English

Thể Thao - Văn hóa

Tự tình "Trước Sông Hàn" cùng Tổ quốc, cùng Nhân dân

“Trước Sông Hàn” là chương trình giao lưu văn học vừa diễn ra đêm 18/2. Chương trình do Đại học Duy Tân và Chi hội Nhà Văn Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức, chào mừng Ngày Thơ Việt Nam.
 
Tự tình "Trước Sông Hàn" cùng Tổ quốc, cùng Nhân dân
Nhà thơ Ngân Vịnh đầy cảm xúc khi trình bày những tác phẩm được ông sáng tác lúc "tôi là người lính, có mặt ở biên giới tây nam Tổ quốc, giai đoạn khốc liệt nhất".- ảnh trong bài bài: T.Ngọc
 
Tự tình “ Trước Sông Hàn” về Tổ quốc, về Nhân dân 
 
Trong chương trình giao lưu, Nhà thơ Ngân Vịnh đã nhớ lại những ngày gian khổ, khốc liệt khi ông là người lính của Sư đoàn 309 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới tây nam, trực tiếp tham gia vào chiến dịch giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng… 
 
“Chúng tôi hành quân trong những mưa rừng xối xả, đồng đội tôi người còn chút lành lặn cõng người bị thương, vượt mưa và băng qua những con đường trơn trượt, èo dốc. Người may mắn không chịu thương tích, chỉ mong đi nhanh hơn để đồng đội mình về đến bệnh viện dã chiến giữa rừng. May ra, giữ được mạng sống cho bạn ấy, chờ đến ngày mặt trận nơi đây im tiếng súng.
 
Hết hành quân về lại cứ dưới mưa, chúng tôi lại cố chịu đựng những cơn khát khi mùa khô phương Nam đến. Những trải nghiệm đủ để chúng tôi hiểu “chết khát” diễn ra đau đớn như thế nào. Một đại đội trên đường hành quân với 42 người, lúc về đến điểm đóng quân của Sư đoàn chỉ còn đúng … 1 người. Và sau khi báo cáo với chỉ huy Sư đoàn, bản thân anh ấy đã ngã vật xuống, bất tỉnh.
 
Theo lời kể của người lính duy nhất về đến Sư đoàn, chúng tôi đi ngược lại hành trình tìm kiếm đồng đội. Anh em mình chết dọc đường nhiều lắm. Người chết khác đã phải vật vã, lăn lộn trong tuyệt vọng để tìm cho được chút nước uống “cầm hơi”. Có anh em chết trong tư thế miệng ngạp vào đất tìm chút hơi ẩm của đất cho nguôi cơn khát cháy cả cổ họng. Và người chết khác thì ai ai mắt cũng đỏ ngầu…”.
 
Nhà thơ Ngân Vịnh đã đọc hai bài thơ ông viết trong giai đoạn là người lính có mặt ở biên giới tây nam của Tổ quốc, hay tận biên giới Thái Lan, hay trên đất nước Campuchia đang dần hồi sinh khi nạn diệt chủng chấm dứt (1978-1984). Hai bài thơ của ông kể lại những cơn mưa rừng và những cơn khát mà ông và đồng đội từng chịu đựng…
 
Tự tình "Trước Sông Hàn" cùng Tổ quốc, cùng Nhân dân
Đêm Giao lưu Văn học với chủ đề “Trước Sông Hàn” có sự tham dự của Nhà thơ, Nhà văn Bùi Công Minh, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Nguyễn Đông Nhật, Bùi Xuân, Đỗ Cảnh Thìn, Nguyễn Kim Huy, Lê Anh Dũng, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Ngọc Hạnh, Bùi Tự Lực …Trong ảnh: Tại Chương trình, Nhà thơ Bùi Xuân (bên trái) tặng tuyển tập tác phẩm "Đà Nẵng, điều còn lại ..." đến lãnh đạo Đại học Duy Tân.
 
 
Nhiều bạn trẻ (là sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn Đại học Duy Tân) đã tạm thôi trò chuyện, tạm thôi làm bạn với thế giới ảo. Họ chăm chú lắng nghe âm thanh vang vọng cho đến ngày nay của một thế giới rất thật.
 
Câu chuyện của thế giới thật ấy được ngày nay gọi tên là quá khứ, là ký ức lịch sử. Lịch sử ấy được viết khi các bạn còn chưa là hình hài, chưa được sinh ra. Nhưng lịch sử ấy luôn được nhắc đến và các thế hệ mai sau – trong đó có các bạn- không được phép lãng quên. Diện mạo của một Việt Nam hôm nay có sự hun đúc và vun đắp, nuôi dưỡng từ những câu chuyện như thế trong quá khứ. Quá khứ kiến tạo những đường nét cho hiện tại và định hình không gian, kịch bản phát triển cho ngày mai một dân tộc.
   
Tạm chia tay với Nhà thơ Ngân Vịnh cùng bối cảnh biên giới tây nam, tâm hồn còn “nghẹn ngào” của người yêu thơ đến tham dự chương trình giao lưu văn học “Trước sông Hàn” được dẫn dắt ra biển xa … Nơi “Những đảo đá nhô lên từ mặt biển – Người lính hiên ngang trên cột mốc chủ quyền” qua câu chuyện (Tổ quốc là Trường Sa) được kể bằng thơ của một “tân giảng viên Đại học Duy Tân – cựu Nhà báo …”: Nhà thơ Đỗ Cảnh Thìn …
 
Đứng trước dòng sông dường như mọi cảm xúc vỡ òa, ai ai cũng muốn thốt lên cùng sông nước câu chuyện của nỗi lòng, của tâm trạng. Nói như TS Nguyễn Tấn Thắng – Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân “Không gian thơ, nội dung thơ của chương trình giao lưu đêm nay rộng mở. Chúng tôi muốn bạn thơ được nghe được kể được hỏi về những chủ đề mà thơ ca luôn tìm đến. Đó là Mùa xuân, đó là Tình yêu và miên man hơn, sâu lắng hơn là Quê hương, là Tổ quốc, là Biển là Đảo của Việt Nam và không thể thiếu hình ảnh Người lính trong thi ca”.
 
Thi ca - nhựa sống của tâm hồn, hun đúc tinh thần nhân văn cho mỗi người, cho cộng đồng
 
Nhà thơ Bùi Xuân (Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy) chia sẻ rằng, chủ đề Ngày Thơ Việt Nam năm nay chạm đến một chủ đề vừa rất đỗi thiêng liêng là “cảm hứng bất tận” là suối nguồn của dòng chảy văn học-nghệ thuật: Sông núi trên vai.
 
“Mỗi nhà thơ cất tiếng nói về trách nhiệm công dân của chính mình. Mà đã là tiếng nói công dân thì những nỗi niềm, những trăn trở thao thức về vận mệnh Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân; tình yêu thiêng liêng, nỗi lòng dành cho đất nước, quê hương, dành cho Đà Nẵng chẳng bao giờ cạn. Chương trình giao lưu hôm nay kỳ vọng góp một phần cho sự thăng hoa của hoạt động văn học – nghệ thuật của thành phố bên bờ sông Hàn” - Nhà thơ Bùi Xuân gửi gắm.
 
Tự tình "Trước Sông Hàn" cùng Tổ quốc, cùng Nhân dân
Trao tặng tuyển tập "Đà Nẵng, điều còn lại" đến Thư viện và Khoa Khoa học xã hội - Nhân văn Đại học Duy Tân. Từ trái sang: Nhà thơ Lê Anh Dũng; Cựu Nhà báo Trần Hân, đại diện Khoa Khoa học xã hội - Nhân văn và Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy.
 
Cựu Nhà báo Trần Hân (nay là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đại học Duy Tân), một trong những người chủ công trong công tác tổ chức chương trình giao lưu nhắn gửi:
 
"Như các bạn đã biết, thơ ca luôn là tiếng nói của tâm hồn, của cảm xúc. Thơ chính là những ký hiệu ngôn từ của cảm xúc dâng trào từ trái tim. Thơ ca ra đời từ cảm xúc tâm hồn và thơ ca cũng là nuôi dưỡng cảm xúc tâm hồn, chất nhân văn trong mỗi con người. Thơ chính là con đường ngắn nhất để gắn kết những tâm hồn đồng điệu, trong sáng, thánh thiện, giàu chất nhân văn. Chương trình giao lưu - đêm thơ hôm nay được Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ “ủng hộ hết mình”. Là lãnh đạo cao nhất của trường, Thầy không chỉ đồng tình mà còn nhắc anh chị em chúng tôi phải tổ chức thành công.
 
Điều này xuất phát từ một ấp ủ của chính ông: Xây dựng và phát triển một trường đại học không chỉ giàu tri thức khoa học công nghệ mà cũng phải giàu chất nhân văn. Và Thầy Lê Công Cơ chính là người đã miệt mài nuôi dưỡng, vun đắp cho chất nhân văn ngày càng phát triển, lan rộng trong trường và cả kỳ vọng thấm đẫm vào tinh thần của cộng đồng xã hội”.
 
“Là một học sinh - sinh viên giỏi Toán, tốt nghiệp đại học và trỏ thành giáo viên dạy Toán. Nhưng Nhà giáo Lê Công Cơ lại rất yêu văn thơ. Ông nhìn nhận rằng chính văn học nói chung, thơ ca nói riêng luôn song hành và nuôi dưỡng đời sống tâm hồn, tạo dựng những giá trị nhân văn cho mỗi con người đến cả cộng đồng . Ông không chỉ ủng hộ mà còn gợi ý, khởi xướng nhiều hoạt động liên quan đến giao lưu thi ca, giới thiệu, quảng bá sách, văn hóa đọc. Chương trình giao lưu văn học “Trước Sông Hàn” đêm nay là một trong nhiều chương trình được diễn ra với sự quan tâm sâu sắc của ông” – TS Nguyễn Tấn Thắng cho biết thêm.
 
(Nguồn:http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=38426)