Trước khi biết ông là người đứng ra vận động sáng lập rồi nuôi dưỡng thành công mô hình đại học (ĐH) tư thục đầu tiên ở miền Trung Việt Nam, tôi biết tên tuổi ông qua phong trào tranh đấu của sinh viên-học sinh (SV-HS) trong lòng thành thị miền Nam trước năm 1975.
Những tháng năm oanh liệt đó, ông từng giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp SV-HS Giải phóng khu trung Trung bộ (1963-1966), Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng (1964-1965), Bí thư Ban Thanh vận kiêm Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên-Huế (1969-1972)...Tên ông là Lê Công Cơ, bí danh hoạt động là Lê Phương Thảo và tôi còn nhận diện ra ông qua nhân vật chính Nguyễn Phi trong tiểu thuyết Học phí trả bằng máu của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Cuốn tiểu thuyết từng gây xôn xao không chỉ trong đời sống văn học nước nhà những năm 1980. Có những người trong cuộc đã từng giận dữ đòi đoạn tuyệt với cả tác phẩm lẫn hình mẫu ngoài đời thật của nhân vật chính...
Từ một tinh thần giáo dục đại học
Hôm được tin ông được trao danh hiệu DNVH, tôi đến thăm và kể ông nghe một câu chuyện bên lề mà dư luận vẫn hay nói về chuyện mở trường tư thục. Trong bối cảnh có quá nhiều trường tư ở bậc ĐH được nhận diện là trường kém chất lượng, có một luồng ý kiến cho rằng : những người mở trường ĐH tư thục thật ra chỉ tranh thủ cơ hội vàng của chủ trương xã hội hóa giáo dục. Họ chẳng tâm huyết gì với “nâng cao dân trí”, đào tạo nhân lực”, “bồi dưỡng nhân tài” đâu!. Thực chất việc lập trường, mở ngành, chiêu sinh, thu học phí là kinh doanh giáo dục. Mà kinh doanh “mặt hàng cao cấp” này bây giờ dễ đạt đến siêu lợi nhuận. Xã hội ta bi chừ đang sính bằng cấp và học vị lắm. Có trường tất có người học tìm đến học mà!. Một bên cần bằng cấp-Một bên cần người học đông để thu lại vốn và thu lãi ròng.
Ông bình tĩnh nghe tôi kể hết câu chuyện rồi cười bảo: Ai đó nói như vậy đúng chứ không sai. Nếu mở trường ra với mục đích lao vào kinh doanh giáo dục, không xây dựng cơ sở vật chất, chỉ tìm mặt bằng để thuê tạm; không quan tâm đến chất lượng đội ngũ giảng dạy, đến lúc cần thì đi mượn-đi thuê Thầy; không để ý đến thái độ làm việc của cả đội ngũ quản lý, nhân viên; cũng không cần tìm kiếm đối tác và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế...nghĩa là không làm những việc để nâng dần chất lượng đào tạo. Tôi khẳng định rằng như vậy sẽ lãi nhiều lắm đấy. Nhưng nếu anh làm vì cái tâm đối với sự nghiệp 100 năm trồng người mà Hồ Chủ Tịch đã dạy, anh ý thức rằng dân tộc này không thể không có một lớp người được học hành bải bản, thâm chí có trình độ học vấn cao, kỹ năng thực hành tốt để tiếp quản và tạo dựng bộ mặt thời đại của non sông...Nghĩ cho chín những điều giản đơn đó và bắt tay vào làm bằng cả một tinh thần trách nhiệm cao cả, thì xin thưa, không có lãi đâu. Mà có lãi chăng đi nữa cũng dành đó để tái đầu tư vào việc dạy chữ-dạy nghề- dạy làm người ở ngôi trường này.
15 năm trước, vào những ngày giữa mùa đông 1994, những nhân viên cảnh vệ ở Văn phòng Chính phủ sau buổi đầu với trạng thái bình thường, đã bắt đầu “để ý” đến một người khách từ miền Trung ra, ông đến liên hệ công tác ở đây và đã chờ chực, ra vào mãi phòng khách của cơ quan. Một sĩ quan cảnh vệ đã phải đặt dấu hỏi và tìm cách tiếp cận người đàn ông “ăn dầm, nằm dề” ở thủ đô hơn 10 ngày qua để hỏi cho ra lẽ. Từ chỗ khó chịu, người sĩ quan này bắt đầu mến và trở thành điểm tựa tinh thần cho người khách đến từ miền Trung. Nhưng có điều người sĩ quan ấy chắc không bao giờ ngờ được rằng “đối tượng” từng có lúc “bị đặt vào vòng nghi vấn” này đã từng là Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc VN tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội khoá VIII. Không kể những huy chương sau 1975, người khách đến từ miền Trung này đã được tặng huân chương Kháng chiến và huân chương Giải phóng hạng Nhất và là 1 trong số 12 người của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được tặng huân chương độc lập hạng Nhì... “Tôi còn nhớ rõ, hôm đó vào buổi chiều, trời thủ đô mưa phùn, gió rét căm căm vào da thịt. Vậy mà đi bộ từ Văn phòng Chính phủ về khách sạn Kim Liên, tôi quên dần cái rét thấu thịt da. Trong lòng rồi cả người âm ấm. Người đàn ông miền Trung kể. Bởi tôi đang cầm trên tay quyết định do chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký cho phép thành lập ĐH Duy Tân. Thời điểm đó cả nước chỉ có 4 ĐH tư thục là Thăng Long và Phương Đông (Hà Nội), Ngoại Ngữ-Tin học (TP.Hồ Chí Minh) và miền Trung là Duy Tân. Tôi hân hoan, mừng vui đến rơi nước mắt. Tay tôi nắm rất chặt chiếc cặp bên trong đựng quyết định của Chính phủ. Vậy mà tôi vẫn chưa tin rằng mong ước lớn nhất của đời mình, mong ước có từ thời còn đi dạy học (những năm từ 1958 cho đến 1963), cho đến những ngày thoát ly ra bưng theo kháng chiến, kể cả những năm hoà bình, thống nhất tôi vẫn đau đáu việc mở một ngôi trưởng, trăn trở canh cánh chuyện làm giáo dục. Chính tôi và ông Tạ Quang Bửu ngay sau 1975 đã xúc tiến trở lại việc thành lập Viện ĐH Huế. Năm 1986, Giáo sư-Tiến sĩ Trần văn Thọ về nước và gợi ý tôi đứng ra vận động thành lập trường, nhưng rồi cũng không làm được...” Nhà giáo Lê Công Cơ bỏ lửng câu nói...Mắt ông đỏ hoe...Dương như cái ngày mùa đông năm ấy đang tràn về ngập đầy trong tâm khảm của ông.
Đến ngôi trường cho 15 ngàn sinh viên
Cũng như những ĐH tư thục khác, ĐH Duy tân đã hoạt động suốt 6 năm theo quy chế tạm thời. Cho mãi đến tháng 7-2000, lần đầu tiên Chính phủ mới ban hành quy chế chính thức. Trong bối cảnh mọi điều còn phải rụt rè, thận trọng trong triển khai, ông và các sáng lập viên đã sử dụng những kinh nghiệm có được từ khi liên kết (với các trường ở TP.HCM, Hà Nội) mở các trung tâm đào tạo ngoại ngữ để tổ chức và điều hành, giải quyết từng công việc ở một trường ĐH trong giai đoạn hình thành. Ông và các cộng sự ý thức rất sâu sắc cái tên Duy Tân. Thật ra ban dầu, tên trường là ĐH Miền Trung. Nhưng ý kiến từ cấp trên bảo rằng một trường ở địa phương không nên đại diện cho cả vùng. Mọi người đã nghĩ mãi không ra cái tên gì cho phù hợp. Cho đến một hôm, chính người bạn đời của ông gợi ý : miền Trung nổi tiếng với phong trào Duy Tân, sao không đặt tên đó cho trường. Ông nghĩ thêm: Đảng đang chủ xướng công cuộc đổi mới. Xưa Duy tân. Nay cũng Duy Tân. Vậy là quyết định chọn Duy Tân. Mà đã “Tân” thì mọi điều đều mới mẻ, khó chấp nhận, khó trong cách làm. Trong đó, cái khó nhất là tìm đồng vốn xây trường, xây lớp cho đàng hoàng, để SV vào học trường tư không mặc cảm với cơ ngơi của trường công. Tự thân ông đứng mũi chịu sào đi huy động bạn bè. Tin ông, thương ông bôn ba xoay xở cho chuyện làm giáo dục, có người đưa cho ông mượn đến 3 tỷ đồng ở thời điểm 1 lượng vàng chỉ có 3,5 triệu đồng.
Thấm thoát đã 15 năm.
Ngày đầu thành lập, ĐH Duy Tân được phép tuyển sinh 500 chỉ tiêu (dù lúc đó khả năng đào tạo của trường đáp ứng được cho 1.000 chỉ tiêu). Nhưng đến nay, năm học 2009, trường đang thực hiện đào tạo cho 15.000 SV các bậc-các hệ. Tôi hỏi ông có hay không bí quyết riêng của thương hiệu Duy Tân. Ông chỉ cười: Mình quan niệm làm giáo dục là làm cho cái chung, cho đại sự. Mình nhớ mãi một câu nói nghe được từ lúc còn là học sinh “Một nước có nền giáo dục mạnh-Nước đó là nước mạnh”. Mình gắng góp một chút sức của mình vào nền giáo dục Việt Nam. Chẳng có bí quyết gì đâu. ĐH Duy Tân có được như hôm nay là nhờ toàn trường hành động theo mấy phương châm đơn giản sau : Trí tuệ-Tâm huyết-Nghiêm túc-Đồng cảm-Chia sẻ. Nhưng thật ra “nội lực” của Duy tân cũng chỉ giải quyết được 40% vấn đề mà thôi. Yếu tố ngoại lực, sự hợp tác trợ giúp, sự cảm thông, tin tưởng và ủng hộ từ bên ngoài đã cho 60% nguồn lực còn lại. Tôi nói chân thành, tận đáy lòng mình, không ngoại giao mát lòng đâu !”.
Nhớ về một thế hệ “những người đi tới” đã ngã xuống, nhớ về những ngày đầu mở trường, mở lớp với biết bao gian nan, ông bảo ông còn nợ cuộc đời này nhiều lắm. Nhưng món nợ lớn nhất khiến ông day dứt mãi đó là những “sản phẩm con người” từ chính “lò đào tạo” Duy Tân này vẫn chưa như mong đợi của ông và các thế hệ quản lý. Ông bảo, cái thực dụng, sản phẩm chỉ “sử dụng liền” vẫn nhiều hơn những cử nhân, kỹ sư... có trí tuệ và nhân cách. Lắm lúc ông đã nghĩ điều đó đôi khi chỉ dừng lại là một hoài bão mà cuộc đời mình hằng ấp ủ…
(Trần Ngọc-Tạp chí Thế giới mới)