English

Thể Thao - Văn hóa

Ôn lại kỷ niệm trong ngày gặp mặt truyền thống B14 và Phong trào Đô thị Huế

Chiến tranh đã chìm sâu vào dĩ vãng, những tưởng hạt bụi thời gian sẽ phủ dày lên ký ức của một thời đạn bom đau thương hay những năm tháng chiến đấu gian lao, khổ cực. Nhưng rồi, buổi Gặp mặt truyền thống B14 và Phong trào Đô thị Huế diễn ra vào ngày 24/3/2019 là dịp để những người đồng chí, đồng đội năm xưa cùng nhau hội ngộ, chiêm nghiệm về những mất mát, hy sinh và ôn lại kỷ niệm về một thời chiến đấu vẻ vang, anh dũng.
 
Nhà giáo Ưu tú - Anh hùng Lao động Lê Công Cơ chia sẻ cảm xúc
trong buổi gặp mặt
 
Sau 44 năm giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2019), những vết tích do chiến tranh để lại, những trận đánh ác liệt và các sự kiện lẫy lừng của Phong trào Đô thị Huế dường như vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của người chiến sĩ cách mạng B14. Khoảng thời gian cách xa mấy chục năm, nay lại gần trong gang tấc, bao nước mắt hòa lẫn với nụ cười rạng rỡ, bao nguồn cảm xúc trào dâng không nói lên thành lời mà thay vào đó là những cái ôm siết chặt, những cái nắm tay không rời. Giờ đây, họ mới có dịp cùng nhau tề tựu và tưởng nhớ về những người đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường, về những gian lao, cùng cực trong cuộc đấu tranh chống Đế quốc Mỹ giữa lòng Đô thị Huế. 
 
Trong không khí ấm cúng và thân mật của ngày Gặp mặt, Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Duy Tân chia sẻ: “Mỗi lần nhắc về Huế là tôi lại nghĩ về những năm tháng ở chiến trường Thừa Thiên, nghĩ về những đồng đội đã chiến đấu và hy sinh. 44 năm đi qua, đủ để chúng ta chiêm nghiệm về cuộc sống, đặt biệt là về tình người. Trong chiến tranh, chúng ta luôn kề vai sát cánh nhưng hòa bình lặp lại thì mỗi người mỗi ngã. Nhưng điều mà tôi luôn luôn suy nghĩ, đó là sự thủy chung. Dù giàu sang hay địa vị cao quý thì cuối cùng chúng ta cũng phải đi về thế giới bên kia. Chính vì như vậy, với tôi, còn sống là còn làm việc, sống có ích ngày nào là mình cảm thấy hạnh phúc ngày đó. Sau khi giải phóng trở về, bằng mồ hôi và sức lao động để tạo ra cơ ngơi, tôi xây dựng Đại học Duy Tân và mở ra phong trào xã hội hóa giáo dục. Tôi trưởng thành từ cái nôi cách mạng nên mọi cống hiến trong thời chiến lẫn thời bình đều vì Đảng, vì dân. Cả cuộc đời này, tôi nguyện san sẻ mọi nỗi lo của nhân dân và phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn.”
 
Ôn lại kỷ niệm trong ngày gặp mặt truyền thống B14 và Phong trào Đô thị Huế
Cô Cao Thị Lợi (áo dài đỏ) với tâm hồn vẫn còn tươi trẻ cùng hòa mình
vào những làn điệu thơ
 
Hồi ức về một thời chiến đấu “vào sinh ra tử” đang được tái hiện qua các vần thơ, câu hát của những “nhà thơ”, “ca sĩ” B14 không chuyên. Mỗi tiết mục đều chất chứa niềm vui, niềm tự hào về quê hương, đất nước và cả thương nhớ khôn nguôi về những người đồng đội đã ra đi mãi mãi. Toàn thể hội trường như lắng mình theo âm nhạc, thả hồn phiêu du qua những lời thơ, câu hát. Và trong lời ngâm thơ của cô Cao Thị Lợi , nghĩa tình đồng chí năm nào vẫn còn vẹn nguyên và đong đầy:
 
“Đứng đỉnh non cao, tôi chào đất nước
Cháo Đảng quang vinh 89 tuổi
Chào đất nước 74 năm nở hoa
Chào ngày giải phóng của đô thị chúng ta
Hôm nay về với Phong trào Đô thị gặp mặt … thật là mừng vui.
Đắng cay nay đã ngọt bùi
44 năm giải phóng đất trời tự do
Bắc Nam chung một con tàu
Dựng xây đất nước sao cho đẹp giàu.
Qua rồi những nỗi khổ đau
Đoạn kết xây dựng đẹp giàu quê hương…”
 
Bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn, cuộc hội ngộ rồi cũng đến thời khắc chia tay nhưng âm hưởng về một thời khói lửa chiến tranh vẫn còn vang vọng mãi trong tâm trí những người cán bộ B14. Cuộc Gặp mặt đã giúp những người chiến sĩ cách mạng nối lại ân tình, thắt chặt tình cảm và thêm yêu thương, gắn bó với quê hương, đất nước. 
 
(Truyền Thông)