English

Giấc mơ Duy Tân

Chớ vội vàng với giáo dục

Những tâm sự và trăn trở của thầy Lê Công Cơ-Chủ tịch HĐQT Đại học Duy Tân Đà Nẵng-một người trọn đời gắn bó với giáo dục nước nhà. Thầy cũng là người mạnh dạn đổi mới phương pháp giáo dục một cách giáo dục và hiệu quả. Thầy đã chia sẻ suy tư của mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
 

Thầy Lê Công Cơ

Phải giữ bản sắc

Thầy Cơ bảo mình đã đi khoảng 90 trường đại học trên thế giới. Mục đích là xem trong giai đoạn này họ đào tạo cái gì, cách đào tạo ra sao để từ đó có sự so sánh với thực tại giáo dục hiện nay của nước nhà. Kết luận được rút ra là có một khoảng cách khá lớn, chủ yếu là trong phương pháp dạy và học. Hầu hết các nền giáo dục tiên tiến đều chú trọng đến đào tạo kỹ năng và thái độ, trách nhiệm với chính mình, với quê hương, đất nước, vậy là đủ. Còn về kiến thức, khi ra trường các em sẽ tiếp tục được đào tạo, nâng cao dần. Bởi với tốc độ phát triển như hiện nay, có khi những kiến thức các em vừa học trong trường ra đã bị lạc hậu. Điều này ngược với giáo dục của ta hiện nay, tức là chú trọng nhồi nhét về kiến thức, có một chút kỹ năng, còn thái độ hầu như không có. Chính phương pháp dạy nặng về lý thuyết thế nên sinh viên ra trường khó có thể thích nghi ngay với cuộc sống. Thầy bảo kiến thức chưa phải là cái đáng lo với giáo dục nước ta hiện nay hơn là thái độ, là lòng trắc ẩn, là tình người. Chúng ta còn một khoảng trống về giáo dục kiến thức nhân văn. Mà một khi học sinh được đào tạo thiếu đi trình thương yêu, trách nhiệm, thái độ với bản thân, cộng đồng thì kiến thức dẫu có cũng thành vô cảm. Và tất nhiên, không thể đòi hỏi ở các em lý tưởng sống cao đẹp. Thấy được cái "bệnh"của  giáo dục nước ta, tiếp thu trong điều kiện những mô hình giáo dục tiên tiến, đó là cách thầy Cơ đã làm ở Đại học Duy Tân. Tuy thế, tiếp thu phải có chọn lọc, không để lai căng. Quan điểm của thầy là dẫu có áp dụng, tiếp thu công nghệ, khoa học ở những nền giáo dục tiên tiến đến đau đi nữa, thì cơ bản vẫn phải giữ được bản sắc của nước mình.

Hãy nghĩ đến học trò

Thầy Cơ bảo giáo dục là nền tảng, sức mạnh của mỗi quốc gia. Một nền giáo dục để trở thành tiên tiến thì cần phải có lộ trình chứ không thể đốt cháy giai đoạn. Gần đây, dư luận nói nhiều về việc phát triển quá nhiều các trường đại học, cao đẳng dẫn đến chất lượng thấp. Điều này chẳng có gì khó hiểu, bởi một cái chăn mà nhiều người đắp thì đương nhiên nó phải thiếu hụt. Đơn cử hãy cứ hình dung Đà Nẵng có chưa tới 900 ngàn dân nhưng có tới gần 20 trường đại học, cao đẳng. Trường mọc lên nhanh, nhiều thì tuyển sinh đầu vào sẽ kém chất lượng, đội ngũ giảng viên không đủ thì đành "giật gấu vá vai", và một điều chẳng cần bàn cãi là chất lượng đào tạo thấp. Mặt khác, trường mọc lên nhiều, giảng viên không đủ đành "cấu véo" từ trường khác sang. Và khi giảng viên chạy xô từ trường công sang trường tư thì sẽ kéo chất lượng của trường công xuống. Bởi trước đây họ có thể toàn tâm toàn ý dạy ở trường công thì nay họ phải nhanh chóng xong việc để còn chạy sang trường tư. Và rồi, dù công hay tư thì cùng kéo chất lượng xuống. Kết quả là học trò ra trường xoay sở mãi không kiếm được việc làm, thấy thương và tội cho các em.

Quay trở lại vấn đề đại học xuất hiện ào ạt, thầy Cơ cho rằng nếu làm nghiêm, làm chính xác thì liệu rằng những trường không đủ điều kiện thành lập có được thành lập? Có thuyết phục không nếu nói rằng đó là sơ suất? Theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước có 600 trường đại học, cao đẳng, và 2 năm qua đã có 200 trường ra đời. Sự phát triển quá "nóng" khi mà cả 3 vấn đề là người học, người dạy , hạ tầng chưa được tích lũy đủ vậy thì đương nhiên không thể đòi hỏi có chất lượng cao. Chúng ta muốn phát triển giáo dục nhanh, mạnh nhưng mà chúng ta lại vướng cả con người và tiền của thì đương nhiên sẽ xảy ra trục trặc, tiêu cực. Không thể đóng học phí rẻ mà lại đòi chất lượng đào tạo cao được. Ở nước khác việc thành lập một trường đại học, ngoài rất nhiều tính toán nũa đó là thu nhập của người dân. Thu nhập có cao thì chất lượng đào tạo mới cao, chất lượng có cao mới có người học, có người học mới mở trường.

Có thực với vực được đạo

Có một điều thầy Cơ rất trăn trở là lương giáo viên của ta hiện còn thấp, trong khi nhu cầu của thời đại thì ngày một nhiều. Thầy nói:"Không thể lúc nào cũng đòi hỏi giáo viên miệng phải hô to trong sạch khi mà bụng đói meo. Chúng ta trả lương người thầy thấp là chúng ta đã làm tầm thường người thầy. Điều đó cũng lý giải vì sao có những giáo viên dẫu biết ăn tiền của sinh viên là không "sạch" nhưng vẫn ăn. Và ăn một lần thì lần sau quen, và tiêu cực và sinh viên nó không trọng người thầy. Mà đã vậy thì làm sao đào tạo cho trò được nhân cách, được lý tưởng. Thời tôi đi học rất sợ người thầy, sợ vì nể, vì trọng. Thầy dạy mình về nhân nghĩa, đạo đức thì thầy phải làm tốt hơn mình, có vậy mình mới trọng và mới nên người. Có sinh viên đến phòng tôi nói, em học bằng giỏi mà không xin được việc, còn bạn ấy dốt òm mà vẫn có việc ngon lành. Tôi thậm chí còn nghĩ cái em dốt òm ấy còn có chỗ làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cơ. Trong trường hợp này, chưa hẳn giáo dục đã tiêu cực, mà chính những tiêu cực bên ngoài tác động vào giáo dục. Ai dám chắc rằng người học trò bằng giỏi của tôi không nghĩ rằng học giỏi cũng chẳng để làm gì? Thật là nguy hiểm"-Thầy Cơ trầm ngâm.

(Theo Báo Công An Đà Nẵng-Số 278-Ngày 20/11/2009)
 

"Thầy là người suốt đời tâm huyết với nghề giáo. Dù tuổi đã cao nhưng thầy vẫn bám trường, bám lớp, đây là điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Bản thân thầy luôn luôn đổi mới tư duy, cách tiếp cận, phương pháp giáo dục vì thế học trò của thầy khi ra trường luôn thích ứng nhanh với công việc".

Nguyễn Thanh Long-Phó Tổng giám đốc Danaford Đà Nẵng

- "Phải thừa nhận thầy rất tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, thầy luôn năng động, thể hiện tầm chiến lược khi phát triển trường theo hướng chất lượng, gắn với thực tiễn. Dưới sự lèo lái của thầy, Đại học Duy Tân đã không ngừng nâng cao uy tín, không chỉ đào tạo hệ đại học mà còn được cho phép đào tạo sau đai học. Bên cạnh đó, việc mở rộng hợp tác với hàng chục trường đại học danh tiếng trên thế giới, qua đó giúp sinh viên Duy Tân có điều kiện tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến cũng thể hiện dấu ấn đậm nét của thầy"

Lê Tấn Thanh Tùng-Trưởng phòng điều hành Vitours