, đến năm 2009 đã có 1,1 triệu SV tốt nghiệp ĐH. Tuy hầu hết số này đều có việc làm khi ra trường, nhưng số lượng SV làm đúng ngành nghề, đúng chuyên môn rất ít. “Đó là hệ quả của việc chậm cải tiến quản lý giáo dục, dẫn đến chất lượng thấp. Từ năm 1987 đến nay, trong khi đội ngũ giảng viên tăng 3 lần thì SV tăng 13 lần. Chi phí đào tạo 6-10 triệu đồng/SV/năm so với nước ngoài từ 10-5.000 USD/SV/năm. Như vậy đương nhiên chất lượng sẽ kém”-ông Quý phân tích.

Chỉ đạo định hướng các trường ĐH ở miền Trung thực hiện chỉ thị 296 về đổi mới giáo dục của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho rằng, đã đến lúc nên ngồi lại với nhau để xem vì sao chất lượng giáo dục ĐH chưa thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. “Đó là sự yếu kém của quản lý Nhà nước đối với các trường ĐH và sự yếu kém trong cách quản lý của các trường, trong hệ thống giáo dục chúng ta. Xã hội không quan tâm chúng ta đổi mới ra sao, mà chỉ quan tâm hiệu quả của sự đổi mới như thế nào”-ông Quý khẳng định. Ngoài các giải pháp đã và đang được gấp rút triển khai thực hiện tại các trường ĐH, Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng chỉ đạo, trọng tâm đổi mới là SV, vì thế, việc vận động SV cùng hưởng ứng là trách nhiệm nặng nề của Đoàn TNCS. Trung ương Đoàn và các cơ sở đoàn sẽ quản lý SV, cùng SV thảo luận phương hướng, biện pháp cụ thể trong từng hoàn cảnh đổi mới.
 
(Theo giaoduc.edu.vn)