English

Giấc mơ Duy Tân

Đại học Duy Tân ra mắt phim Tài liệu Lịch sử “Những cánh én đầu tiên”

Trận chiến trên không tại cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa năm 1965 của Không quân Việt Nam đã được tái hiện đầy hào hùng, sống động qua những thước phim tài liệu “Những cánh én đầu tiên” thuộc series “Không chiến Việt Nam”. Đây là một trong những dự án nhân văn, phi lợi nhuận của Xưởng phim Én Bạc (Silver Swallows Studio) trực thuộc Đại học Duy Tân vừa được khởi chiếu vào ngày 26/4/2019 tại Rạp CGV - Tầng 4, Vincom Plaza, số 910A Ngô Quyền, Đà Nẵng. Dự án này không chỉ ghi lại trận chiến lịch sử của các chiến sĩ không quân đầy quả cảm mà còn mang đến cho thế hệ trẻ một góc nhìn mới về lịch sử Việt Nam. 
 
Đại học Duy Tân ra mắt phim Tài liệu Lịch sử “Những cánh én đầu tiên”
Họp báo ra mắt phim "Những cánh én đầu tiên"
 
Ấn tượng khó phai về Không quân Việt Nam
 
Phim tài liệu “Những cánh én đầu tiên” đã mô phỏng lại trận chiến ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân (Quân đội Nhân dân Việt Nam) với lực lượng Không quân và Không quân Hải quân Mỹ ngay tại cầu Hàm Rồng - cây cầu huyết mạch trên tuyến chi viện Bắc Nam. Biên đội tiêm kích ngày ấy gồm:
 
- Phi công Trần Hanh, số 1 với máy bay số hiệu 2316.
- Phi công Phạm Giấy, số 2 với máy bay số hiệu 2410.
- Phi công Lê Minh Huân, số 3 với máy bay số hiệu 2412.
- Phi công Trần Nguyên Năm, số 4 với máy bay số hiệu 2416.
 
Bộ phim được chia thành hai mảng: mảng thứ nhất là lời kể chân thực từ những nhân chứng sống; mảng thứ hai là bản phim ngắn tái hiện sự giao tranh ác liệt dựa trên công nghệ mô phỏng 3D.
 
Những thước phim đầu tiên là lời thuật lại trận chiến trên không giữa máy bay MiG-17 (Quân đội Việt Nam) và F-100D, F-105 (Quân đội Mỹ) của Trung tướng Trần Hanh - Biên đội trưởng 4/4/1965; Cơ trưởng Nguyễn Nam Liêm; Thiếu tá Nguyễn Thành Chơn; Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; và Đại tá Lữ Thông - Phi công, Giảng viên dạy MiG-17. Khi nhận được hiệu lệnh xuất kích, từ sân bay Nội Bài, biên đội đã bay theo địa hình, dọc theo đường số 1 xuống phía Nam, qua Phủ Lý, đến gần cầu Đò Lèn thì tách ra bên trái, đi ra hướng biển. Khi bay đến khu vực chiến đấu, biên đội bất ngờ vọt cao, chiếm độ cao có lợi trước khi lao vào công kích. Biên đội trưởng Trần Hanh báo cáo phát hiện tốp F-105 mang bom chuẩn bị tấn công cầu Hàm Rồng và đã triển khai đội hình tiến công ngay sau đó. Trận không chiến diễn ra trong chớp mắt. Dù có ưu thế hơn về mặt kích thước và kỹ thuật, hai máy bay cường kích F-105 của Mỹ vẫn bị biên đội MiG-17 hạ gục.
 
Trong trận chiến đấu tiếp theo với biên đội F-100D hộ tống cho F-105, phi công Lê Minh Huân bị rơi gần biển Sầm Sơn. Hai chiếc máy bay còn lại do phi công Phạm Giấy và Trần Nguyên Năm điểu khiển bị rơi trong những tình huống không xác định. Riêng phi công Trần Hanh đã cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của máy bay F-100D và do hết dầu cùng với hỏng la bàn nên phải hạ cánh xuống con suối cạn thuộc bản Kẻ Tằm, huyện Quỳnh Châu, tỉnh Nghệ An. Kết thúc trận chiến khốc liệt ngày hôm ấy, người con của Quảng Bình, Nghệ An và Thanh Hóa đã ra đi mãi mãi. Phi công Phạm Giấy, Trần Nguyên Năm và Lê Minh Huân - những cái tên đã làm nên lịch sử, các anh hy sinh để bảo vệ vùng trời được bình yên.
 
Hành trình tái hiện lịch sử bằng cảnh quay 3D
 
Silver Swallows Studios (Xưởng phim Én Bạc) đã mô phỏng trận chiến bằng những cảnh quay 3D đẹp mắt, kết hợp với âm thanh đầy sống động. Để làm được điều đó, cả đội ngũ phải mất quãng thời gian 5 năm với nhiều vất vả để tìm hiểu cặn kẽ về lịch sử, quy tụ đội ngũ kỹ thuật giỏi,… để làm những thước phim thật đặc biệt tái hiện lịch sử Việt Nam. 
 
Đại học Duy Tân ra mắt phim Tài liệu Lịch sử “Những cánh én đầu tiên”
 TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân trả lời câu hỏi tại buổi họp báo
 
Nói đến lý do thực hiện bộ phim này, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, Đạo diễn phim “Những cánh én đầu tiên” chia sẻ: “Trong những năm du học tại Mỹ, khi xem phim 3D nói về những trận không chiến của Quân đội Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, chỉ thấy diễn tả những tình huống Không quân Mỹ bắn rơi máy bay của Không quân Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc trong anh trỗi dậy. Từ đó, tự ái dân tộc trong mình trỗi dậy và tôi nghĩ, tôi có thể làm được những thước phim 3D tái hiện lại chiến thắng hào hùng của Không quân (Quân đội Nhân dân Việt Nam). Và cuối cùng, sau bao năm ấp ủ, ‘Những cánh én đầu tiên’ đã ra đời. Dự án này không nhằm bất kỳ mục đích chính trị nào khác mà xưởng phim Én Bạc nói riêng và Đại học Duy Tân nói chung muốn mang đến cho thế hệ trẻ câu chuyện về ý chí, lòng quả cảm, tinh thần anh dũng của những người lính Không quân (Quân đội Nhân dân Việt Nam). Nhóm làm phim luôn ước nguyện góp phần bé nhỏ để giúp thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi tự hào và trân trọng những phút giây, những trang sử hào hùng của dân tộc.
 
Chia sẻ về quá trình hình thành những thước phim sống động và đẹp mắt, Thái Bảo Long - Biên tập kiêm Quay phim bày tỏ: “Bằng tất cả sự tâm huyết, đội ngũ của Silver Swallows Studio đã chắt lọc từng sự kiện và khung hình để tái hiện lại những khoảnh khắc giao tranh ác liệt giữa Không quân (Quân đội Nhân dân Việt Nam) và Không quân, Không quân hải quân Mỹ. Bước đầu, chúng tôi lên ý tưởng dự án và tiến đến xây dựng nội dung kịch bản. Tuy nhiên, chúng tôi phải sàng lọc các dữ liệu lịch sử thật kỹ càng để đảm bảo tính chính xác và chân thực nhất. Tiếp đến, sẽ có 2 khâu song song đó là quay phỏng vấn các cựu phi công, sử gia, nhà nghiên cứu để tiếp thêm thông tin nhằm giúp phần kịch bản hoàn thiện hơn. Và khâu dựng mô hình 3D các loại máy bay, vẽ các cảnh 3D, quay diễn viên vào vai các phi công. Cuối cùng, tổng hợp tất cả các tư liệu, cảnh quay, cùng sự kết hợp giữa 3Ds max để tạo hình và diễn hoạ bằng Maya để cho ra đời ‘đứa con tinh thần’ là ‘Những cánh én đầu tiên’.” 
 
Lắng đọng cảm xúc qua những thước phim không chiến
 
Trong ngày khởi chiếu đầu tiên tại Đà Nẵng, bộ phim đã thu hút được rất đông sự quan tâm, theo dõi của khán giả. Các phi công trẻ trên những chiếc MiG-17 đã để lại ấn tượng khó quên trong trận chiến giáp mặt với máy bay Mỹ. Nhưng chiến thắng nào cũng phải trả giá bằng máu, bằng sự hy sinh của những người anh là Phạm Giấy, Trần Nguyên Năm và Lê Minh Huân. “Những cánh én đầu tiên” đã lấy đi không ít nước mắt và sự thán phục của đông đảo người xem. 
 
Chia sẻ cảm xúc sau khi xem xong bộ phim này, anh Hoàng Nghĩa Trung (công tác tại Trung đoàn 929, Sư đoàn Không quân 372) bày tỏ: “Đây là một bộ phim rất hay và ý nghĩa, từ đó, mọi người có thể thấy được tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của Không quân (Quân đội Nhân dân Việt Nam) nói riêng và quân đội ta nói chung. Tôi cảm thấy rất tự hào về những chiến công anh dũng của thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, tôi cũng tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng phấn đấu hơn nữa để góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời thiêng liêng của Tổ Quốc.” 
 
Đại học Duy Tân ra mắt phim Tài liệu Lịch sử “Những cánh én đầu tiên”
Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải - Hàng không Hải Âu bày tỏ cảm xúc về bộ phim
 
Tham dự buổi họp báo ra mắt phim, Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải - Hàng không Hải Âu chia sẻ: “Trước hết cho tôi gửi lời cảm ơn đến Đại học Duy Tân đã mang tới những thước phim thật sự quá tuyệt vời. Phải nói rằng nếu như chiến thắng ngày 3 - 4/4/1965 là tượng đài đầu tiên của Không quân (Quân đội Nhân dân Việt Nam) thì bộ phim ‘Những cánh én đầu tiên’ sẽ là tượng đài thứ 2 trong lịch sử điện ảnh về Hàng không. Tôi cũng là một phi công nên tôi thấu hiểu được sứ mệnh cao cả và những mất mát hy sinh mà người lính không quân đã trải qua. Quả thực, tôi rất xúc động về bộ phim này.
 
“Những cánh én đầu tiên” sẽ góp phần lưu giữ những ký ức không thể nào quên về chiến thắng lẫy lừng ngày 4/4/1965. Và mỗi lần lật lại từng trang sử, mỗi lần lắng lại bên những thước phim lịch sử đầy hào hùng sẽ là một lần gợi nhắc cho thế hệ trẻ mai sau về tinh thần quả cảm của những người lính và lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh.
 
(Truyền Thông)