English

Đại học

Hội thảo Toàn quốc Giảng dạy, Sách và Học liệu Toán các ngành Kinh tế

Được biết đến như một môn khoa học cơ bản để trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng tư duy, là công cụ để phân tích và nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội thúc đẩy Đất nước phát triển, tuy nhiên, tầm quan trọng của môn Toán dường như đang dần bị giảm sút khi rất nhiều các trường đại học, đặc biệt là khối ngành kinh tế lược bỏ môn Toán hoặc giảm tối đa số tín chỉ trong chương trình đào tạo. Để khẳng định vai trò đặc biệt của môn Toán đồng thời tìm hướng đi mới trong việc đổi mới nội dung, chương trình, tài liệu và phương pháp giảng dạy Toán, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán phối hợp với Đại học Duy Tân tổ chức Hội thảo Toàn quốc “Giảng dạy, Sách và Học liệu Toán cho các ngành đào tạo kinh tế, tài chính và ngân hàng” tại Đại học Duy Tân. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020.
 
 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội thảo
 
Phát biểu tại Hội thảo, GS. TSKH. Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: “Hiện nay, việc cắt giảm thời lượng giảng dạy các học phần Toán trong chương trình đào tạo một số ngành như y tế, xã hội, quản lý... thậm chí cả khối ngành kỹ thuật, công nghệ gây nên mối lo ngại cho các nhà sử dụng lao động về năng lực, kiến thức nền tảng của sinh viên cũng như khả năng thích nghi với môi trường lao động thay đổi nhanh chóng. Xã hội càng phát triển thì tư duy logic của con người càng cao. Vì vậy việc giảng dạy môn Toán ở nhà trường cần phải được tăng cường với nội dung và thời lượng phù hợp cho từng ngành. Tôi tin rằng Hội thảo được tổ chức tại Đại học Duy Tân sẽ là diễn đàn để các nhà toán học, các giảng viên toán và những người quan tâm thảo luận về thực trạng giáo trình, tài liệu và các học liệu về Toán trong đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực quản lý tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội giao lưu giữa cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động nhằm nắm bắt yêu cầu đầu ra của sinh viên tốt nghiệp để định hướng đào tạo phù hợp.”
 
Các tham luận báo cáo tại Hội thảo được đánh giá cao về chất lượng cũng như những giải pháp và kiến nghị đưa ra thực sự thiết thực để nâng cao giảng dạy Toán trong các trường khối ngành kinh tế. GS.TS. Nguyễn Hữu Dư - Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đã nêu bức tranh tổng thể về tình hình giảng dạy, sách, tài liệu Toán học trong đào tạo các ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng. Trong khi, sinh viên tại Mỹ ngay khi bước chân vào trường phải học Giải tích và Đại số ở mức A về Toán, tiếp sau đó tùy vào từng ngành học mà bổ sung mức B, mức C và nâng cao thì một phần không nhỏ các trường đại học ở Việt Nam lại bỏ Toán ra khỏi chương trình đào tạo hoặc giảng dạy Toán quá thiên về lý thuyết... Do thời lượng giảng dạy Toán quá ít nên cách dạy phổ biến nhất là “bài tập hóa” và áp dụng các phương pháp chiếu phim như video, powerpoint... trong khi phương thức tốt nhất là sử dụng bảng và phấn. Bởi vậy, để đổi mới phương pháp đào tạo và xây dựng các bộ giáo trình phù hợp cho giảng dạy Toán cần nhiều giải pháp trong đó có tuyên truyền tăng cường thời lượng Toán, trang bị sách và học liệu theo yêu cầu của thời đại, đặt môn Toán vào chương trình đại cương...
 
 
 Đông đảo các nhà nghiên cứu và giảng viên tham dự Hội thảo
 
Là người nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về kinh tế tại Australia, Mỹ và hiện tại đang công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra những góc nhìn sắc nét về đào tạo và nghiên cứu ứng dụng Toán trong khối ngành Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng hiện nay. Có thể khẳng định, sinh viên Việt Nam có nền kiến thức cơ bản về Toán tốt, các giảng viên tâm huyết, các thông tin và cơ sở dữ liệu cập nhật hơn, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường được chú trọng cũng như ngày càng có nhiều tổ chức quan tâm đến “lượng hóa”, nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, có khá nhiều bất cập về Toán trong quá trình đào tạo cũng như nghiên cứu cần phải khắc phục. Tiêu biểu như mô hình Toán kinh tế không phải là môn bắt buộc, giảng viên có ít kiến thức kinh nghiệm về kinh tế, tài chính - ngân hàng, phương pháp giảng dạy còn hàn lâm, giảng viên và sinh viên chưa được tham gia sâu vào các hội thảo hay tọa đàm khoa học về Toán ứng dụng trong kinh tế, thiếu gắn kết ứng dụng Toán để giải quyết các vấn đề kinh tế, tài chính - ngân hàng...
 
Tại Hội thảo, rất nhiều các nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ Đại học Duy Tân, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Đại học Kinh tế Luật Tp. Hồ Chí Minh... đã nêu ra các ý kiến, giải pháp với mong muốn đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao học liệu môn Toán. Hội thảo ghi nhận các kiến nghị về các giải pháp, các kế hoạch cụ thể để triển khai việc biên soạn, biên dịch một số sách, tài liệu Toán học cho các ngành nói trên đồng thời, có kế hoạch phối hợp với Nhà xuất bản Springer xuất bản nhằm thúc đẩy phát triển nguồn tài liệu toán học.
 
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân vui mừng khi Hội thảo nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và đông đảo giảng viên giảng dạy Toán: “Năm 2013, Đại học Duy Tân đăng cai tổ chức Olympic Toán sinh viên toàn quốc lần thứ XXI và đã đạt được thành công đáng ghi nhận. Trong suốt quá trình đào tạo Đại học Duy Tân rất chú trọng môn Toán. Thể hiện ở việc sinh viên vào trường sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh và Toán để có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo phù hợp. 20 năm xây dựng và phát triển, Duy Tân đã xây dựng một đội ngũ giảng viên có chất lượng là các Tiến sĩ, Thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường danh tiếng trong và ngoài nước. Đội ngũ giảng viên Khoa Khoa học Tự nhiên là những người yêu nghề, tâm huyết với giảng dạy Toán. Tôi luôn tâm niệm ‘Cuộc đời là một bài toán có nhiều lời giải, có lời giải đúng và hay thì sẽ tránh được rủi ro’. Bởi vậy, Hội thảo hôm nay thực sự ý nghĩa không chỉ để khẳng định tầm quan trọng của Toán mà mỗi người trong chúng ta hãy thực sự tâm huyết để thổi sinh khí mới cho Toán học cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy Toán trong các trường đại học.”
 
(Truyền Thông)