English

Giấc mơ Duy Tân

Mô hình nào cho giáo dục đại học Việt Nam?

Đó là câu hỏi được đặt ra trong buổi tọa đàm về chủ đề: “Mô hình giáo dục đại học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI” do trường ĐH Duy Tân tổ chức vào ngày 10/11/2010 vừa qua.

Buổi tọa đàm quy tụ những chuyên gia hàng đầu về giáo dục như GS Phạm Phụ đến từ ĐH Quốc Gia TP.HCM, GS.VS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS.TSKH Bành Tiến Long, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp và nhiều chuyên gia uy tín khác.
 
 
Các nhà giáo dục đang trao đổi tại buổi tọa đàm
 
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã đưa ra để hướng đến xây dựng một mô hình đại học phù hợp với Việt Nam trong thời gian tới. GS Phạm Minh Hạc cho rằng: “Muốn có mô hình đại học, trước tiên cần xác định đúng mục tiêu. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay và vài thập niên nữa giáo dục đại học cần chú trọng hai mục tiêu chính là nhân lực và nhân tài”. Đồng ý với mục tiêu chú trọng nhân tài, GS Trần Hồng Quân bổ sung: “Nếu nói 5% thành phần ưu tú trong xã hội quyết định sự phát triển của toàn xã hội thì cả 5% đó thuộc trách nhiệm của giáo dục đại học”. Ngoài ra, GS Quân còn đưa ra 3 vấn đề cần giải quyết trước khi xác định mô hình cụ thể cho giáo dục đại học là chi phí đào tạo cho giáo dục, về cơ chế quản lí và bảo đảm đời sống cho người làm giáo dục.
 
 
Giáo sư Phạm Phụ phát biểu tại tọa đàm

Đặc biệt, GS Phạm Phụ với bài tham luận "Các bài toán nan giải và đan xen của Giáo dục Việt Nam" đã bao quát khá đầy đủ tình hình giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. GS. Phạm Phụ đưa ra 7 bài toán: Đa dạng hóa và "phân tầng" nền Giáo dục đại học; tạo ra một:"Quasi - market" để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; đảm bảo tài chính cho Giáo dục đại học; phát triển giáo dục đại học ngoài công lập; toàn cầu hóa trong giáo dục đại học và giữ sự cân bằng nhất định giữa "mất chất xám" và "thu hút chất xám"; quản trị và tự chủ Đại học; công bằng xã hội trong giáo dục đại học. GS. Phạm Phụ kết luận: “Đây là những bài toán nan giải nhưng rõ ràng chúng "đan xen" nhau và phải được giải quyết một cách tổng thể. Để giải quyết bài toán chúng ta cần phải có những nguyên lý mới, chính sách mới cho một nền giáo dục đại học. Các nguyên lý, chính sách này phải được nghiên cứu một cách chuyên nghiệp. Phải giải quyết các bài toán này theo cách: "tiệm biến", "phải có đi mới có đến". Tóm lại, chúng ta cần chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục đại học thực sự. Tuy vậy, chúng ta cũng cần  lưu ý "cải cách vội vã là bóp chết cải cách".

Bên cạnh, nhiều đại biểu tham dự cũng bày tỏ mong muốn xóa bỏ sự phân biệt trường công và trường tư trong cơ chế quản lí của Bộ GD&ĐT hiện nay. Theo GS.Phạm Minh Hạc “dù là trường công hay trường tư thì nó đều đào tạo nhân lực phục vụ cho chính đất nước này, phân biệt như vậy là thiếu sự công bằng”. Đồng tình với quan điểm trên, Ông Lê Công Cơ - người sáng lập ĐH Duy Tân phát biểu: “16 năm qua, ĐH Duy Tân đã đào tạo hơn 13.000 cử nhân, kĩ sư ra trường phục vụ sự phát triển của xã hội mà không tốn một đồng của ngân sách. Ngoài ra, còn phải đóng thuế hơn 21 tỷ đồng”. Ông Cơ đề xuất: “nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn với trường tư và phải đưa đại học về đúng bản chất của nó đó là sự tự chủ”. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất ở điểm này, bởi tăng tính tự chủ là cơ sở tiên quyết để các trường chủ động xây dựng mô hình phù hợp nhất cho sự phát triển của mình.

Buổi tọa đàm diễn ra khá sôi nổi với những tham luận và phản biện đầy tính xây dựng. Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa mà Duy Tân tổ chức để chào mừng sinh nhật lần thứ 16 của trường (11/11/1994-11/11/2010), đồng thời cũng là đóng góp của Duy Tân nhằm tìm đến một mô hình phát triển tốt nhất cho giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai.

(Truyền Thông)