“Tự mình xây dựng đẳng cấp quốc tế ở địa hạt khoa học xã hội nhân văn…”, nguyên bộ trưởng Bộ giáo dục Trần Hồng Quân đã phát biểu như trên tại một cuộc tọa đàm vừa diễn ra tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và kỷ niệm 15 năm thành lập Đại học Duy Tân, đại học tư thục đầu tiên ở miền Trung.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang hướng đến hợp tác xây dựng đại học quốc tế, xây dựng thương hiệu đào tạo của chúng ta đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, về khoa học xã hội và nhân văn, một lĩnh vực có nhiều cái riêng của Việt Nam, thì chính hệ thống đào tạo đại học của chúng ta phải đảm đương sứ mạng nặng nề này là tự thân chính mình xây dựng đẳng cấp quốc tế cho mình. Không ai có thể tâm huyết và am hiểu sâu sắc hơn chúng ta khi nghiên cứu về Trường Sa và Hoàng Sa, về chủ quyền, về tín ngưỡng của dân tộc mình. Không thể trông chờ, dựa vào quan hệ bên ngoài để xây dựng chương trình cũng như dạy-học những nội dung này. Giáo dục đại học của chúng ta hiện nay chỉ quan tâm chất đầy kho kiến thức mà coi nhẹ phương pháp luận tiếp cận, khai thác sử dụng và thường xuyên cập nhật lượng kiến thức ấy cho sinh viên. Cấu trúc chương trình khung cần đổi mới theo hướng giáo dục kỹ năng và thái độ. Làm sao giúp sinh viên tự định hướng đúng mực hành vi ứng xử và sự quan tâm của mình đến những vấn đề thuộc các phạm trù gia đình-tổ quốc-môi trường và nhân loại”.
Ông Nguyễn Văn Giao, nguyên là chuyên viên cao cấp về giáo dục-đào tạo, nói : "Sản phẩm của quy trình đào tạo phải là những con người năng động, sáng tạo, đặc biệt là phải giàu lòng bác ái và có đủ khả năng chống chọi với một thiên nhiên đã và đang bị hủy hoại bởi chính con người”.
(Trần Ngọc-Báo Khoa học Phổ Thông-Số 46/09)