English

Đại học

Hội thảo “Xây dựng kỹ năng và kiến thức cho tương lai”

“Các kỹ sư phải đối mặt với một tình thế hết sức khó khăn trong thực tế, vì vậy, trong nhiều trường hợp, các kỹ sư thường thiếu sự chuẩn bị cho ngày đầu tiên làm việc”. Giáo sư Anthony Lattanze nhận định trong cuộc hội thảo mang chủ đề “Xây dựng kỹ năng và kiến thức cho tương lai” do ông trình bày tại Đại học Duy Tân chiều 13.8.2009 trong dịp Festival Tin học Đà Nẵng 2009.

Theo ông, lý thuyết về khoa học máy tính và công nghệ phần mềm thường chỉ là lý thuyết suôn và khó có thể áp dụng cho một số vấn đề thực tế. Hơn nữa, các ứng dụng thì rộng lớn hơn nhiều so với mọi thứ mà họ đã thiết kế và xây dựng ở trường đại học.

Chính vì thế, Giáo sư đã đưa ra các phương pháp giáo dục và đào tạo của CMU. Ông cho biết “CMU đã phát triển phương pháp giáo dục duy nhất cho tất cả các cấp độ đào tạo”. Lý thuyết học trên lớp được minh họa một cách tốt nhất trong các kinh nghiệm thực hành phù hợp với những môi trường mà các sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ gặp phải trong thực tế. Theo ông, một yếu tố quan trọng trong phương pháp của CMU đó là dạy cho sinh viên biết cách phán đoán trong thiết kế. “Mà việc giảng dạy khả năng phán đoán là cực kì khó”,  Giáo sư nhấn mạnh.

Ông cho rằng “Bởi vì các công cụ và công nghệ thường có đó rồi lại mất đi, nên việc quan trọng là chúng tôi cần phải dựa trên nguyên tắc bền vững trong công việc”. Điều này tạo điều kiện cho các sinh viên tốt nghiệp có thể nhanh chóng thích nghi để thay đổi, tiếp thu với các công cụ, công nghệ mới, v.v… theo một cách qui củ hơn.

Giáo sư cũng giới thiệu các chương trình đào tạo công nghệ phần mềm ở bốn cấp độ khác nhau tại CMU bao gồm: chưa tốt nghiệp đại học, thạc sỹ chuyên nghiệp, tiến sĩ và giáo dục quản lý. Ông đã chỉ ra sự khác biệt giữa chương trình đào tạo chuyên nghiệp với chương trình đào tạo theo kiểu cũ, đồng thời cung cấp một số thông tin về cấu trúc chương trình, các khóa học, môn học có trong chương trình chuyên nghiệp.

Ông đã đưa ra một số định hướng để thiết lập kỹ năng và kiến thức về công nghệ phần mềm cho tương lai của Việt Nam. Ông cho rằng các nhà làm giáo dục phải dạy cho sinh viên biết cách đưa ra phán đoán và thỏa thuận về kỹ thuật, dạy cho họ cách suy ngẫm về các quyết định của mình, v.v… Các kỹ sư thực hành cần học cách làm việc theo nhóm, phải phát triển các kỹ năng liên cá nhân, học nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau…

Hội thảo đã phần nào giúp các nhà quản lý, nhà giáo dục, các chuyên gia và sinh viên ngành công nghệ phần mềm có được cái nhìn tổng quát về chương trình và phương pháp đào tạo tại CMU. Từ đó, có thể mở ra một hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của ngành công nghệ phần mềm Việt Nam.

(Truyền Thông)