Nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng, sáng ngày 05/09/2009, tại Hội trường K7/25 Quang Trung, Đại học Duy Tân phối hợp với sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị khoa học với chuyên đề “Bảo vệ tài nguyên nước tại thành phố Đà Nẵng”.
Hội nghị đã thu hút nhiều nhà khoa học đến từ sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng, sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Nam, các giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại các Viện, các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cùng đông đảo các giảng viên, sinh viên đến từ khoa Môi trường của Đại học Duy Tân. Chủ trì hội nghị gồm ông Lê Công Cơ-Quyền hiệu trưởng Đại học Duy Tân và ông Nguyễn Điểu-Giám đốc sở Tài nguyên môi trường TP. Đà Nẵng.
Toàn cảnh hội nghị
Khai mạc hội nghị, ông Trần Văn Minh-chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có bài phát biểu định hướng. Theo ông Minh, vấn đề ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề cấp thiết tại thành phố Đà Nẵng. Thông qua hội nghị, ông Minh mong muốn các nhà khoa học đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Đồng thời, ông Minh cũng đề nghị: “các trường đại học cũng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề môi trường, đồng thời cần tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu về môi trường hơn nữa để góp phần vào công cuộc phát triển Kinh tế-Xã hội tại Đà Nẵng trong thời gian đến”.
Ông Trần Văn Minh-Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu
Theo Ban Tổ Chức, có trên 20 tham luận đã được gửi đến hội nghị. Có 6 tham luận thiết thực đã được trình bày trực tiếp. Đáng chú ý là tham luận “Một số thách thức thành phố Đà Nẵng đang và sẽ đối đầu trong thời gian sắp đến” của GS.TS Nguyễn Thế Hùng (Đại học Đà Nẵng). Theo GS. Hùng “Việc mở rộng các khu công nghiệp, việc khai thác vàng và sa khoáng trái phép trên thượng nguồn, cùng với việc san lấp mặt bằng để xây dựng các khu du lịch, giải trí chưa hợp lí sẽ khiến môi trường bị hủy hoại dẫn đến lũ lụt, ngập úng, xói mòn, ô nhiễm nguồn nước và sự xâm thực của biển đến thành phố. Đó sẽ là những thách thức chúng ta phải đối mặt trong thời gian sắp tới”. Một số tham luận khác như “Vấn đề nước thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và giải pháp xử lí” của TS. Huỳnh Ngọc Thạch (Nguyên PTGĐ công ty Phát triển đầu tư và tư vấn công nghệ TP. Đà Nẵng), tham luận “Đặc điểm nước ngầm khu vực thành phố Đà Nẵng vấn đề khai thác sử dụng và quản lí tài nguyên nước ngầm” của TS. Đỗ Văn Bình (Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội)… đã trình bày thực trạng về nguồn nước tại Đà Nẵng hiện nay, đồng thời trình bày các giải pháp mang tính khả thi góp phần xử lí, bảo vệ sự ổn định của nguồn nước tại TP.Đà Nẵng, tạo tiền đề để phát triển một cách bền vững cho thành phố trong tương lai.
Kết thúc hội nghị, những ý kiến trình bày đã được ghi nhận. Thay mặt Đại học Duy Tân, ông Lê Công Cơ phát biểu: “Muốn xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường thì trước hết mỗi đơn vị phải trở thành một đơn vị “môi trường”. Đại học Duy Tân sẽ phấn đấu trở thành Đại học môi trường, phấn đấu mỗi thành viên của Đại học Duy Tân sẽ trở thành một tuyên truyền viên về môi trường”. Cũng tại hội nghị, ông Lê Công Cơ đã cam kết trong thời gian đến Đại học Duy Tân sẽ thành lập đội xung kích làm sạch bờ biển Đà Nẵng, sẽ đóng một chiếc tàu tham gia công tác làm sạch sông Hàn và sẽ tiến hành một số đề nghiên cứu góp phần vào bảo vệ môi trường tại TP. Đà Nẵng.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Tổ chức hội nghị là một trong những cách thể hiện sự quan tâm của Đại học Duy Tân đối với thành phố nơi nhà trường “đứng chân”. Đồng thời, với những cam kết của mình, Đại học Duy Tân mong muốn sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng ngày càng Xanh-Sạch-Đẹp hơn và sẽ trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020.
(Truyền Thông)