English

Đại học

Đào tạo theo học chế tín chỉ: Những thành quả ban đầu

Nhằm tăng tính liên thông của hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) nước ta và hội nhập với GDĐH thế giới, trong những năm gần đây Nhà nước đã đưa ra chủ trương mở rộng áp dụng học chế tín chỉ (TC) trong hệ thống GDĐH nước ta. Trong “Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001-2010” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 47/2001/QĐ-TTg có nêu: Các trường cần “thực hiện quy trình đào tạo linh hoạt, từng bước chuyển việc tổ chức quy trình đào tạo theo niên chế sang học chế TC”. Trong “Báo cáo về Tình hình Giáo dục” của Chính phủ trước kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm 2004 lại khẳng định mạnh mẽ hơn: “Chỉ đạo đẩy nhanh việc mở rộng học chế TC ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề ngay từ năm học 2005-2006, phấn đấu để đến năm 2010 hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều áp dụng hình thức tổ chức đào tạo này”.
 
 

Nắm bắt xu thế đó, từ năm học 2006-2007 trường Đại học Duy Tân đã tiến hành triển khai chương trình đào tạo theo học chế tiến chỉ. Sau ba năm áp dụng đào tạo theo học chế tín chỉ. Đến nay, nhà trường đã đạt được những thành quả ấn tượng trong việc áp dụng một cơ chế đào tạo còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Những thành quả ban đầu:

Hiện nay trường Đại học Duy Tân đã áp dụng chương trình đào tạo theo học chế tiến chỉ ở tất cả các ngành học. Theo đó đơn vị đo lường được tính theo tín chỉ với định mức khối lượng 130 tín chỉ cho hệ cử nhân và 170 cho hệ kĩ sư. Những thủ tục đăng ký, kiểm tra, giới thiệu các môn học… được nhà trường thông báo đầy đủ cho sinh viên. Về cách thiết kế học phần (HP), ở Đại học Duy Tân 1 HP được thiết kế thành từ 2 đến 3 tín chỉ tùy thuộc vào khối lượng học phần. Đối với điều kiện dạy và học, đây được coi là một trong những vấn đề khó khăn nhất khi các trường áp dụng chương trình đào tạo theo cơ chế tín chỉ. Tuy nhiên, đây có thể coi là điểm mạnh của trường Đại học Duy Tân. hiện nay hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư bài bản với các phòng ốc rộng rãi, thoáng mát, hiện đại, đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ sức đáp ứng nhu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ. Trong thời gian tới nhà trường sẽ tổ chức cho sinh viên đăng ký học phần vào đầu học kỳ. Sinh viên có thể tùy ý lựa chọn các học phần và mỗi kỳ được đăng ký từ 16-20 TC, (trong đó chỉ thu học phí 16 tín chỉ, đăng ký trên 16 TC, sinh viên sẽ được học miễn phí), sau đó nhà trường xử lý sơ bộ kết quả đăng ký và cho đăng ký lại nếu một số môn học không đủ chỗ hoặc thiếu số SV tối thiểu được quy định (quy định tối thiểu 80 SV đối với các môn học cơ sở, 40 SV đối với các môn học của nhóm ngành đào tạo, 30 SV đối với các môn học của ngành đào tạo). Việc tổ chức đăng ký sẽ không được thực hiện ở học kỳ 1 hay cả năm thứ nhất vì chương trình đào tạo bao gồm hầu hết các môn bắt buộc, đồng thời việc không tổ chức đăng ký cho SV năm thứ nhất cũng tạo nên các lớp khóa học ổn định trong năm đầu, thuận lợi cho các tổ chức hoạt động khác của SV.

Vấn đề cho sinh viên tự chọn giảng viên sẽ được nhà trường triển khai vào thời gian tới. Về việc chuyển tiếp tín chỉ, hiện nay sinh viên Duy Tân có thể học một thời gian ở Đại học Duy Tân sau đó có thể chuyển tiếp sang các trường khác ở Mỹ, Thái Lan, Singapore… hiện một số chương trình liên kết với các trường đạo học nước ngoài theo phương thức học 2/3 thời gian tại Duy Tân và 1/3 ở nước ngoài đang được nhà trường triển khai rất hiệu quả, thu hút nhiều sinh viên tham gia. Công tác tổ chức chấm bài, công nghệ đăng ký học phần, hệ thống cố vấn học tập… được nhà trường tổ chức theo đúng quy định về đào tạo theo học chế tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, sau ba năm thực hiện chuyển đổi, chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ ở Duy Tân đã đạt được những kết quả nhất định, tạo nên sự mềm dẻo của quy trình đào tạo, kết hợp một cách logic với việc phát triển và hiện đại hóa chương trình đào tạo, bao gồm việc đổi mới mục tiêu, nội dung đào tạo và đặc biệt là phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Với cách đào tạo này, sinh viên Duy Tân có thể rút ngắn thời gian học đại học xuống tối thiểu còn hai năm rưỡi, tối đa lên tới sáu năm. Các bạn có thể học một lúc nhiều bằng, nhiều ngành khác nhau, tự chọn các môn học mà mình yêu thích và có thể chuyển sang học tập tại bất kỳ trường nào ở Việt Nam và trên thế giới. Điều này giúp các bạn sinh viên chủ động thời gian, tiết kiệm chi phí, tăng tính độc lập, đảm bảo sự liên thông dễ dàng trong quá trình học tập. Đồng thời cũng là sự chuẩn bị của nhà trường trong chiến lược đưa sinh viên Duy Tân hội nhập với khu vực và trên thế giới.

(Truyền Thông)