English

Giấc mơ Duy Tân

Giáo dục làm người thời nay

Đó là trăn trở của những người làm giáo dục đào tạo chân chính. Họ không thờ ơ với sản phẩm của trường mình, họ theo dõi bước đi của sinh viên từ nhà trường vào đời, lao động sản xuất và đi xa nữa.

GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL VN giao cho tôi vào Đà Nẵng dự hội thảo về "Giáo dục Nhân văn cho Sinh viên Việt Nam" do trường ĐH Duy Tân khởi xướng và tổ chức. Ông nói, hơn 80 trường ĐH, CĐ NCL của ta đang gồng mình lo xây dựng thêm cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy và học, lo tuyển sinh, lo đủ thứ chuyện. Thế mà có một trường ngoài việc làm khá tốt các mặt trên, đã từ lâu trăn trở làm thế nào để giáo dục bồi dưỡng phẩm chất nhân văn cho sinh viên? Để mỗi sinh viên ra trường không những có kiến thức nghề nghiệp mà còn có đạo đức nghề nghiệp, có hoài bão, có ý chí vươn lên. Đó là trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. “Trường này tốt lắm, anh Lê Công Cơ tâm huyết lắm, trường gởi giấy mời, em thay mặt Hiệp hội đi dự nhé, Duy Tân làm cái đó là hay lắm đấy, chưa ai làm đâu, vào xem họ làm có trúng thì tìm cách nhân rộng ra”.
 
 

Tôi mới về Hiệp hội, nghe anh Quân nói và giao việc là tôi đáp máy bay ngay vào Đà Nẵng. Vừa xuống sân bay, cán bộ của nhà trường ra đón thật thân tình. Tôi vào Đà Nẵng nhiều lần với tư cách là cán bộ của Bộ GD&ĐT, cũng đã ghé thăm trường Duy Tân, nhưng lần này với tư cách cán bộ của Hiệp hội vào để tham gia hội thảo cùng với nhà trường thì tâm trạng cũng khác, thấy gần gũi nhau hơn.

Đà Nẵng về chiều tối đi dạo dọc bên sông Hàn đẹp lung linh, mát dịu, thanh bình. Trong lúc đi dạo, tình cờ gặp một anh bạn công tác tại Đà Nẵng, biết tôi vào đây dự hội thảo về vấn đề trên, anh tâm sự: Vừa rồi, theo sáng kiến của ông Bá Thanh-Bí thư thành ủy, thành phố cho tập hợp các em đang độ tuổi vị thành niên thuộc đối tượng hư hỏng, lười học tập, cho đi thăm hai nơi: "Thiên đường" Bà Nà, sau đó thăm nhà tù. Tất nhiên, tới mỗi nơi có giới thiệu và giáo dục cho các em biết, nếu khắc phục khuyết điểm, học tập và rèn luyện tốt thì được sống như ở thiên đường, mà Bà Nà là một thiên đường. Nếu tiếp tục hư hỏng, dẫn đến phạm tội thì phải vào nhà tù, khổ nhục như thế nào thì các em được nhìn tận mắt. Anh cho biết, đa số các em diện hư hỏng đó, sau khi về, đã nhận thức lại hành vi của mình, sửa sai và ít trường hợp tái diễn. Đó, giáo dục nhân văn như thế mới hiệu quả chứ! Câu chuyện làm tôi suy nghĩ mãi và theo vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Sáng hôm sau tới hội thảo mới hay, có đủ các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo từ Hà Nội vào, từ Huế vô, từ Tp. Hồ Chí Minh ra. Ban Tuyên giáo Trung ương có TS. Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng Ban cũng vào tham dự và chủ trì hội thảo. Các nhà khoa học tên tuổi như: GS.VS Phạm Minh Hạc, GS.TSKH Bành Tiến Long, GS. Dương Vũ Hiệp, GS. Hoàng Chương…, các nhà giáo từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng, Huế và đông đảo các thầy cô giáo, sinh viên trường Đại học Duy Tân tham dự, trao đổi sôi nổi. Nhiều bài phát biểu, tham luận sâu sắc, gợi mở các vấn đề về giáo dục nhân văn, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, đạo làm người cho sinh viên Việt Nam. Đây là vấn đề lâu nay chưa được quan tâm đúng mức ở các trường đào tạo.

Tâm sự với chúng tôi, ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân cho biết, ông trăn trở vấn đề này từ lâu. Trường thành lập được 15 năm, đã có 10 khóa sinh viên ra trường, nhưng càng về sau, dường như vấn đề chất lượng đạo đức nghề nghiệp, lối sống, lý tưởng, động cơ học tập phấn đấu của sinh viên có phần giảm sút. Tại sao lại như vậy? Đó là câu hỏi luôn canh cánh trong lòng ông và cán bộ, giảng viên nhà trường. Mặc dù, tại trường Duy Tân nói riêng, cơ sở vật chất nhà trường xây dựng ngày càng khang trang hơn, có thư viện, có phòng học hiện đại… vậy tại sao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đạo đức làm người, ý thức công dân, lý tưởng sống và cống hiến của sinh viên ra trường chưa yên tâm? Phải chăng nhà trường mới chú trọng đào tạo nghề, mà chưa chú trọng dạy kiến thức nhân văn, đạo làm người? Kiến thức đó là những gì? Dạy như thế nào cho sinh viên các ngành nghề, đặc biệt các ngành không phải là xã hội nhân văn?

GS. Hoàng Chương, với tham luận "Giáo dục Văn hóa Dân tộc trong trường đại học", sau khi khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa dân tộc nhằm bồi đắp tâm hồn, nhân cách sinh viên Việt Nam, cũng bày tỏ sự lo lắng, sốt ruột trước thực tế giáo dục văn hóa dân tộc trong các nhà trường còn ít quá, có nơi "trắng văn hóa dân tộc". Giải pháp nào cho vấn đề này? Ông đề nghị trường đại học cần liên kết, phối hợp với các đơn vị văn hóa nghệ thuật để hoạt động, đưa giáo dục văn hóa dân tộc vào nhà trường. Tất nhiên, ông cũng thừa nhận, việc cải tiến nâng cao chất lượng các tác phẩm, các loại hình văn hóa dân tộc chưa có nhiều sự hấp dẫn cho sinh viên. Nhà nước phải có chiến lược đầu tư cho vấn đề này, và chúng ta cũng phải chủ động xã hội hóa để chăm lo vấn đề này. Trường ĐH Duy Tân quan tâm đến giáo dục văn hóa dân tộc cho sinh viên là rất trúng, ông sẵn sàng hợp tác.

Tôi cũng rất tâm đắc với ý kiến phát biểu, gợi mở vấn đề sâu hơn, nhìn vấn đề xa hơn của TS. Vũ Ngọc Hoàng-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Giọng miền Trung của ông nghe ấm và sâu lắng, cách trao đổi của ông nhẹ nhàng, dùng nhiều hình ảnh, câu chuyện minh họa, nhưng chứa đựng những tư tưởng triết lý sâu sắc.

Theo ông, giáo dục nhân văn rộng lắm, ta phải giới hạn để nghiên cứu, để xem xét và trả lời từng vấn đề của thực tiễn đặt ra. Có nhà nghiên cứu ở Hà Nội đã bền bỉ quan sát hơn 200 lần cái bẹ cau già rơi xuống đất như thế nào. Và ông ta thấy, hầu như tất cả các lần rơi, cây cau đã trút cái bẹ cau già xuống đất mà không làm hỏng những cây con ở dưới. Một thí nghiệm khác, hoa phong lan nở trong tiếng nhạc cổ điển đẹp hơn hoa phong lan nở trong môi trường bình thường không có nhạc cổ điển. Nghiên cứu kinh tế với những quy luật phức tạp của nó, khi tới tận cùng ta lại gặp con người. Có nhà doanh nghiệp vẫn nhận thua lỗ để giữ chữ "Tín" với khách hàng, sau đó quyết tâm đổi mới sản phẩm, đầu tư công nghệ, cải tiến mẫu mã hàng hóa, nâng chất lượng và lại trở thành tỷ phú. Lên Tây Nguyên, tìm hiểu xem người Tây Nguyên quan niệm giàu nghèo thế nào? Rất giản dị thôi, ai cho được nhiều thì người đó giàu nhiều, cho ít thì giàu ít, không cho được ai là người đó nghèo. Ai có cái cồng, cái chiêng to đánh kêu hay, vang xa được cho là giàu. Như vậy ở đây ta thấy giàu nghèo là phạm trù văn hóa, chứ không phải là tiền bạc, của cải. Vậy phạm vi ảnh hưởng của văn hóa tới đâu? Đó còn là bí mật của tự nhiên, của đời sống xã hội con người mà nhân loại còn phải tiếp tục nghiên cứu, khám phá dài dài.

Ông trao đổi về vấn đề phương pháp giáo dục nhân văn ở nhà trường cũng rất sâu sắc. Theo ông, cần chú trọng phương pháp nêu gương, thông qua những tấm gương để giáo dục, thông qua các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc tiêu biểu để giáo dục là rất hiệu quả. Dạy văn chẳng hạn, đôi khi các thầy cô giáo chỉ chú trọng dạy kỹ thuật văn chương, ý nghĩa chính trị tư tưởng của tác phẩm, mà theo ông, cần phải chú trọng giảng về nhân văn của tác phẩm. Trong cách thi, kiểm tra cũng vậy, nên xem xét cách kiểm tra, thi về bản chất nhân văn của tác phẩm văn học nghệ thuật, của sự kiện lịch sử hơn là bắt học sinh sinh viên nhớ các số liệu, ngày tháng xảy ra sự kiện. Dạy lý luận Mác, Lê Nin cũng vậy, còn nặng nề lắm, nếu không đổi mới thì có khi làm cho sinh viên sợ và xa rời các cụ.

Các tham luận, ý kiến phát biểu khác đều xoay quanh sự cần thiết phải chú trọng giáo dục nhân văn cho sinh viên, trường đại học phải tạo điều kiện và tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể. Chăm lo bồi dưỡng nhân cách, chuẩn bị hành trang văn hóa cho sinh viên vào đời phải là công việc của toàn xã hội và gia đình, không khoáng trắng cho nhà trường. Muốn vậy phải có sự phối hợp liên ngành, có sự liên kết hoạt động của ngành văn hóa, của các đoàn thể thanh niên, hội sinh viên với nhà trường.

Trước mắt, ông Lê Công Cơ cam kết: Trong khi chờ đợi chỉ đạo của trên, từ kết quả cuộc hội thảo này, trường ĐH Duy Tân sẽ xây dựng chương trình, nội dung giáo dục nhân văn cho sinh viên nhà trường và làm thử xem tác dụng ra sao, rồi ta lại hội thảo nữa để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam.

Một hội thảo gợi ra những vấn đề cho chúng ta suy nghĩ phải có nội dung xuất phát từ cuộc sống. Tôi chắc rằng, vấn đề giáo dục nhân văn cho sinh viên đại học ở nước ta, mà trường Đại học Duy Tân khởi động tổ chức hội thảo, xây dựng chương trình rồi làm thử rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, sẽ có sức lan tỏa nay mai. Bởi vì bản thân công việc đó đã rất giàu tính nhân văn, có tầm nhìn văn hóa.

Hiệu trưởng ĐH Duy Tân Lê Công Cơ:

"Chúng ta cứ loanh quanh tìm phương án cải cách GDĐH khổ sở mãi mà chưa ăn thua, trong khi tôi thấy cách xây dựng mô hình ĐH kiểu Mỹ với hồn cốt Việt Nam là lý tưởng nhất"

(TS. Văn Đình Ưng - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam)

(Nguồn: Báo Trí Tuệ số 58)