Sáng ngày 30/11/2023, Chương trình ra mắt Sách “Từ tinh thần nhân văn đến trường đại học hạnh phúc” đã được tổ chức tại Đại học Duy Tân, số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tham dự có đông đảo khách mời, cán bộ giảng viên và sinh viên đến từ nhiều trường thành viên của Đại học Duy Tân.
Dù rất bận rộn với công tác lãnh đạo, quản trị và điều hành Đại học Duy Tân nhưng Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ luôn tranh thủ thời gian để thực hiện ước mơ của mình là quyết tâm xây dựng tủ sách truyền thống của nhà trường.
Sau gần 2 năm từ việc hình thành ý tưởng, chuẩn bị bản thảo đến hoàn thiện và xuất bản,
tác phẩm: “Từ tinh thần nhân văn đến trường đại học hạnh phúc” đã chính thức ra mắt bạn đọc
Ngoài hai tập hồi kí: “Năm tháng dâng người” (2006); “Năm tháng tình người” (2015), thì những tác phẩm tiếp theo của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú cùng với một số tác giả được viết ra bằng chính trái tim mình đã đọng lại một tình cảm thiết tha với quê hương, đất nước, thể hiện tinh thần yêu nước và khát vọng phụng sự dân tộc. Các tác phẩm đã xuất bản như:
- Giấc mơ Duy Tân, xuất bản năm 2015;
- Người của một thời, xuất bản năm 2015;
- Mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học tại khu vực miền Trung Việt Nam, xuất bản năm 2018;
- Một số vấn đề phát triển nông nghiệp - nông thôn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xuất bản năm 2019;
- Từ một mái trường, xuất bản năm 2020;
- Sáng tạo để Canh tân , xuất bản năm 2021;
- Huế, những tháng năm sống mãi, xuất bản năm 2023.
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ ký tặng sách cho cán bộ, giảng viên của Đại học Duy Tân
Sau gần 2 năm từ việc hình thành ý tưởng, chuẩn bị bản thảo đến hoàn thiện và xuất bản, tác phẩm: “Từ tinh thần nhân văn đến trường đại học hạnh phúc” của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành vào tháng 11/2023 và chính thức được ra mắt bạn đọc trong buổi sáng ngày 30/11/2023.
Là người trực tiếp phụ trách việc biên tập cuốn sách này, nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ chia sẻ: “Đọc cuốn sách ‘Từ tinh thần nhân văn đến trường đại học hạnh phúc’, thú thật là tôi khá ngỡ ngàng.
Ngỡ ngàng trước hết vì không ngờ anh Lê Phương Thảo của thời chiến tranh - một ‘con người hành động’ và anh Lê Công Cơ - cũng là con người hành động - sau khi đất nước thống nhất, đã từ bỏ tất cả để quyết tâm cống hiến phần đời còn lại cho những hoạt động giáo dục; để rồi, từ một Trung tâm dạy ngoại ngữ ban đầu, xây dựng nên một Trường Đại học uy tín như Đại học Duy Tân ngày nay. ‘Con người hành động’ chẳng xa lạ gì ấy, lại được chính cuộc sống trui rèn, để sớm trở thành ‘con người tư tưởng’ của thời kỳ xây dựng với những suy nghĩ sâu sắc đến thế về văn hóa dân tộc.
... Một Đại học Hạnh phúc trên quê hương chúng ta, sẽ là niềm ước ao, là khát vọng của tất cả chúng ta và của cả thế hệ trẻ hôm nay.”
Là người trực tiếp phụ trách việc biên tập tác phẩm,
nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ có nhiều chia sẻ thú vị tại buổi ra mắt sách
Cuốn sách “Từ tinh thần nhân văn đến trường đại học hạnh phúc” của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ được chia thành 7 chương gắn với nhiều nội dung sâu sắc khi bàn về giá trị nhân văn của văn hóa Việt Nam cùng nhiều trang viết đầy tâm huyết thể hiện nhiều quan điểm, nhận định, suy tưởng,... của tác giả về trường đại học hạnh phúc.
Trong tác phẩm này, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ có chia sẻ: “Đối với một trường đại học, cốt lõi của hạnh phúc là vừa bảo tồn những giá trị tinh hoa của quá khứ vừa sáng tạo ra những giá trị mới, những sản phẩm mới để làm phong phú cho đời sống vật chất và tinh thần. Đặc biệt là đào tạo ra những con người thành người có văn hóa, có hiểu biết, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một xã hội công bằng, bác ái. Nền văn minh cao nhất phải tạo được những người vợ, người chồng, người cha, người mẹ tốt nhất, làm cho đời sống sung sướng nhất.
Với tất cả những ý niệm trên thì Đại học, bản thân nó phải là một môi trường hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc không đương nhiên mà có. Đại học đúng nghĩa yêu cầu tất cả những chủ thể của nó phải đồng thuận, phải nỗ lực tối đa để mỗi người dạy phải là mỗi con người hiếu tri thực sự thông qua giảng dạy, nghiên cứu và trau dồi đạo đức. Như thế, Đại học mới có năng lực thực sự để tạo ra những con người có năng lực chuyên môn, khoa học và đạo đức. Làm được như thế, môi trường đại học mới thực sự là môi trường hạnh phúc.
Và đó chính là khát vọng cháy bỏng của Đại học Duy Tân.”
Nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ chia sẻ thêm tại chương trình Ra mắt Sách “Từ tinh thần nhân văn đến trường đại học hạnh phúc”: “Suy cho cùng thì trong cuộc đời chúng ta có 2 câu hỏi quan trọng: câu hỏi thứ nhất là ‘chúng ta có thực sự tìm thấy niềm vui hay không?’ và câu hỏi thứ hai là ‘chúng ta có mang lại niềm vui cho người khác hay không?’. Tôi nghĩ Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ đã có câu trả lời cho hai câu hỏi đó bởi ông đã vừa tìm thấy niềm vui trong cuộc đời và đã mang lại niềm vui cho người khác. Xin chúc mừng nhân dịp ra mắt sách ‘Từ tinh thần nhân văn đến trường đại học hạnh phúc”...”
(Truyền Thông)