English

Hợp tác & Hội nhập

Lễ Khai mạc Hội nghị Sinh viên ASEAN 2018

Sáng ngày 16/8/2018, Đại học Duy Tân tổ chức Lễ Khai mạc Hội nghị Sinh viên ASEAN (P2A-ASEAN in One 2018), mở đầu chuỗi các hoạt động giao lưu, gắn kết, học hỏi và hợp tác nghiên cứu khoa học của sinh viên các nước ASEAN. 
 
Lễ Khai mạc Hội nghị Sinh viên ASEAN 2018 
Đông đảo quan khách và sinh viên đến từ các trường đại học của các nước trong khối ASEAN 
đã có mặt tại Đại học Duy Tân để tham dự Hội nghị Sinh viên ASEAN 2018 

Tham dự Lễ Khai mạc có ông Lee Yoong Yoong - Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Ban Thư ký ASEAN; ông Jeroen Schedler - Trưởng ban Điều hành Hội đồng Thường trực P2A; ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng; ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng; Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân, đồng Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội P2A; TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân; ThS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội P2A; cùng hơn 100 sinh viên đến từ các trường đại học của các nước trong khối ASEAN.

Diễn ra trong 3 ngày từ 16 - 18/8/2018, Hội nghị Sinh viên ASEAN 2018 với chủ đề “Discover the Future now and Get Ready for Smart Cities and Industry 4.0: Opportunities and Challenges for ASEAN Students” sẽ là diễn đàn giao lưu, tạo cơ hội cho sinh viên các nước ASEAN được gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc hơn về các giá trị văn hoá trong cộng đồng ASEAN.
 
Lễ Khai mạc Hội nghị Sinh viên ASEAN 2018 
TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị 

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ:“Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm thế giới khác hoàn toàn so với 20 năm trước, khi đó tôi còn là sinh viên theo học ngành Khoa học Máy tính. Một người bạn của tôi ở Đại học Carnegie Mellon từng nói: ‘Cách mạng công nghệ 4.0 không có gì khác biệt bởi những thứ như client sever, network, chia sẻ thông tin,… chúng ta đã thực hiện từ những thập kỷ trước’. Tuy nhiên, tôi lại có một suy nghĩ khác. Cách mạng Công nghệ 4.0 đã tạo ra rất nhiều các công nghệ mới và phát triển mạnh như Machine Learning, Big Data,… hay đơn giản những công nghệ đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây như Điện toán Đám mây, IoT,… dù là đã quá quen thuộc nhưng khi đặt trong thời điểm của cuộc cách mạng 4.0, của tư duy mới về công nghệ cùng một cách sử dụng hoàn toàn khác biệt thì chúng lại trở nên rất mới. 

Thông qua Hội nghị Sinh viên ASEAN lần này, chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần đoàn kết và hơn bao giờ hết mong muốn sự đồng lòng hỗ trợ của tất cả các bạn sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau để phát triển công nghệ lên một tầm cao mới. Vì lý do đó, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các bạn sinh viên đã tham dự sự kiện này. Hy vọng, các bạn sẽ có quãng thời gian đáng nhớ trong suốt những ngày tham dự Hội nghị Sinh viên ASEAN 2018 tại Đại học Duy Tân, cùng nhau tìm hiểu về cách mạng công nghệ 4.0 và sẽ trở thành công dân của thành phố thông minh (Smart Cities) trong tương lai không xa.”

Lễ Khai mạc Hội nghị Sinh viên ASEAN 2018 
 Tinh thần đoàn kết và sự đồng lòng hỗ trợ của sinh viên các nước trong khối ASEAN
sẽ giúp phát triển công nghệ lên một tầm cao mới
 
Một góc nhìn toàn cảnh về quá trình thành lập và phát triển của Hiệp hội P2A đã được ông Lee Yoong Yoong - Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Ban Thư ký ASEAN tái hiện chân thực qua nhiều hình ảnh được giới thiệu tại Hội nghị. Thành lập chính thức vào tháng 6/2012 bởi Đại học Rangsit (Thái Lan), Đại học Duy Tân (Việt Nam), Đại học Quốc gia Lào (Lào), Đại học Norton (Campuchia) và Viện Khoa học Máy tính Myanmar, P2A là mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong khối ASEAN được định hướng theo phương châm: Một Tầm Nhìn, Một Bản sắc và Một Cộng Đồng. Từ tháng 7/2016, mạng lưới P2A đã được nâng cấp thành Hiệp hội. Đến nay Hiệp hội P2A đã tăng từ 5 lên đến 81 thành viên, kết nối trên một triệu sinh viên của 9 nước thành viên ASEAN. Hiện tại, có 7 trường Đại học của Việt Nam là thành viên chính thức của P2A, gồm: Đại học Duy Tân, Đại học Văn Lang, Đại học FPT, Đại học Vũng Tàu, Đại học Công nghệ Đồng Nai, Đại học Kinh tế - Luật Tp. HCM và Đại học Bách Khoa Hà Nội.
 
Chia sẻ về Hiệp hội P2A, Ông Jeroen Schedler - Trưởng ban Điều hành Hội đồng Thường trực P2A cho biết: “Tôi rất vui khi được đứng tại đây một lần nữa, được gặp tất cả các bạn đến từ các nước trong khu vực ASEAN. Thời còn là sinh viên, tôi đã rất may mắn khi được tiếp xúc với nhiều người bạn đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, từ các đất nước khác nhau, được biết đến vẻ đẹp đất nước con người họ. Tuy nhiên vẫn còn một điều khiến tôi băn khoăn, đó là vì sao khi nhìn vào sự khác biệt, mọi người lại hay nhìn về hướng tiêu cực, thay vì điều tích cực. Mỗi nền văn hóa khác nhau đều có bản sắc riêng, phong tục tập quán riêng khiến thế giới chúng ta đang sống trở nên đa sắc hơn. Do đó, P2A được thành lập không phải để chỉ ra điểm khác biệt, mà để kết nối cộng đồng, kết nối con người. Chúng ta nên mở lòng hơn, cùng nhau học hỏi và góp sức xây dựng một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, phát triển vững mạnh. Các bạn sinh viên tham dự sự kiện hôm nay đều là tương lai của ASEAN, là những nhân tố quan trọng để khởi đầu một tiếng nói, một hành động, tạo nên một khối đoàn kết vững bền cùng góp phần vì một ASEAN lớn mạnh hơn trong tương lai.”

Trong những năm qua, với vai trò là thành viên tham gia sáng lập Hiệp hội P2A, Đại học Duy Tân đã tổ chức thành công nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị thường niên của các thành viên P2A lần thứ 4 tại Tp. Đà Nẵng; đón tiếp và tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa giữa sinh viên Đại học Duy Tân và sinh viên các nước ASEAN; tổ chức các chuyến hành trình P2A để đưa sinh viên trong nước đi tham gia khám phá và giao lưu tại các trường đại học trong ASEAN. Thông qua đó giúp sinh viên tăng cường hiểu biết về văn hóa, trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, trang bị kiến thức thực tiễn và rèn luyện kỹ năng “mềm” để chủ động hội nhập trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Tham dự Hội nghị Sinh viên ASEAN năm nay, bạn Trishnawati Sovitia Putri đến từ trường Universitas Islam Indonesia (Indonesia) chia sẻ: “P2A mang đến cho em nhiều cơ hội được trải nghiệm và tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau của ASEAN. Ngoài những kiến thức về ASEAN, em còn được bồi dưỡng thêm những kỹ năng cần thiết như tư duy phản biện, thuyết trình bằng tiếng Anh, làm việc nhóm với các bạn sinh viên nước ngoài,… Đây sẽ là những hành trang không thể thiếu trên hành trình chinh phục thử thách, nắm bắt cơ hội việc làm thời đại công nghệ 4.0.”

(Truyền Thông)