Nhiều năm liền là giảng viên của ĐHSP Huế, ĐHSP Đà Nẵng, từ tháng 06/2011, TS. Phan Ngọc Thu chính thức về công tác tại Đại học Duy Tân đảm đương chức vụ Phó Hiệu trưởng kiêm Tổng Biên Tập Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Duy Tân, đồng thời cũng là chủ nhiệm đề tài “Lịch sử Văn học Quảng Nam thế kỷ XX”- một đề tài tương đương cấp Bộ. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về đề tài trên cũng như vấn đề phát triển khối ngành KHXH & NV tại Đại học Duy Tân, nhóm PV chúng tôi đã có buổi trò chuyện với TS. Phan Ngọc Thu xung quanh những vấn đề này.
TS. Phan Ngọc Thu -
chủ nhiệm đề tài
PV: Xin chào Thầy! xin Thầy cho biết đôi nét về đề tài Thầy đang triển khai?
TS. Phan Ngọc Thu: Đề tài có tên “Lịch sử văn học Quảng Nam thế kỷ XX” thực hiện theo quyết định số 2242/QĐ-UBND ngày 15/07/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và theo hợp đồng thực hiện đề tài KHCN số 03/HĐ-SKHCN ngày 15/11/2010 của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam. Cùng phối hợp nghiên cứu đề tài này còn có cán bộ Viện Văn học thuộc UBKHXH Việt Nam và nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài trường. Sắp tới chúng tối sẽ tổ chức hai hội thảo chuyện đề tại Duy Tân vào tháng 11/2011 và 06/2012 để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Dự kiến đến tháng 12/2012 sẽ hoàn thành và báo cáo trước hội đồng nghiệm thu.
PV: Đề tài trên có ý nghĩa như thế nào đối với diện mạo văn học Quảng Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chúng, thưa thầy?
TS. Phan Ngọc Thu: Quảng Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa xác định là một vùng đất có truyền thống yêu nước, cách mạng và nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Văn học là biểu hiện kết tinh những giá trị đời sống, tâm hồn, tình cảm, văn hóa, lịch sử của con người, một đất nước, một dân tộc, một vùng đất. Nghiên cứu Lịch sử văn học Quảng Nam thế kỷ XX chính là tìm hiểu, phát hiện những giá trị kết tinh ấy nhằm gìn giữ và phát huy nguồn sức mạnh tinh thần vô giá trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của quê hương. Đồng thời đề tài cũng góp phần tìm hiểu, phát hiện đặc trưng tính cách, tâm hồn con người xứ Quảng qua sự phản ánh, biểu hiện của tiến trình phát triển văn học, làm sáng tỏ hơn về bản sắc văn học và tính hiện đại của nền văn học mới, thiết thực phục vụ cho việc giảng dạy văn học địa phương trong nhà trường…
PV. Sau khi hoàn thành, chắc chắn công trình này sẽ được in thành sách. Thầy có thể “bật mí“ về điều này?
TS. Phan Ngọc Thu: Có gì đâu mà phải bí mật (cười). Chắc chắn công trình sẽ được in thành sách và sẽ được in thành hai cuốn. Chúng tôi sẽ in một cuốn “Lịch sử văn học Quảng Nam thế kỷ XX” khoảng 300 trang và một cuốn “Tuyển tập văn học Quảng Nam thế kỷ XX” bao gồm các tác phẩm văn, thơ và kịch bản sân khấu. Dự kiến công trình này khoảng 1.000 trang.
PV. Hi vọng độc giả sẽ sớm được tiếp cận với những cuốn sách trên. Một câu hỏi khác liên quan đến công việc của Thầy. Trong những năm gần đây, số lượng học sinh lựa chọn theo học các khối ngành Khoa học Xã hội giảm đến mức đáng báo động. Là một người thầy giảng dạy lâu năm trong lĩnh vực khoa học Xã hội, Thầy có thể chia sẻ đôi điều giúp các em hiểu đúng hơn về tính cấp thiết của Khoa học Xã hội trong bối cảnh hiện nay?
TS. Phan Ngọc Thu: Việt Nam đang trong giai đoạn Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nên việc các em lựa chọn theo học các khối ngành Công nghệ, Kinh tế, Kĩ thuật cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực như Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội đều có vai trò riêng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp Hiện đại hóa đất nước. Khoa học Xã hội cho ta những hiểu biết về con người, về mối quan hệ giữa con người với con người. Xã hội càng văn minh, càng hiện đại thì con người càng không được vô cảm bởi điều đó rất tai hại. Khoa học Xã hội giúp con người nâng tầm hiểu biết, nâng cao tình cảm và sự rung động đối với cuộc sống. Chỉ khi mỗi chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc về con người, biết rung động, biết tôn trọng các giá trị văn hóa thì xã hội mới có được sự phát triển bền vững. Các ngành KHXH chính là nhân tố giúp chúng ta có được những điều vừa kể trên.
PV. Vâng, một xã hội chỉ phát triển bền vững khi nó đứng trên nền tảng của sự nhân văn. Vậy, xin Thầy cho biết Đại học Duy Tân đã và đang làm những gì để thúc đẩy sự phát triển của khối ngành KHXH&NV hiện nay?
TS. Phan Ngọc Thu: Đại học Duy Tân luôn xem trọng sự phát triển hài hòa giữa các lĩnh vực đào tạo trong trường. Từ năm 2007 trường đã thành lập khoa KHXH&NV và đến nay hơn 50 sinh viên đầu tiên của khoa đã tốt nghiệp. Năm học 2011-2012 chúng tôi tiếp tục tuyển sinh ở 3 chuyên ngành Văn-Báo chí, Văn hóa Du lịch và Quan hệ Quốc tế. Với những ngành học này, chúng tôi hi vọng sẽ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho việc phát triển văn hóa, giáo dục, ngoại giao, công tác xã hội ở các địa phương. Và đặc biệt, để khích lệ thí sinh, Ban Giám Hiệu đã có quyết định trao 50 suất học bổng mỗi suất trị giá bằng 25%-50% học phí cho các thí sinh đăng kí NV2 vào học các ngành kể trên tại Duy Tân. Với những em có điểm thi Đại học cao hơn điểm sàn từ 3 đến 10 điểm trường sẽ có mức học bổng trị giá từ 1 triệu đến 5 triệu đồng ngay khi nhập học. Hi vọng với những ưu đãi này, các em sẽ đăng kí học tại Duy Tân nhiều hơn.
PV. Xin cảm ơn thầy! chúc thầy hoàn thành tốt công trình nghiên cứu và chúc khoa XHNV Duy Tân sẽ có nhiều sinh viên theo học.
(Truyền Thông)