English

Giấc mơ Duy Tân

Những người thổi hồn thương hiệu Việt

Đi dạy từ những năm 60 thế kỷ trước, nên ông Lê Công Cơ hiểu cái khó, cái thuận lợi của ngành đến tường tận, để tập hợp cho Đại học Duy Tân (184 Nguyễn Văn Linh, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), một tập thể giáo viên, giáo sư cống hiến hết mình cho lớp trẻ. Sinh viên của Duy Tân được trang bị kiến thức và tư duy “Anh nói tôi nghe dân tộc anh đang học gì, tôi sẽ nói anh nghe tương lai của dân tộc anh như thế nào”. Và do vậy, giáo trình của Duy Tân có phần dạy cho sinh viên cách ứng xử trong cuộc sống, tránh những điều phi nhân văn, để mọi suy nghĩ và hành động đều dựa vào cái gốc của dân tộc, rằng có yêu đất nước, quê hương, gia đình thì mới có những cái khác.
 
 
Thầy Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT trường Đại học Duy Tân

Từng tham gia chiến tranh chống giặc ngoại xâm, ông rất hiểu vai trò của người lãnh đạo, nên cái lợi của số đông ông luôn trân trọng với tư duy “Người không thể thay thế được thì phải thay thế” ngay khi ông là Chủ tịch HĐQT, là người sáng lập ra Đại học Duy Tân. Điều này không phải ai cũng làm được, bởi vượt qua được “cái tôi” cùng những tham, sân, si là những vấn đề lớn trong từng đời người. Từng là Chủ tịch Hội liên hiệp Sinh viên miền Trung Việt Nam, ông hiểu khát vọng của lớp trẻ còn bị bó trong khó khăn về vật chất ảnh hưởng tới sự học, nên Duy Tân là trường Đại học đầu tiên cho sinh viên nợ học phí cùng nhiều hỗ trợ khác. Là đại biểu Quốc hội Khóa VIII, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông thực hiện chủ trương xã hội hóa dục bằng sự tỉnh táo và tấm lòng trong sáng. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây đã nói về mô hình Đại học Duy Tân: Trường đã đi đúng định hướng xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, 12000 SV ra trường - tức nhà trường đã đóng góp 240 tỷ đồng cho Nhà nước và một lực lượng lao động đã được đào tạo, chưa kể trung bình 2 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm. Bằng bản lĩnh Việt Nam, phát huy truyền thống của phong trào Duy Tân trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Đại học Duy Tân bám chặt những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và đất nước, hướng tầm nhìn ra thế giới hiện đại, mở rộng hợp tác quốc tế, nhanh nhạy đón bắt công nghệ và tri thức mới nhằm đào tạo nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

50 năm, ông Cơ chưa hề ngưng nghỉ, ông cứ cặm cụi làm việc để nâng cao tri thức cho đồng bào, để cộng đồng bớt đi sự nghèo khó với suy nghĩ rất mộc của một tri thức yêu nước: "Mỗi người sống hãy trồng một thứ cây. Khi mình chết đi để lại cho đời một bóng mát. Đó là phương châm sống của tôi. Và 70 năm qua, sống với phương châm đó, đến giờ tôi thấy lòng mình hoàn toàn thanh thản”

(Trung Trường)

(Nguồn: Thời báo Doanh Nhân số 80 + 81 +82)