English

Thể Thao - Văn hóa

Hội thảo Khoa học “Cuộc đời và Sự nghiệp Văn học Lưu Quang Vũ”

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch tài hoa Lưu Quang Vũ, Viện Văn học đã phối hợp với Đại học Duy Tân tổ chức Hội thảo Khoa họcCuộc đời và sự nghiệp văn học Lưu Quang Vũ” vào sáng ngày 29/8/2018. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu trong nước cùng thảo luận và tổng kết sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ, nhằm đánh giá một cách đầy đủ hơn những cống hiến nghệ thuật to lớn của ông đối với văn học nghệ thuật nước nhà.
 
Hội thảo Khoa học “Cuộc đời và Sự nghiệp Văn học Lưu Quang Vũ” 
Toàn thể đại biểu và khách mời tham dự Hội thảo dành một phút tưởng niệm
nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ 

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; ông Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng Khoa Văn học, Học Viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; Anh hùng Lao động. Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân; lãnh đạo Hội Nhà văn, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nữ trí thức Tp. Đà Nẵng; đại diện gia đình nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà văn Lưu Quang Vũ cùng đông đảo những người yêu mến Lưu Quang Vũ.

Lưu Quang Vũ (17/4/1948 - 29/8/1988) là tài năng nghệ thuật lớn của văn học và sân khấu Việt Nam hiện đại. Với gần 50 vở kịch giàu tính thời sự và có ý nghĩa xã hội sâu sắc, ông đã đóng góp cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam những năm 80 nói riêng và văn học Việt Nam nói chung những giá trị nghệ thuật lớn. Không chỉ hiện diện với tư cách là nhà viết kịch hàng đầu, Lưu Quang Vũ còn là một nhà thơ, nhà văn tài hoa với nhiều sáng tác thơ và truyện ngắn đặc sắc, có tầm vóc tư tưởng lớn. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.
 
Hội thảo Khoa học “Cuộc đời và Sự nghiệp Văn học Lưu Quang Vũ” 
Ông Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thế Kỷ xúc động: “Đúng ngày này cách đây 30 năm về trước, cả giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật cả nước vô cùng bàng hoàng khi nghe tin vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ ra đi đột ngột trong một tai nạn khủng khiếp. Sự ra đi của họ đã để lại một khoảng trống lớn cho văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu và thơ - nơi mà cả hai đang ở vào độ chín, sự thành công đang chói sáng. Riêng Lưu Quang Vũ, bằng tài năng và sức làm việc phi thường, vô tiền khoáng hậu, anh đã sáng tạo, đã cùng các đạo diễn đưa các kịch bản xuất sắc của mình tung hoành ở nhiều loại hình sân khấu, nhiều nhà hát và hội diễn khắp cả nước, tạo nên một thời kỳ thăng hoa cho sân khấu Việt Nam.”

Gần 70 tham luận của các nhà nghiên cứu từ khắp nơi đã được gửi về và Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn ra 55 tham luận đặc sắc nhất để xuất bản Kỷ yếu Hội thảo. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã nêu bật cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ đối với nền văn học nước nhà. Có thể kể đến tham luận “Lưu Quang Vũ ‘gã làm thơ da vàng’” của Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Viện Văn học khi ông chia sẻ một Lưu Quang Vũ rất đời với những góc khuất tâm hồn sâu lắng mà con người thường giữ lại trong tâm hồn chứ ít ai bộc lộ. Đó là những vần thơ đầy ám ảnh, khiến người đời giật mình và suy ngẫm: “Tôi chán cả bạn bè/Mấy năm nay họ không nói một câu gì mới/Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại”. Bài thơ là một khoảnh khắc khủng hoảng nhất cũng là bài thơ thực lòng nhất thể hiện khát khao muốn thoát khỏi những cứng nhắc, lối mòn để tìm một ánh sáng mới cho tâm hồn trẻ tuổi. 

Ở một khía cạnh khác, ThS. Hoàng Thị Hường cùng ThS. Đặng Phúc Hậu - Đại học Duy Tân đã chỉ ra được những “Cảm thức cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ” (qua tập Cuốn sách xếp lầm trang). Hơn 20 bài thơ viết trong khoảng 2 năm từ năm 1971 đến 1972 cho thấy cảm thức cô đơn vừa như là một bản năng nghệ sĩ, vừa như là lựa chọn của một cá tính có ý thức rất rõ về sự “lệch nhịp” giữa cuộc đời.

Đối với mảng kịch sân khấu, bên cạnh rất nhiều những vở kịch như: Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita,… được đánh giá rất cao, vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Trong đó, ThS. Bùi Văn Quảng - Trường THPT số 2 Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã phân tích một cách cụ thể từng phân cảnh của vở kịch để tìm ra vẻ đẹp trong triết lý nhân sinh, giúp học sinh hiểu thông điệp về sự sống đích thực với vẻ đẹp Chân, Thiện, Mỹ mà Lưu Quang Vũ muốn truyền tải qua tác phẩm. Việc xây dựng một số nhân vật phản diện luôn bất chấp đạo lý để trục lợi như Nam Tào, Bắc Đẩu, tác giả cũng mong muốn giới trẻ hiểu một cách sâu sắc về sự lương thiện, về cách sống trách nhiệm, luôn vì con người mà tác giả luôn trân quý.

Kết thúc Hội thảo, đại diện gia đình nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ đã gửi đến Đại học Duy Tân và một số đại biểu phần quà lưu niệm. Ông Lưu Kim Khánh (em họ Lưu Quang Vũ) cho biết: Mặc dù biết là rất khó để dịch một tác phẩm như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sang tiếng Anh mà vẫn có thể truyền tải được 90% tinh thần của Lưu Quang Vũ nhưng gia đình vẫn rất hy vọng thông qua Hội thảo này sẽ có thêm nhiều tác phẩm của Lưu Quang Vũ, nhất là các tác phẩm kịch được dịch sang nhiều thứ tiếng. Bởi theo ông Lưu Kim Khánh, rất nhiều trường đại học trên thế giới, đặc biệt là các đại học ở Mỹ rất chú trọng đào tạo sân khấu và những vở kịch luôn mang tính thời sự, thấm nhuần triết lý nhân sinh của Lưu Quang Vũ được dựng lại với nhiều ngôn ngữ sẽ thực sự hữu ích cho khán giả toàn thế giới.

(Truyền Thông)