English

Thể Thao - Văn hóa

Bí ẩn Gốc tích Chiếc cổng Gia Định giữa lòng Sài Gòn

Giữa phố xá sôi động của Sài Gòn, kiến trúc cổng cổ kính, nhỏ nhắn khoác trên mình màu vàng, nằm nép bên góc giao lộ Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng, trở thành đoạn tường rào của Trường THCS Trương Công Định (Q.Bình Thạnh)…
 
Bí ẩn gốc tích chiếc cổng Gia Định giữa lòng Sài Gòn
GS Hoàng Đạo Kính bên kiến trúc cổng cổ Gia Định
 
Trong một chuyến thực địa gần đây tại Sài Gòn - TP.HCM, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - chuyên gia về kiến trúc cổ - nói ông cảm thấy vô cùng xúc động khi ngắm nhìn kiến trúc và dòng chữ Gia Định đắp nổi phía bên trên...

Dù nhỏ và không quá đẹp, nhưng kiến trúc như thế này được giữ lại trở thành khoảng lặng cho sự liên tưởng giữa hiện tại và quá khứ, là điều vô cùng cần thiết để người dân TP.HCM hoài niệm về thành phố của mình.

----TS.KTS LÊ VĨNH AN----
 
Đi tìm gốc tích
 
Cô Lê Thị Hồng Thủy - phó hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Định, đơn vị đang "sở hữu" kiến trúc này - cho biết: "Trong quá trình tồn tại của nhà trường từ trước năm 1975 đến nay, mọi người đã cố gắng bảo vệ, giữ lại dấu tích cổ quý cho thành phố!".
 
Gần như chưa có tài liệu "chính thống" xác định rõ gốc tích kiến trúc này. Khi ghé Nhà truyền thống quận Bình Thạnh gần đó, chúng tôi thật bất ngờ, trên bức tranh tường rất lớn thể hiện rõ kiến trúc cổng có tên Gia Định nói trên gắn liền với một ngôi nhà cổ lợp ngói kiểu xưa, trong không gian "Toàn cảnh trung tâm tỉnh Gia Định thời Pháp thuộc". 
 
Hỏi tác giả bức tranh, người trông nhà chỉ sang Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM phía đối diện...
 
"Chúng tôi tổ chức vẽ bức tranh đó, cơ bản vẽ những công trình đúng như ngày xưa nó có!" - họa sĩ Trung Tín, chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật TP.HCM, nói ngay. Vị họa sĩ cho biết khi tổ chức vẽ, ông dựa trên các bản đồ cổ thời Pháp, những bức hình chụp vào thập niên 1930 và hình ảnh đường xe điện chạy qua khu vực Lăng Ông - Bà Chiểu ngày xưa.
 
Có rất nhiều ý kiến khác cho rằng nó là cổng thành Gia Định ngày xưa. Nhiều người đặt vấn đề rằng quy mô kiến trúc hiện nay quá nhỏ bé so với một cổng thành thường thấy. Với lại hai chữ Gia Định bằng quốc ngữ liệu có hợp lý vào thời ấy? 
 
Lại nữa, thành Gia Định nằm cách đó khá xa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Gia Định thành xưa tọa lạc trên các tuyến đường: Tôn Đức Thắng, Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn.
 
Cũng có thêm ý kiến cho rằng kiến trúc này mang dòng chữ quốc ngữ vốn của Trường vẽ Gia Định. Theo TS Nguyễn Thị Hậu - phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, Trường vẽ Gia Định được xây đầu thế kỷ 20 theo kiến trúc mới, mà cổng lại theo lối xưa, khác hẳn "cổng trường" như những trường học cùng thời. 
 
TS Hậu đồng thời cho biết thành Gia Định xưa không chỉ riêng thành nội, mà còn có những lũy thành bảo vệ bên ngoài. Kiến trúc cổng này nhiều khả năng là cổng của các lũy thành "vòng ngoài" đó. 
 
"Nếu đặt cổng trong những bản đồ người Pháp vẽ vào khoảng cuối thế kỷ 19 thì thấy cổng nằm ở khoảng tường thành hoặc lũy bao bọc bên ngoài thành Gia Định. Có thể sau này được sử dụng làm cổng của Trường vẽ Gia Định chăng?" - TS Nguyễn Thị Hậu đặt giả thiết.
 
Bí ẩn gốc tích chiếc cổng Gia Định giữa lòng Sài Gòn
Chiếc cổng trong bức tranh Toàn cảnh trung tâm tỉnh Gia Định thời Pháp thuộc - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại
 
Kiến trúc hoài niệm
 
Các nhà chuyên môn không đánh giá cao về giá trị nghệ thuật kiến trúc khá nhỏ nhắn này, nhưng đặc biệt lưu tâm về "yếu tố nơi chốn" của di sản mà nó in đậm dấu ấn. Cũng phải, bởi địa điểm này nằm trong khu vực tập trung khá nhiều kiến trúc cổ vốn tạo nên bộ mặt phố phường Sài Gòn - Gia Định một thời. 
 
Bên kia đường là tòa Bố Gia Định - một cơ quan hành chính của tỉnh Gia Định xưa có kiến trúc công sở kiểu Pháp, nay là trụ sở UBND quận Bình Thạnh; phía đối diện là lăng tả quân Lê Văn Duyệt mang dáng dấp kiến trúc truyền thống. Xa hơn là những dãy nhà có cổng vòm cổ đang là một cơ quan thuộc Công an TP.HCM, và cạnh đó là mấy dãy lầu của Trường Nguyễn Đình Chiểu theo lối kiến trúc thuộc địa...
 
TS.KTS Lê Vĩnh An, viện trưởng Viện kỹ thuật công nghệ Việt Nhật (VJIET) - ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cho rằng cổng có sự pha trộn Tây - ta "một cách khá ngượng ngùng". Song, người thiết kế cũng cố gắng đưa vào các yếu tố "đấu" (trong đấu - củng, hai yếu tố của kiến trúc truyền thống) thể hiện bằng những khối vuông quanh mái để trang trí cho công trình. 
 
Đáng chú ý hơn cả là chữ Gia Định đắp nổi theo lối Roman nằm giữa khung nền của hoa văn "dâu tây" đặc trưng hồi đầu thế kỷ trước.
 
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đánh giá kiến trúc cổng "như chiếc đinh con đóng vào đô thị". 
 
Ông nói: "Một thành phố như thế này cần có sự ghi nhớ, ghi nhận, nhắc nhở, và kiến trúc cổng trở thành một phần bộ nhớ của đô thị. Việc tồn tại của nó như là sự nhặt nhạnh dĩ vãng để bổ sung, để gắn kết giữa quá khứ, hiện tại, để phát triển có định hướng, bền vững hơn trong tương lai".
 
(Nguồn:https://tuoitre.vn/bi-an-goc-tich-chiec-cong-gia-dinh-giua-long-sai-gon-20190514082607539.htm)