Tham gia vào Learning Express 2023 đã chính thức được diễn ra từ ngày 11 - 22/9/2023 và gần 70 giảng viên cùng sinh viên 2 trường là Đại học Duy Tân và trường Singapore Poytechnic đã có những trải nghiệm vô cùng quý giá ở các làng nghề gồm: Làng lụa, Làng chiếu và Làng nước mắm. Từ đây, các bạn sinh viên đã đưa ra nhiều ý tưởng mới mẻ cùng các giải pháp thiết thực giúp người dân cải thiện sản xuất, bảo vệ sức khỏe cũng như môi trường sống.
TS. Adrian Elangovan - Trưởng đoàn trường Singapore Poytechnic
chia sẻ tại Lễ Khai mạc chương trình Learning Express 2023
Learning Express là một trong những chương trình cộng đồng thiết thực do trường Singapore Polytechnic khởi xướng từ năm 2011. Nhận thấy chương trình mang đến nhiều cơ hội để sinh viên chia sẻ công nghệ, trải nghiệm thực tế, nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường giao lưu văn hóa và kết nối bạn bè trong khu vực ASEAN, nhiều cơ sở đào tạo uy tín trong khu vực đã hưởng ứng, trong đó có sự tham gia tích cực của ĐH Duy Tân, Việt Nam.
Learning Express 2023 được tổ chức với sự hào hứng từ đông đảo các bạn sinh viên 2 trường Đại học Duy Tân và Singapore Poytechnic. Ngay trong buổi khai mạc chương trình năm 2023, TS. Adrian Elangovan - Trưởng đoàn trường Singapore Poytechnic chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi đến Đại học Duy Tân để cùng với giảng viên và sinh viên Duy Tân tham gia các hoạt động trải nghiệm đa dạng và thú vị tại chương trình Learning Express 2023. Có thể nói, Learning Express được tổ chức nhiều năm qua đã giúp cho các sinh viên của trường Singapore Poytechnic có cơ hội trải nghiệm, nâng cao hiểu biết về văn hóa, kiến thức, phát triển các kỹ năng cần thiết và kết nối với nhiều bạn bè ở nhiều nước trong khu vực ASEAN. Đến với các làng nghề truyền thống của Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu, học hỏi đồng thời cùng nhau thảo luận để đưa ra những giải pháp tích cực giúp người dân tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại.”
Sinh viên Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic
đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất cho các Làng nghề
Dựa trên việc sử dụng Design Thinking - phương pháp lập dự án cộng đồng và ứng dụng vào thực tiễn, các bạn sinh viên 2 trường đã đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại khi trực tiếp đến các làng nghề: Làng lụa, Làng chiếu và Làng nước mắm tại huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam.
- Đến với làng Chiếu (xã Duy Vinh), sinh viên 2 trường Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic đã thực sự ấn tượng bởi những thiết kế đẹp mắt và những tấm chiếu được dệt tay thủ công hết sức tỉ mỉ và công phu. Tuy nhiên, sau quá trình quan sát và tìm hiểu, các bạn trẻ đã nhận thấy rằng, một trong những thách thức của người dân trong việc sản xuất chiếu là việc phơi khô cói sau khi thu hoạch. Để cói được sấy khô hoàn toàn, không ẩm mốc cần điều kiện tối ưu về ánh nắng. Do đó, các sinh viên đã lấy cảm hứng từ tủ rượu nhiều ngăn để thiết kế một chiếc máy sấy cói và sử dụng Silica gel có thể tái sử dụng để làm một vật liệu hút ẩm từ đó loại bỏ độ ẩm khỏi cói một cách hiệu quả, đảm bảo luôn khô ráo trong suốt quá trình sấy khô.
Đoàn giảng viên và sinh viên của Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic
chụp hình lưu niệm tại chương trình Learning Express 2023
- Đối với làng nước mắm (xã Duy Hải), trong thời gian sống cùng với người dân và hiểu được nếp sinh hoạt cũng như những thói quen trong sản xuất, các sinh viên của Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic nhận thấy rằng, việc nâng lên hạ xuống hay di chuyển những chiếc chum sành để ủ mắm là khá nặng nề và có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nếu làm thường xuyên trong thời gian dài. Với mong muốn giúp người dân thuận tiện và đỡ mất sức hơn trong việc di chuyển các chum sành, nhóm sinh viên của Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic đã đưa ra ý tưởng làm 1 chiếc xe nâng nhỏ gọn, linh hoạt sử dụng trong không gian của các hộ gia đình làm mắm. Bên cạnh đó, 1 website đã được thiết kế vô cùng hiện đại và bắt mắt để giúp người dân tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng ở khắp mọi nơi, giúp khách mua hàng online cũng như tìm hiểu về lịch sử làng nghề, quá trình làm nước mắm, hướng dẫn chế biến các món ngon từ nước mắm,...
- Ở làng Lụa (thị trấn Nam Phước), các sinh viên của Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic thích thú khi ngắm những tấm lụa rực rỡ sắc màu với những hoa văn vô cùng tinh tế. Tuy nhiên, các bạn trẻ đã nhận thấy rằng, người lui tới thường xuyên ở làng nghề chủ yếu là các designer trong khi đó nhiều tiềm năng khác của làng lụa vẫn chưa được chú trọng để khai thác. Do đó, các bạn sinh viên đã cùng nhau xây dựng một mô hình triển lãm có thể trưng bày tại các thành phố lớn với mong muốn quảng bá rộng rãi nét đẹp của làng lụa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làng nghề đến du khách và những nhà đầu tư lớn. Với mô hình này, các sinh viên của 2 trường đã thiết kế 4 khu vực riêng biệt với những chức năng đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch và các designer đến tìm hiểu, làm việc, tham quan và mua sắm tại làng nghề.
Sinh viên Nguyễn Đức Thịnh - Ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành chia sẻ: “Cho dù thời gian được sống và trải nghiệm thực tế cùng cùng người dân làng nghề truyền thống chỉ gói gọn trong vài ngày nhưng thực sự rất ý nghĩa đối với chúng em. Bên cạnh cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người, nghề nghiệp của người dân các làng nghề, em và các thành viên tham gia chương trình Learning Express 2023 còn có thể vận dụng những kiến thức đã được tập huấn về Design Thinking để cùng thấu hiểu và đưa ra những ý tưởng hỗ trợ cho công việc sản xuất và cuộc sống của người dân làng nghề thêm phần thuận lợi, bớt chút khó khăn. Bỏ qua những khác biệt về nền văn hóa và quan điểm, sinh viên của Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic đã cùng nhau học hỏi, chia sẻ và trao đổi tích cực với mục đích chung cuối cùng là mang lại những giải pháp tốt nhất để giúp ích cho người dân làng nghề.”
(Truyền Thông)