Chiều ngày 26/9/2019, Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật giữa các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Yecheon Tongmyeong Nongyo Conservation Association, Hàn Quốc và sinh viên Đại học Duy Tân đã được tổ chức tại số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Những vũ điệu truyền thống của người nông dân ở Tongmyeong được biểu diễn trên nền nhạc dân gian với những nhạc cụ cổ truyền đã để lại nhiều cảm xúc cho các khán giả.
24 nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Yecheon Tongmyeong Nongyo Conservation Association đã
mang tinh thần lạc quan của người nông dân Hàn Quốc vào trong tiết mục biểu diễn
Phát biểu tại Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật, GS. TS. Lim Sang Taek - Viện trưởng Viện Đào tạo & Nghiên cứu Du lịch của Đại học Duy Tân cho biết: “Hôm nay, Đại học Duy Tân rất vui mừng chào đón đoàn diễn nghệ thuật truyền thống Yecheon Tongmyeong Nongyo Conservation Association đến từ Hàn Quốc. Các nghệ sĩ trong Đoàn đã mang đến đây các tiết mục biểu diễn thuộc loại hình nông nhạc truyền thống Hàn Quốc - vốn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hi vọng rằng buổi biểu diễn ngày hôm nay sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc và là bước khởi đầu cho những hợp tác lâu dài của chúng ta trong tương lai.”
Mở đầu chương trình giao lưu là tiết mục múa “Phố Hội” mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam do Trung tâm Văn Thể Mỹ của Đại học Duy Tân trình diễn. Tiết mục được dàn dựng công phu bởi sự kết hợp hài hòa giữa những vũ điệu truyền thống trên nền nhạc dân gian đương đại mang lại cho người xem những cảm xúc khó quên về dấu ấn văn hóa Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng.
Các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật của Hàn Quốc chụp hình lưu niệm
cùng cán bộ, giảng viên của Đại học Duy Tân
Tiếp theo đó, sự xuất hiện của 24 nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Yecheon Tongmyeong Nongyo Conservation Association cùng thanh âm rộn rã của các nhạc cụ như khơi dậy nguồn năng lượng lạc quan, niềm tự hào dân tộc của người Hàn Quốc và khiến không khí của buổi giao lưu trở nên sôi động và thu hút hơn bao giờ hết.
Mang âm hưởng và hơi thở của dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, nông nhạc của Hàn Quốc trước đây chính là nguồn cảm hứng tích cực luôn đồng hành trong cuộc sống và sinh hoạt của người nông dân xứ sở kimchi không chỉ trong những dịp cúng lễ, cầu chúc vận may mà còn xuất hiện để khuấy động bầu không khí, tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng. 24 nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc đã chuẩn bị hết sức chu đáo trang phục, các dụng cụ biểu diễn cùng với những điệu nhảy vui nhộn tái hiện lại khung cảnh lao động hăng say, nhịp nhàng của những người nông dân trên đất nước mình từ giai đoạn gieo hạt cho đến lúc thu hoạch qua các phần: Aburaeisuna (Bài hát trồng lúa), Dowumso (Hát khi rời cánh đồng lúa sau khi lúa đã được trồng), Aaehangeheh (Hát trong khi nhổ cỏ), Aeiyong (Hát sau khi cánh đồng lúa được nhổ cỏ), Gaengmakungkingnosae (Hát khi nông dân trở về nhà). Sự hòa quyện của những tiếng hát vui tươi trong âm thanh rộn rã của các nông cụ như món quà tinh thần quý giá giúp xua tan những vất vả, nhọc nhằn của người dân lao động Hàn Quốc trước đây.
Được biết, các bài hát của những người nông dân ở vùng Tongmyeong (Hàn Quốc) từng được hát bởi rất nhiều cư dân địa phương trước khi biến mất dần vào những năm 1950. Các bài hát này đã được hồi sinh hoàn toàn vào năm 1974 bởi Ham Bong-jun, Gang Won-hui và những người khác. Các bài hát được trình diễn lần đầu tiên tại Lễ hội văn hoá Yecheon vào năm 1974 và được nhận giải thưởng của Tổng thống Hàn Quốc tại Cuộc thi Nghệ thuật dân gian quốc gia lần thứ 20 năm 1979.
Điều đáng nói là hầu hết các nghệ sĩ trong Đoàn đều đã lớn tuổi, thậm chí có người đã bước qua tuổi 80 nhưng những động tác múa khỏe khoắn, những tiếng ca hào sảng của các nghệ sỹ vẫn được thể hiện vô cùng tự nhiên và nhuần nhị. Các diễn viên múa “kiêm nhạc công” di chuyển linh hoạt theo tiết tấu nhanh chậm của giai điệu tạo ra bầu không khí sôi động, khiến người xem như muốn nhún nhảy theo và vỗ tay tán thưởng.
24 nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Yecheon Tongmyeong Nongyo Conservation Association đã gửi gắm trọn vẹn tinh thần lạc quan, sức sống bền bỉ, tích cực của những nông dân Hàn Quốc vào trong tiết mục biểu diễn. Đây chính là minh chứng cho việc những di sản văn hóa có giá trị sẽ không “ngủ yên” trong quá khứ và mãi trường tồn qua thời gian.
(Truyền Thông)