English

Hợp tác & Hội nhập

Đại học Dân lập Duy Tân: Mạnh dạn đầu tư-tiếp cận chuẩn quốc tế

Đó là nhận định của Giáo sư Don Marinelli-GĐ Trung tâm công nghệ giải trí thuộc trường Đại học Carnegie Mellon-Hoa Kỳ về Trường ĐH Duy Tân trong chuyến thăm và giảng dạy tại trường ĐH Duy Tân mới đây.
 

 

Nhìn lại những chặng đường vượt khó, mạnh dạn đầu tư và phát triển của ĐH Duy Tân mới biết nhận xét của Giáo sư Don Marinelli hoàn toàn có lý. Ngay từ năm 1986 đề án về một trường dân lập tại VN đã được hoàn thiện. Thế nhưng, khi ấy đất nước còn muôn vàn khó khăn ít ai cũng nghĩ làm gì có thể xây dựng một trường đại học dân lập được. Chính vì thế mà mãi tới năm 1992, trường ĐH Duy Tân (một trong 4 trường dân lập đầu tiên) mới chính thức được cấp phép thành lập. 

Năm 1994 chính thức thành lập trường, thì trăm cái khó đổ lên đầu những người chung sức xây dựng trường. Cái khó đầu tiên là cơ chế. Từ đó đến năm 2001, trường hoạt động theo quy chế tạm thời vì Luật Giáo dục chưa sửa đổi nên chưa có quy định chức năng hoạt động cho các trường dân lập. Với quy chế tạm thời ngân hàng nào cũng ngại không cho vay vốn đầu tư.
 

 

Thế nhưng sau 15 năm nhìn lại, Đại học Duy Tân đã xây dựng được 5 cơ sở với diện tích mặt bằng 36.000 m2 tại TP Đà Nẵng với diện tích sử dụng 30.000 m2. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy học được trang bị hiện đại đảm bảo nhu cầu đào tạo sinh viên với 1.000 máy vi tính được kết nối mạng để truy cập thông tin Internet. Hầu hết phòng học được trang bị máy chiếu đa phương tiện (multi projectors); các phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại; thư viện đảm bảo để phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn được trường đặt lên hàng đầu. Ngày thành lập chỉ có 3 cán bộ và 20 giảng viên, đến nay cán bộ, giảng viên, nhân viên lên tới 529 người. Riêng giảng viên cơ hữu giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành là 341. Đội ngũ giảng viên cơ hữu chiếm trên 75% khối lượng giảng dạy của toàn trường, giảng viên thỉnh giảng được mời tại các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước chiếm 20 đến 25% trên tổng khối lượng giảng dạy. Trường hiện có 4,2% Giáo sư, Phó Giáo sư; 7,3% TSKH và TS; 50,4% Thạc sĩ; 38,1% Cử nhân. Đội ngũ giảng viên của trường tuổi đời còn trẻ, bình quân 34 tuổi, hầu hết không ngừng học tập để trưởng thành.

Năm 2009, Chính phủ cho phép trường ĐH Duy Tân bắt đầu tuyển sinh sau đại học với 100 học viên học hai chuyên ngành Khoa học Máy tính và Quản trị Kinh doanh, niên khóa 2009-2011. Các học viên theo học Quản trị Kinh doanh được theo chương trình MBA của ĐH Pennsylvania State, do các giảng viên nước ngoài giảng dạy. Học viên theo học chuyên ngành Khoa học Máy tính sẽ được đào tạo theo chương trình thạc sĩ của đại học Carnegie Mellon-Mỹ.

Sau 15 năm thành lập trường vượt mọi khó khăn ĐH Duy Tân đã vươn lên đi đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và gắn với DN. Trường đã tiếp nhận một số chương trình tiên tiến như Công nghệ Phần mềm và Hệ thống Thông tin với ĐH Carnegie Mellon Universty (Mellon là một trong 4 đại học mạnh nhất về Tin học, Công nghệ Phần mềm và Hệ thống Thông tin của Hoa Kỳ) và chuyên ngành Quản trị Kinh doanh với trường Đại học Seattle Pacific. Trường đang tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các trường ĐH tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… để cải tiến chất lượng đào tạo.

Đơn cử, trường ĐH CMU trực tiếp cử giảng viên cao cấp sang tận trường để đào tạo và cấp chứng chỉ có giá trị quốc tế cho 22 môn học cho các môn học về công nghệ thông tin (CNTT). Các sinh viên học năm thứ nhất và thứ 2 có thể chuyển sang học cử nhân CNTT ở ĐH Seattle hoặc học thạc sĩ CNTT-eBiz ở CMU sau khi đã tốt nghiệp ở VN.

Đặc biệt, toàn bộ số sinh viên theo học các chương trình của CMU tại ĐH Duy Tân sẽ được Công ty TNHH Tài nguyên Công nghệ VN-Enclave Đà Nẵng nhận các sinh viên trên vào thực tập và cam kết sẽ tuyển dụng toàn bộ số sinh viên này vào làm việc ngay sau khi ra trường với mức lương khởi điểm từ 500-600 USD…

Ông  Tommy-Tổng giám đốc Tập đoàn MagRabbit (Mỹ) nhận định, ngành CNTT VN đang thâm nhập rất tốt thị trường CNTT Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều hợp đồng bị bỏ lỡ vì không có nhân lực CNTT đủ trình độ để thực hiện. Vì vậy, việc liên kết đào tạo CNTT của trường ĐH Duy Tân với các trường hàng đầu quốc tế là hướng đi tiên phong và sáng suốt.

Về kế hoạch phát triển của ĐH Duy Tân trong thời gian tới, ông Lê Công Cơ, cho biết: “Mục tiêu chiến lược của ĐH Duy Tân từ nay tới 2020 là phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo đại học, sau đại học đa ngành, đa cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế cho các ngành CNTT, Quản trị Kinh doanh, Du lịch, Kiến trúc, các ngành còn lại đạt chuẩn khu vực. Nghiên cứu khoa học là một trong những chức trách của mọi giảng viên nhằm nắm vững môn học như một khoa học cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cả về lí thuyết lẫn thực hành, làm cơ sở cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo và ứng dụng phục vụ cộng đồng. Đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học VN, khu vực, tiếp cận chuẩn quốc tế”.

(Mai Hà-Theo dddn.com.vn)