English

Đoàn Thể

Chung tay xoa dịu Nỗi đau Da cam

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng nỗi đau vẫn còn dai dẳng. Có những sinh linh vô tội ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời đã bị truất bỏ quyền được toàn vẹn làm người. Lúc thế hệ thứ 1, 2 sau chiến tranh trình diện với hình hài bị biến dạng, méo mó thì cũng là lúc xuất hiện một nỗi kinh hoàng mang tên “da cam”. Đau đớn hơn nữa, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới phải chịu nỗi đau này.
 
 
Tiết mục văn nghệ của các em bị nhiễm Dioxin

Dioxin là tên gọi của một nhóm hợp chất hữu cơ của Clo có cấu trúc đặc biệt. Đây là loại chất độc thuộc loại nguy hiểm nhất, độc gấp khoảng 67 000 lần Xianua Kali. Một phần rất nhỏ dioxin được sử dụng làm thuốc trừ cỏ. Tác hại của nó đối với cơ thể con người có thể ví với virut HIV và gây ra các bệnh ung thư. Thế mà những năm 60-70, Đế quốc Mĩ đã rải hàng nghìn tấn dioxin xuống lãnh thổ Việt Nam.
 
 
 Đại diện ĐH Duy Tân tặng quà cho các em

Cảm thông sâu sắc với những số phận bất hạnh, thấu hiểu những ám ảnh kinh hoàng của “nỗi đau da cam”, ngày 06 & 07/02/2012, Ban Giám hiệu nhà trường, các học viên Khoa Sau đại học (Đại học Duy Tân) cùng với PGS.TS Lê Vũ Quân (Khoa Kinh tế trường Đại học Seattle) đã tổ chức thăm hỏi động viên và tặng quà cho các em tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân Chất độc màu da cam & Trẻ em bất hạnh Tp. Đà Nẵng. Ngày đầu tiên tiến hành ở Cơ sở 2 tại K112/11 Quang Trung. Ngày thứ hai được tiến hành ở Cơ sở 1 tại 119 Nguyễn Như Hạnh. Sách vở, quần áo, gạo, dầu, … mà đoàn Đại học Duy Tân mang đến Trung tâm thể hiện mong muốn góp một tấm lòng xoa dịu nỗi đau trong cộng đồng.
 
Tại cuộc giao lưu ngày 07/02/2012, các em nạn nhân chất độc da cam, các trẻ em khuyết tật đã khiến đoàn khách phải thán phục vì khả năng khéo léo của mình bằng các tiết mục văn nghệ đẹp mắt do chính các em bỏ công sức tập luyện.

Trong giây phút xúc động, bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam, Tp. Đà Nẵng chia sẻ: “Trung tâm trong những ngày đầu gặp muôn vàn thử thách. Cơ sở vật chất cực kì thiếu thốn, đời sống của mọi thành viên đều khó khăn. Đã thế, các em lúc mới vào vì mặc cảm, tự ti có những hành động, thái độ tiêu cực. Đến nay, nhờ vào tâm huyết của tất cả các thành viên và đặc biệt là nhờ lòng hảo tâm của xã hội mà trung tâm đã được đảm bảo hoạt động lâu dài. Trung tâm rất hi vọng sẽ được đón nhận thêm nhiều tấm lòng nhân ái trong xã hội”. Bà cũng tỏ lòng cảm kích đặc biệt đối với những hoạt động từ trước đến nay mà Đại học Duy Tân thực hiện cho các nạn nhân chất độc màu da cam Tp. Đà Nẵng.

Thay mặt Đại học Duy Tân, PGS.TS Lê Đức Toàn mong muốn trong tương lai nhà trường có thể triển khai nhiều hoạt động hơn nữa để giúp ích cho xã hội. PGS.TS Lê Vũ Quân cũng mong muốn các bạn khoa Sau Đại học - Đại học Duy Tân sẽ tiếp tục nhiệt tình hưởng ứng những hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt cần xem đó như một hình thức học ngoại khóa vì đây là một hoạt động mang ý nghĩa thiết thực và vì “Nỗi đau Da cam” không phải của riêng ai.

(Truyền Thông)