English

Hợp tác & Hội nhập

Đại học Carnegie Mellon hợp tác đào tạo ở Việt Nam

Bắt đầu từ năm học 2008-2009, Đại học Carnegie Mellon (CMU) chính thức hợp tác với một số trường ĐH của Việt Nam để đào tạo cử nhân công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin-chương trình.

Thế mạnh của Đại học Carnegie Mellon

Từ ngày thành lập đến nay (năm 1967), theo bảng xếp hạng của U.S. News, CMU luôn là đại học số 1 Mỹ về công nghệ thông tin, với xếp hạng số 1 cho Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, và số 2 cho Kỹ nghệ máy tính ở bậc đại học.

Đại học Carnegie có một lực lượng các nhà khoa học làm việc trong Viện Công nghệ phần mềm (SEI) và Cục Phòng vệ an ninh mạng (CERT) của Bộ Quốc phòng và Chính phủ Mỹ, vốn được đặt ngay trong trường.

Có đến 7 nhà khoa học của CMU từng đạt giải thưởng ACM Turing, là giải cao nhất cho khoa học máy tính (tương đương Nobel cho các ngành khoa học khác), và có cả TS Luis Von Ahn, tác giả của hệ chứng thực người dùng nổi tiếng Captcha.

Bên cạnh đó, CMU còn nhận được sự hậu thuẫn không ngừng của các hãng tin học và viễn thông lớn trên thế giới. Intel, Apple, Google và Boeing đều có lab nghiên cứu trong trường, và trong năm 2005, Microsoft đã chi hơn 20 triệu USD để xây dựng một tòa nhà mới cho trường Khoa học Máy tính của Đại học Carnegie Mellon.

Những nhân vật tên tuổi từ Đại học Carnegie Mellon

Chất lượng đào tạo ở Carnegie Mellon đã cho ra trường nhiều người thành đạt như John Nash (Nobel Kinh tế 1994), Holy Hunter (Oscar 1991 phim Dương cầm), George Cowan (nhà hóa học trong dự án Manhattan), James Gosling (người tạo ra ngôn ngữ Java), Ralph Guggenheim (nhà sản xuất phim Toy Story và Toy Story 2), Marc Ewing (người tạo ra Red Hat), Judith Resnik (phi hành gia nữ thứ nhì trên thế giới, mất trong vụ Challenger), Henry Mancini (nhà soạn nhạc tài ba). Kai Fu Lee, chủ tịch sáng lập Google Trung Quốc và phó chủ tịch hãng Google, cũng được đào tạo tiến sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon…

Cơ hội tiếp cận và những triển vọng cho sinh viên Việt Nam

Tháng 6-2008, Đại học Carnegie Mellon đã ký kết hợp tác đào tạo với Liên hiệp Công nghệ phần mềm Việt Nam (SEGVN), gồm Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, Trường Đại học Dân lập Văn Lang TPHCM, Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông kỹ thuật số Hà Nội (DTTHanoiCTT).

Ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch SEGVN cho biết: Năm học 2008-2009, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, Trường Đại học Dân lập Văn Lang TPHCM bắt đầu tuyển sinh cho chương trình hợp tác này-Đào tạo 2 bằng cử nhân Công nghệ Phần mềm và Hệ thống Thông tin-Chương trình do các giảng viên Việt Nam (đã qua Mỹ tập huấn 6 tuần ở Đại học Carnegie Mellon) giảng dạy.

Sự hợp tác đào tạo giữa các trường và doanh nghiệp mạnh có nhu cầu tuyển dụng cũng tạo ra những lợi ích lớn cho người theo học: Học phí 1.900 USD/năm nhưng khóa đầu tiên chỉ phải đóng 700 USD/năm. Các Doanh nghiệp DTT Hà Nội, Lạc Việt TPHCM và Enclaves đều đã thỏa thuận bao tiêu đầu ra với mức lương khởi điểm 500-600 USD. Các sinh viên còn có cơ hội được Hãng Boing hỗ trợ thực tập tại Hãng và tài trợ 30 suất học bổng trị giá 1.000USD/suất .

Đăng ký nguyện vọng 2 vào chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ của trường Đại học Carnegie Mellon
Từ 25 đến 28-8-2008, chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ của trường Đại học Carnegie Mellon ở Việt Nam chính thức nhận hồ sơ tuyển sinh.Các thí sinh thi khối A, đạt từ 13 điểm trở lên, có nguyện vọng, nộp hồ sơ tại: Trường Đại học Dân lập Văn Lang: 45 Nguyễn Khắc Nhu,Q1,THHCM; hoặc Trường Đại học Dân lập Duy Tân, 187 Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng; hoặc truy cập các website:dtt.vn, vanlanguni.edu.vn và dtu.edu.vn.

Theo http://www.saigonnews.vn ngày 13/08/2008