Với hơn 20 năm sáng tạo nghệ thuật cần mẫn, Lưu Quang Vũ đã để lại một di sản văn học quý giá trên nhiều lĩnh vực như thơ, văn xuôi, kịch, tiểu luận, báo chí. Ở lĩnh vực nào, dấu ấn sáng tạo của ông cũng rất đậm nét, đặc biệt là thơ và kịch. Cuộc đời nghệ thuật của ông luôn gắn với thái độ dấn thân dũng cảm, đổi mới và sáng tạo một cách quyết liệt.
Ngày 29/8,
Viện Văn học phối hợp với Đại học Duy Tân tổ chức Hội thảo khoa học hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất Nhà thơ, Nhà viết kịch, Nhà văn Lưu Quang Vũ (1948 -1988).
Diễn ra ngay trên quê hương Đà Nẵng, chương trình trang trọng, đầm ấm, hội tụ đầy đủ những người trong nghề, các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu, gia đình, bạn bè, và đặc biệt là một thế hệ người trẻ vốn không sống cùng thời, nhưng vẫn dành tình yêu và sự ngưỡng vọng với những tác phẩm của cố nhà văn. “Cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Quang Vũ”, như một dòng chảy bền bỉ qua năm tháng, sống mãi trong lòng những người ở lại.
Cách đây 30 năm về trước, sự ra đi đột ngột của gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh đã để lại cho công chúng yêu nghệ thuật cả nước niềm tiếc thương sâu sắc. Sân khấu Việt Nam từ đấy đã vắng bóng một tài năng chói sáng với nhiều vở kịch xuất sắc có đủ khả năng vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian.
Với hơn 20 năm sáng tạo nghệ thuật cần mẫn, Lưu Quang Vũ đã để lại một di sản văn học quý giá trên nhiều lĩnh vực như thơ, văn xuôi, kịch, tiểu luận, báo chí. Ở lĩnh vực nào, dấu ấn sáng tạo của ông cũng rất đậm nét, đặc biệt là thơ và kịch. Cuộc đời nghệ thuật của ông luôn gắn với thái độ dấn thân dũng cảm, đổi mới và sáng tạo một cách quyết liệt.
Hội thảo lần này là dịp để các nhà nghiên cứu trong nước tiếp tục thảo luận, tổng kết sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ, công bố những nghiên cứu và kiến giải mới về đóng góp của ông đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Đã có hơn 60 tham luận được giới thiệu tại Hội thảo, với những góc nhìn sâu sắc, toàn diện, góc nhìn trẻ và gợi mở nhiều khía cạnh mới mẻ, hấp dẫn, vốn đã là “thương hiệu” của những tác phẩm mang tên Lưu Quang Vũ.
Lưu Quang Vũ qua “đối thoại” của những người ở lại
“Sáng tạo văn học của Lưu Quang Vũ, về bản chất chính là những truy vấn và đối thoại không ngừng về nhân sinh, lịch sử, đất nước, con người từ góc nhìn văn hóa và tinh thần nhân bản. Bằng tài năng và sức lao động đến mức phi thường, Lưu Quang Vũ đã truyền năng lượng và khát vọng đổi mới của ông đến hàng triệu người, tạo nên hiệu ứng nghệ thuật hết sức to lớn. Đó là hạnh phúc không dễ gì có được của bất cứ người nghệ sĩ nào”, PGS.TS.Nguyễn Đăng Điệp -Viện trưởng Viện Văn học nhấn mạnh trong Lời nói đầu Kỷ yếu Hội thảo mang tên “Lưu Quang Vũ – Những đối thoại nghệ thuật”.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc VOV khẳng định: Sân khấu Việt Nam hiện đại sôi động hẳn lên, có da có thịt có hình khối một phần nhờ vào tài năng và nghệ thuật phi thường của Lưu Quang Vũ. Trong khoảng thời gian gần 10 năm, ông đã sáng tác được hơn 50 vở kịch, một khối lượng đồ sộ khiến ai cũng kinh ngạc.
Sức hấp dẫn và khả năng thu hút của kịch của Lưu Quang Vũ trước hết nằm ở tính dấn thân, tính điềm báo, tính đối thoại và khát vọng đổi mới. Đó là những tác phẩm đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương đại. Điều đáng nói Lưu Quang Vũ đã đem đến ngọn lửa của tình yêu thương, khát vọng buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải trăn trở hành động và dám vượt lên những khó khăn thử thách để đổi mới.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc VOV trình bày tham luận mở đầu tại Hội thảo - Ảnh: Xuân Dương
Ông Nguyễn Thế Kỷ cũng đánh giá cao Hội thảo về Cuộc đời và sự nghiệp văn học Lưu Quang Vũ do Viện Văn học và Trường ĐH Duy Tân tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà văn. “Đây là một hoạt động cần thiết và có ý nghĩa về nhiều mặt, không chỉ tôn vinh những đóng góp của Lưu Quang Vũ, mà còn góp phần khẳng định những thành tựu của nền văn học nước nhà...”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Được biết, để tổ chức thành không một hội thảo giàu hàm lượng khoa học và nhân văn trên mảnh đất Đà Nẵng, quê hương của nhà thơ, nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ, các đơn vị tổ chức cùng với gia đình tác giả đã có quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc.
Sự có mặt của rất đông các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật trên khắp cả nước tại Hội thảo, đã phần nào cho thấy vai trò, sức ảnh hưởng và những giá trị nghệ thuật lâu bền của Lưu Quang Vũ.
Đánh giá đây là một trong những sự kiện khoa học nổi bật của năm 2018, tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhìn nhận tác giả Lưu Quang Vũ có 4 cái nhất: Cái nhất đầu tiên, đó là thế kỷ 20 chưa ai viết với một tốc độ nhanh như thế, khối lượng đồ sộ và để lại nhiều tác phẩm trong lĩnh vực kịch xuất sắc như Lưu Quang Vũ; Thứ 2, ông là một người đổi mới văn học sớm nhất ngay từ những năm 70, có thể nói thời của chúng ta là thời của đối thoại, chỉ khi chúng ta đối thoại mới có cơ hội để phát triển, Lưu Quang Vũ vì thế đồng nghĩa với phát triển;
Thứ 3, ông là nghệ sĩ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trẻ tuổi nhất; Thứ 4, Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh là một cặp đôi tài danh, hiếm hoi cùng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp chủ trì Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cũng chỉ ra cái nhìn tương quan giữa Lưu Quang Vũ với Trịnh Công Sơn trong “những suy tư về phận người giữa bao nhiêu biến cố lịch sử đau thương và phi lý. Đó là những suy tư thấm đẫm tinh thần nhân bản...Với Trịnh Công Sơn là âm nhạc đầy thơ, còn Lưu Quang Vũ là thơ thấm đầy nhạc.”
Bên cạnh đó, TS. Đào Lê Na đến từ Trường ĐH Khoa học và Xã hội nhân văn thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến một góc nhìn trẻ, mới và thời sự về tác phẩm Lưu Quang Vũ. Chị cho rằng, từ hai tác phẩm kịch “Hồn Trương ba da hàng thịt” và “Hoa Cúc xanh trên đầm lầy” đã giúp độc giả khám phá ra những lớp nghĩa đầy thú vị về diễn ngôn khuyết tật, sự sâu sắc về tư tưởng và triết lý của tác giả.
Cũng bàn về tác phẩm “Hồn Trương Ba da hàng thịt,” PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái lại nhìn nhận tác phẩm là vẻ đẹp trong sự tổng hòa giữa hồn văn học và xác của vở diễn. “Đây là vở diễn đạt tới số phận văn hóa, ngôn ngữ quốc tế, là một đỉnh cao của sân khấu kịch”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh.
Qua những tham luận khác và phần thảo luận tại Hội thảo, có thể thấy những vấn đề thời sự, xã hội nóng bức được rốt ráo đặt ra trong kịch Lưu Quang Vũ từ mấy chục năm về trước, vẫn không nguôi ám ảnh người xem của hôm nay.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Lưu Quang Vũ đã táo bạo đẩy những nhân vật kịch hiện đại của mình vào sự lột xác, sự trăn trở nghĩ suy, sự sám hối đến quyết liệt đặng tìm cách giải quyết những vấn đề văn hóa đang ráo riết đặt ra cho sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại.
Vì thế, các kịch bản của Lưu Quang Vũ được thiết lập trên tinh thần hiện đại khỏe khoắn, mạnh mẽ đã mặc nhiên mang nồng đượm hơi thở của đời sống hiện đại, được phát hiện tươi rói từ con mắt và tấm lòng tràn đầy yêu thương cuộc đời”.
Tính hiện đại đã thành phẩm chất nghệ thuật cơ bản nhất, tạo nên sự hấp dẫn và sự truyền lửa của kịch Lưu Quang Vũ, đánh động sâu sắc cảm xúc và suy tư của công chúng Việt hiện đại.
“Lửa từ kịch Lưu Quang Vũ phải đến được với những đạo diễn, những diễn viên, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, nhạc sĩ thiết kế giai điệu cho sân khấu và cuối cùng là sự thụ hưởng của những khán giả sân khấu thế kỷ XXI, luôn háo hức chờ đón được đối thoại”, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
Đại diện gia đình tác giả Lưu Quang Vũ, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay - Báo điện tử Dân Việt tới dự Hội thảo cùng vợ.
Tại hội thảo, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay, Báo điện tử Dân Việt, em trai nhà viết kịch, nhà thơ, nhà văn thơ Lưu Quang Vũ chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt xúc động khi được dự hội thảo hôm nay vì đây là hoạt động diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, quê hương của Lưu Quang Vũ, quê hương của chúng tôi.
Đà Nẵng nơi có con đường mang tên Lưu Quang Thuận, người cha của chúng tôi, con đường mang tên Lưu Quang Vũ, người anh cả của chúng tôi. Anh Vũ rất yêu Đà Nẵng, ngay từ trong dòng nhật ký viết năm 15-17 tuổi, anh viết rất nhiều về Đà Nẵng, mặc dù khi đó đất nước chưa thống nhất, anh chưa bao giờ đặt chân đến Đà Nẵng. Nhưng trong những vở kịch, truyện ngắn của anh nhắc đến Đà Nẵng rất nhiều. Chị Xuân Quỳnh cũng rất yêu Đà Nẵng, chị đã viết riêng một bài thơ đầy cảm xúc về “Thành phố quê anh”.
Năm 1985, anh về Đà Nẵng và dựng một vở kịch bản sân khấu “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, đó là một trong 6 vở diễn được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985...
Chúng tôi nghĩ, nếu anh Vũ – chị Quỳnh còn sống, anh chị sẽ rất vui vì ngay trên thành phố quê hương của mình, mọi người bàn luận về thơ, kịch của anh…Hiện nay gia đình đang xây dựng bảo tàng số để lưu giữ, giới thiệu công bố những tác phẩm của anh Vũ- chị Quỳnh”, nhà báo Lưu Quang Định cho biết.
Các tác phẩm của nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng Việt Nam. Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực.
Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Với tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, v.v. ... Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.
(Nguồn:http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=36920)