English

Thể Thao - Văn hóa

Hội thảo trên Quê hương Đà Nẵng đúng ngày mất của Lưu Quang Vũ

Kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà viết kịch, nhà thơ, nhà văn Lưu Quang Vũ, ngày 29.8, tại Đà Nẵng, Viện Văn học phối hợp với Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Cuộc đời và sự nghiệp văn học Lưu Quang Vũ'.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp -Viện trưởng Viện Văn học chủ trì hội thảo
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp -Viện trưởng Viện Văn học chủ trì hội thảo

Hội thảo đã nhận hơn 70 tham luận tập trung đánh giá về sáng tác văn học qua các giai đoạn, sự lựa chọn các loại hình sáng tác mang tính sáng tạo và đối thoại về Lưu Quang Vũ. Nhiều vấn đề được đặt ra không chỉ nhìn lại mà còn có những đánh giá mới về tầm vóc, tư tưởng, đóng góp to lớn, làm sáng tỏ thêm sự nhạy bén, vượt tầm thời đại của nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - một trong những tác giả hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại.

Đem đến những ngọn lửa yêu thương

Là người trình bày tham luận mở đầu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc VOV khẳng định rằng sân khấu Việt Nam hiện đại, sôi động hẳn lên, có da có thịt có hình khối một phần nhờ vào tài năng và nghệ thuật phi thường của Lưu Quang Vũ. Sức hấp dẫn và khả năng thu hút của kịch của Lưu Quang Vũ trước hết nằm ở tính dấn thân, tính điềm báo, tính đối thoại và khát vọng đổi mới. Đó là những tác phẩm đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương đại. Điều đáng nói Lưu Quang Vũ đã đem đến ngọn lửa của tình yêu thương, khát vọng buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải trăn trở hành động và dám vượt lên những khó khăn thử thách để đổi mới.

Hội thảo trên Quê hương Đà Nẵng đúng ngày mất của Lưu Quang Vũ
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc VOV trình bày tham luận mở đầu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Thế Kỷ cũng bày tỏ: “Với hơn 20 năm cầm bút, bằng sức sáng tạo mãnh liệt và bền bỉ, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, đa dạng, nhiều giá trị. Trong số những tác phẩm ấy, chắc chắn đã và sẽ vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian, trở thành tài sản tinh thần quý giá cho nhiều thế hệ mai sau. Là một người viết kịch, làm thơ, làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, cá nhân tôi đã và đang học được rất nhiều điều từ Lưu Quang Vũ và thực lòng rất kính trọng và biết ơn Anh. Anh ấy, chị Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ sẽ sống cùng chúng ta”.

Để tổ chức được một hội thảo đậm tính khoa học trên đất Đà Nẵng - quê hương của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Viện Văn học phối hợp với Đại học Duy Tân cùng với gia đình tác giả đã có nhiều tháng tập trung chuẩn bị. Không chỉ thu hút được nhiều tham luận từ khắp nơi gửi về, cuộc Hội thảo diễn ra sáng nay tại Đại học Duy Tân cũng có đông đảo sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ cả ba miền đất nước.

Là người dẫn đầu đoàn gần 10 cán bộ Viện Văn học từ Hà Nội vào tham gia hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp -Viện trưởng Viện Văn học, Chủ trì Hội thảo đánh giá: "Lưu Quang Vũ đã từ biệt cõi thế trần ba mươi năm. Sự ra đi bất ngờ của ông và nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, sau chừng ấy thời gian dường như vẫn còn gây chấn động, tiếc nuối, thậm chí chưa dứt hẳn những băn khoăn… Kỷ niệm 30 ngày mất của Lưu Quang Vũ, đây là sự kiện trọng đại của năm 2018, đặc biệt là tại quê hương Đà Nẵng của ông".

Tác giả Lưu Quang Vũ qua con mắt nhìn của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp có 4 cái nhất: Cái nhất đầu tiên, đó là thế kỷ 20 chưa ai viết với một tốc độ nhanh như thế, khối lượng đồ sộ và để lại nhiều tác phẩm trong lĩnh vực kịch xuất sắc như Lưu Quang Vũ; Thứ 2, ông là một người đổi mới văn học sớm nhất ngay từ những năm 70, có thể nói thời của chúng ta là thời của đối thoại, chỉ khi chúng ta đối thoại mới có cơ hội để phát triển, Lưu Quang Vũ vì thế đồng nghĩa với phát triển; Thứ 3, ông là nghệ sĩ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trẻ tuổi nhất; Thứ 4, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh là một cặp đôi tài danh, cặp đôi hiếm hoi cùng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Kịch đạt tới số phận văn hóa

Hội thảo trên Quê hương Đà Nẵng đúng ngày mất của Lưu Quang Vũ
Đại diện gia đình tác giả Lưu Quang Vũ, PGS.TS Lưu Khánh Thơ, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay/ Báo điện tử Dân Việt cùng tới dự Hội thảo.

TS. Đào Lê Na – Trường ĐH Khoa học và Xã hội nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, từ hai tác phẩm kịch “Hồn Trương ba da hàng thịt” và “Hoa Cúc xanh trên đầm lầy” của Lưu Quang Vũ, mỗi tác phẩm giúp độc giả khám phá ra những lớp nghĩa đầy thú vị. “Từ góc nhìn diễn ngôn khuyết tật, với sự sâu sắc về tư tưởng và triết lý, kịch Lưu Quang Vũ có thể được soi rọi từ nhiều lý thuyết…”, TS. Đào Lê Na nói.

Cũng bàn về tác phẩm “Hồn Trương Ba da hàng thịt,” PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái lại nhìn nhận tác phẩm là vẻ đẹp trong sự tổng hòa giữa hồn văn học và xác của vở diễn. “Đây là vở diễn đạt tới số phận văn hóa, ngôn ngữ quốc tế, là một đỉnh cao của sân khấu kịch”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay/ Báo điện tử Dân Việt, em trai nhà viết kịch, nhà thơ, nhà văn thơ Lưu Quang Vũ chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt xúc động khi được dự hội thảo hôm nay vì đây là hoạt động diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, quê hương của Lưu Quang Vũ, quê hương của chúng tôi. Đà Nẵng nơi có con đường mang tên Lưu Quang Thuận, người cha của chúng tôi, con đường mang tên Lưu Quang Vũ – người anh cả của chúng tôi. Anh Vũ rất yêu Đà Nẵng, ngay từ trong dòng nhật ký viết năm 15-17 tuổi, anh viết rất nhiều về Đà Nẵng, mặc dù khi đó đất nước chưa thống nhất, anh chưa bao giờ đặt chân đến Đà Nẵng. Nhưng trong những vở kịch, truyện ngắn của anh nhắc đến Đà Nẵng rất nhiều.

Năm 1985, anh về Đà Nẵng và dựng một vở kịch bản sân khấu “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, đó là một trong 6 vở diễn được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985. Chị Xuân Quỳnh cũng rất yêu Đà Nẵng, chị đã viết hẳn một bài thơ là "Thành phố quê anh":

Anh thường kể em nghe

Về một thành phố gió

Một thành phố miền Trung

Cát bay đầy cửa sổ

Thành phố xa đó ơi

Nơi anh chưa hề ở

Nơi anh không hề sinh

Mà sao anh vẫn nhớ…

“Chúng tôi nghĩ, nếu anh Vũ - chị Quỳnh còn sống, anh chị sẽ rất vui vì ngay trên thành phố quê hương của mình, mọi người bàn luận về thơ, kịch của anh…Hiện nay gia đình đang xây dựng bảo tàng số để lưu giữ, giới thiệu công bố những tác phẩm của anh Vũ- chị Quỳnh…”, nhà báo Lưu Quang Định xúc động chia sẻ.

(https://baomoi.com/hoi-thao-tren-que-huong-da-nang-dung-ngay-mat-cua-luu-quang-vu/c/27502047.epi)