Gần 15 năm kể từ ngày thành lập (11/11/1994), con số tưởng chừng khô khan ấy lại là con số của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, và là sự khẳng định uy tín và trưởng thành, ý chí và khát vọng vươn tới tầm cao “trong nỗ lực xây dựng một ĐH Duy Tân có uy tín và chất lượng trong Làng đại học Việt Nam”. Điều đáng mừng là với những kiến thức hiện đại và những kinh nghiệm thực tế, qua 10 khóa tốt nghiệp, hầu hết những SV tốt nghiệp ĐH Duy Tân đều đã có việc làm ổn định ở khắp các địa phương trên cả nước... Trong đó có nhiều SV ngành CNTT. Phóng viên Thế giới @ đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Gia Như, Trưởng Khoa CNTT-Đại học Duy Tân (Đà Nẵng):
*Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhân lực về lĩnh vực CNTT, yếu tố đáng quan tâm trong đào tạo của Khoa CNTT là gì để đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng đối với sinh viên (SV) khi ra trường?
ThS. Nguyễn Gia Như: Quan tâm của chúng tôi chính là cập nhật chương trình đào tạo. Bởi, CNTT-truyền thông là lĩnh vực có tốc độ phát triển chóng mặt, nếu không cập nhật chương trình đào tạo thì sản phẩm đào tạo của nhà trường không thể đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà tuyển dụng. Nhận thức được vấn đề này, chúng tôi thường xuyên có những cập nhật cần thiết về chương trình và nội dung đào tạo, đặc biệt là các chuyên đề tự chọn. Chúng tôi thiết kế có từ 4-5 chuyên đề, các chuyên đề có thể sẽ thay đổi hàng năm tuỳ theo sự phát triển công nghệ của các chuyên ngành tương ứng, việc lựa chọn chuyên đề thích hợp còn có sự tham khảo của một số doanh nghiệp ngành CNTT uy tín và lực lượng giảng viên.
Một điểm chung của phần lớn sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp từ các trường Đại học trong nước là quá thiếu các kỹ năng khác ngoài kỹ năng chuyên môn, nhất là kỹ năng mềm (SoftSkills), cần phải sớm khắc phục. Trong thời gian, Khoa CNTT của chúng tôi đã hợp tác đào tạo với Công ty TNHH Tài nguyên Công nghệ Việt Nam Enclave (vốn 100% của Mỹ), qua đó, Enclave đã cử người đến trình bày cho SV của Khoa những kỹ năng mềm như: Học tiếng Anh kỹ thuật như thế nào, Kỹ năng trình bày, Kỹ năng xin việc, Kỹ năng quản lý thời gian, Kỹ năng làm việc nhóm... Bên cạnh các kỹ năng mềm, các chuyên gia của công ty còn tham gia giảng dạy một số nội dung chuyên môn thiết thực khác như Quản trị dự án, Kiểm thử phần mềm...Đồng thời, trong chương trình đào tạo mới cập nhật, chúng tôi đã đưa vào chương trình đào tạo một số học phần với những kỹ năng cần thiết như “Kỹ năng giao tiếp”, “Kỹ năng phát triển cá nhân và xin việc”. Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ cũng là một kỹ năng rất quan trọng đối với nhân lực CNTT, nhiều nhà tuyển dụng đến từ ngoài nước nhận xét sinh viên Việt Nam khả năng chuyên môn tốt nhưng trình độ ngoại ngữ kém cũng là điều đáng suy nghĩ. Điều đó làm cho SV có hứng thú hơn trong việc tiếp cận các bài giảng của giảng viên và tạo được sự tự tin sau khi ra trường.
*ThS. có ý kiến gì về việc đào tạo theo nhu cầu và theo đặt hàng của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNTT?
ThS. Nguyễn Gia Như: Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy rằng lâu nay phần lớn các cơ sở đào tạo nhân lực CNTT đã và đang đào tạo theo khả năng của mình chứ chưa thật sự đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Việc đào tạo theo khả năng của cơ sở đào tạo có nguy cơ tạo ra hàng loạt sản phẩm nhân lực không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và gây lãng phí lớn cho bản thân người lao động cũng như xã hội. Do đó, chuyển dần từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu (đào tạo nhân lực CNTT mà xã hội cần) là cách thức sống còn đối với các cơ sở đào tạo. Hiện nay, rất nhiều Đại học đào tạo CNTT hệ KS và CN còn chung chung, chưa đi vào các hướng chuyên môn hẹp là một thiếu sót lớn. Hơn thế nửa, nếu giữa nhà trường và doanh nghiệp”bắt tay” nhau thông qua các hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo đầu ra tốt cho nguồn nhân lực. Tại Khoa CNTT-Đại học Duy Tân, chúng tôi đã ký kết hợp đồng đào tạo về cung ứng nguồn nhân lực về CNTT cho một số công ty lớn như Enclave IT. Bên cạnh đó, với mong muốn được tiếp cận và sử dụng chương trình, nội dung đào tạo của các Đại học uy tín nước ngoài, ĐH Duy Tân đã có một số chương trình hợp tác đào tạo quốc tế. Điển hình nhất là chương trình hợp tác đào tạo với Đại học Carnegie Mellon University (CMU-Đại học đào tạo ngành Khoa học máy tính số 1 nước Mỹ). CMU sẽ chuyển giao chương trình và nội dung đào tạo 2 chuyên ngành Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin thực nghiệm. Thông qua chương trình, chúng tôi sẽ được phía CMU đào tạo, bồi dưỡng khoảng 30 giảng viên đạt chuẩn CMU, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, gia công phần mềm của các doanh nghiệp phần mềm trong nước, đồng thời tạo ra lớp kỹ sư công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin trình độ quốc tế. Sau 4 năm học, học viên sẽ được cấp bằng cử nhân Công nghệ phần mềm hoặc Hệ thống thông tin thực nghiệm.
Chúng tôi cam kết tất cả các sinh viên theo học chương trình này đều được bao tiêu và đảm bảo mức lương tối thiểu là 700 USD/tháng sau khi tốt nghiệp. Mọi nỗ lực của Đại học Duy Tân nói chung và Khoa CNTT nói riêng là đều dành cho người học.
*Xin cảm ơn ThS.
Trần Hân
Khoa CNTT-Đại học Duy Tân được thành lập tháng 11 năm 1995, qua 15 năm thành lập và phát triển, Khoa CNTT đã có một số thành tích nhất định trong công tác đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu nhân lực cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
-Hiện nay, Khoa CNTT-Đại học Duy Tân có tất cả 34 cán bộ giảng viên, trong đó có 2 Tiến sĩ, 14 Thạc sĩ, 1 NCS và 8 giảng viên đang học Thạc sĩ.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thực hành CNTT, nhà trường đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng được 10 phòng thực hành máy tính với trên 700 máy tính; ngoài ra còn có các phòng thực hành, thí nghiệm chuyên ngành Kỹ thuật mạng, Công nghệ phần mềm, Điện tử- Viễn thông và Hệ thống Nhúng.
-Khoa CNTT thực hiện chức năng đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực CNTT bậc Cao đẳng với 2 chuyên ngành Kỹ thuật mạng và Công nghệ phần mềm; bậc Đại học theo 5 chuyên ngành: Kỹ thuật mạng máy tính, Công nghệ phần mềm, Tin học viễn thông, Hệ thống nhúng và Hệ thống thông tin.
Khi xây dựng các chương trình đào tạo, Khoa CNTT cũng đã hướng đến mục tiêu đảm bảo tính liên thông giữa các bậc đào tạo. Chương trình được thiết kế cho phép sinh viên có thể học liên thông từ 1,5 đến 2 năm để lấy được bằng cấp ở bậc đào tạo cao hơn.
-Khoa CNTT đã được Tập đoàn Microsoft chọn là một trong những IT Academy của Microsoft đầu tiên tại miền Trung Việt Nam.
Từ tháng 08/2009, Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT)-Đại học Duy Tân được Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính. Đây là Khoa CNTT đầu tiên trong các Đại học ngoài công lập được phép đào tạo Thạc sĩ Khoa học máy tính. Hiện Khoa CNTT đang triển khai áp dụng chuẩn ABET vào công tác đào tạo. Phấn đến năm 2014, Khoa sẽ đạt chuẩn ABET với 2 ngành Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin