English

Hợp tác & Hội nhập

PSGA Chào đón các Nhà giáo Việt Nam

Định hướng của Penn State Greater Allegheny nhằm tăng cường sự hiểu biết quốc tế đang được hiện thực hóa qua việc nhiều giảng viên của Đại học Duy Tân từ Việt Nam bắt đầu tham gia vào chương trình huấn luyện về quản trị kinh doanh ở McKeesport.
 
Ông McKeesport Major James Brewster (bên phải)  chào đón ông Lê Công Phụng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (bên trái) trong chuyến viếng thăm ngày 22/06/2010

“Tất cả những gì các thầy cô đang làm ở Pittsburgh để giúp cho Việt Nam đều nằm trong mong muốn chung của cả hai nước (Việt Nam và Mỹ),” ông Lê Công Phụng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ phát biểu trong buổi lễ chào mừng các giảng viên Duy Tân tham gia dự đợt tập huấn (ở Penn State) vào thứ ba (22/6/2010). “Sẽ có nhiều sinh viên ở Việt Nam được học thêm nhiều điều hay mà các giảng viên Việt Nam (của Đại học Duy Tân) học được ở Mỹ.”

Hợp đồng hợp tác giáo dục này được ký kết vào ngày 17/1/2010 và các giảng viên Duy Tân sẽ bắt đầu được huấn luyện từ thứ ba này. Dự kiến khoảng 100 giảng viên Việt Nam được huấn luyện để giảng dạy 24 môn học (của Penn State). Đại học Duy Tân đầu tư toàn bộ chi phí cho huấn luyện ở Penn State. Các giảng viên Duy Tân khi kết thúc khóa huấn luyện sẽ nhận được các chứng chỉ chứng nhận, giúp họ có được lợi thế hơn so với các giảng viên khác ở Việt Nam, một quốc gia vốn yêu cầu các giảng viên dạy đại học phải có trình độ cao.

“Thật là những giây phút cảm động,” Võ Thị Thủy Tiên, một giảng viên Thương mại Quốc tế và Kế toán của Duy Tân phát biểu về buổi lễ và khi được giới thiệu với đội ngũ cán bộ của Penn State Greater Allegheny. “Tôi muốn học hỏi các cấu trúc giảng dạy trên lớp ở đây để về áp dụng lại ở Việt Nam.”
 
 Bài phát biểu của thầy Nguyễn Hữu Phú (Phó Hiệu Trưởng Đại học Duy Tân) tại PSGA

Kể từ sau hè này, sẽ có hai giáo sư từ Penn State Greater Allegheny đến Duy Tân để triển khai và giám sát việc triển khai các mô hình giảng dạy, ít nhất 2 tuần mỗi học kỳ. Rồi trong hè năm sau, các giảng viên PSGA sẽ đến Duy Tân để thực hiện chương trình huấn luyện giảng viên ngay tại đây.

Chương trình hợp tác này bắt đầu khi ông Kurt Torell, Trưởng phòng Đào tạo của Penn State Greater Allegheny gặp ông Lê Nguyên Bảo, Hiệu phó và Trưởng phòng Đào tạo Đại học Duy Tân khi ông đến Việt Nam trong chuyến thăm giao lưu kinh tế của Liên đoàn vùng Pittsburgh trong tháng 2/2009. Ông Bảo đã nêu lên mong muốn đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác giáo dục; trước đó, Đại học Duy Tân đã có quan hệ hợp tác với Đại học Carnegie Mellon.

“Thật là tuyệt vời,” Ông Torell nói về những tiến triển từ đề xuất ban đầu khi ông nhìn quanh phòng hội thảo với đầy ắp các giảng viên Việt Nam.

Hiệu trưởng PSGA Tiến sĩ Curtiss Porter giải thích rằng chương trình huấn luyện này là một phần trong những hoạt động của Penn State Greater Allegheny như một cơ sở đào tạo quốc tế. Kể từ năm 2003, PSGA đã tham gia vào nhiều hoạt động nhằm tăng cường ý thức toàn cầu của sinh viên qua nỗ lực “Giảng dạy Quốc tế.”

Quan hệ hợp tác giữa hai trường là một minh chứng cho các nỗ lực hết mình để xích lại gần nhau của hai quốc gia (gần) 40 năm kể từ sau cuộc chiến.

“Tôi muốn thấy một Việt Nam hòa bình chứ không phải có chiến tranh,” ông Anthony Accamando, một cựu chiến binh Việt Nam và là đồng sáng lập tổ chức Bạn hữu của Đà Nẵng nói. “Có thể có những khác biệt và các chính sách khác nhau giữa hai nước, nhưng sau hết, thật sự có rất ít khác biệt giữa nhân dân hai nước.”

Ông Lê Công Phụng nêu lên rằng chỉ trong vòng 15 năm sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và cũng là nhà đầu tư lớn nhất đối với Việt Nam.

Ông Lê Công Phụng, tuy vậy, mong muốn rằng Việt Nam sẽ trở thành nước có nguồn “xuất khẩu” sinh viên sang du học ở Mỹ lớn nhất. Ông nói trong năm 2000, có 6,000 du học sinh Việt Nam ở Mỹ nhưng đến nay con số đó đã là 13,000.

“(Chương trình này) còn có tầm quan trọng lớn đối với cả các sinh viên của chúng tôi, không hạn chế trong phạm vi vùng Tây Nam Pennsylvania,” ông Porter phát biểu.

Ông tiếp tục chúc mừng Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh mạnh ở khu vực châu Á, và ông giải thích rằng để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế và tiết kiệm chi phí kinh tế của cả Việt Nam và Mỹ, những chương trình hợp tác (giáo dục) quốc tế như thế này là thiết yếu.

Ông Lê Công Phụng phát biểu rằng những nỗ lực trong phát triển hợp tác quốc tế và mối quan hệ có được như hiện nay của hai nước là kết quả của việc tập trung cho giáo dục.

“(Thế mà) Có thời gian tôi đã nghĩ rằng hai lá cờ này sẽ chẳng bao giờ ở cạnh nhau,” ông Accamando nói.

(Tracy Taylor, phóng viên tờ The Daily News)