Nhân 55 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng Khu Trung Trung bộ (1963 - 2018) và 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2018), ngày 30/4/2018 vừa qua, tại thành phố Huế xinh đẹp - nơi đang tổ chức Festival lần thứ X, năm 2018, hơn 200 anh chị em là cựu cán bộ và thành viên cốt cán của Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng và Tổng đoàn Học sinh từng hoạt động trong phong trào cách mạng và yêu nước từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế trước năm 1975 đã về tham dự chương trình Gặp mặt truyền thống “Một thời sống đẹp” do Đại học Duy Tân phối hợp với Ban Liên lạc Học sinh - Sinh viên trong phong trào yêu nước tổ chức.
Đến dự, có các ông Nguyễn Huy Ngọc - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Văn Quang - Nguyên Bí thư Thành ủy Huế. Và đặc biệt có sự hiện diện của người chiến sĩ kiên cường của phong trào đấu tranh đô thị, một cán bộ hoạt động trong phong trào Thanh niên - Học sinh - Sinh viên năm xưa và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân. Đó là Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ.
Các thành viên hoạt động trong phong trào yêu nước trước 1975
về dự chương trình cùng nhau chuyện trò vui vẻ
Cách đây 55 năm, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5, Hội Liên hiệp Thanh niên, Học sinh - Sinh viên Giải phóng Khu Trung Trung Bộ được thành lập vào ngày 1/3/1963 tại bãi biển Thuận An - tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là một tổ chức chính trị xã hội tập hợp đông đảo tầng lớp trí thức tham gia vào nhiều hoạt động đấu tranh trên mặt trận hợp pháp và bất hợp pháp với quân thù. Đặc biệt, với địa bàn đô thị từ Quảng Trị đến Bình Định, Hội đã châm ngòi và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh bất chấp sự đàn áp dã man của kẻ thù… Các hoạt động bí mật gây dựng phong trào đã được thực hiện như: Treo cờ Mặt trận giải phóng trên cửa Thượng Tứ vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1963, Đại náo tòa án Huế, những cuộc đấu tranh sinh tử và hứng chịu những thủ đoạn khảo tra man rợ trong tù với tấm lòng kiên trung khó hình dung của các thành viên phong trào, hoặc các hoạt động công khai như hoạt động của Chi bộ giáo chức thành phố Huế và tập san Văn Sử, hoặc nhìn lại Phong trào đấu tranh chính trị ở Huế sau ngày ký kết Hiệp định Paris 1973...
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp
Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng Khu Trung Trung bộ (1963)
phát biểu khai mạc chương trình
Cũng từ năm 1963, phong trào Huế bùng lên và đã được tiếp lửa khắp các Đô thị miền Nam, đặc biệt là thành phố Sài Gòn nơi chấm dứt chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Những năm tiếp theo phong trào đấu tranh ở các Đô thị miền Nam ngày càng dữ dội, góp phần đáng kể vào cuộc Tổng tiến công của quân và dân cả nước năm 1975, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất Tổ quốc. Chính trong cuộc đấu tranh đầy mưu trí của lớp trí thức trẻ đã sản sinh ra những con người ưu tú như Nhất Chi Mai, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Tam Vàng, Trần Quang Long, Trần Phú Quý hay huyền thoại về cuộc đời đầy sóng gió trong đấu tranh cách mạng của Lê Công Cơ (Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên - Học sinh Giải phóng khu Trung Trung Bộ)…
Chương trình tạo được ấn tượng với các tiết mục văn nghệ
do Trung tâm Văn-Thể-Mỹ Đại học Duy Tân biểu diễn
Buổi gặp mặt truyền thống (tại Nhà hàng Thương Ký, 29 Nguyễn Thái Học, Tp. Huế), trên phông nền chính của sân khấu là câu thơ của Lê Phương Thảo (tức Lê Công Cơ):
Nhớ tháng Ba năm một chín sáu ba
Năm lăm năm đã trôi qua
Bao hy sinh, mất mát
Một chút tình còn lại với chúng ta
Các tiết mục văn nghệ với những giai điệu hùng tráng, mời gọi của Những bước chân thần tốc, Tiếng hát những đêm không ngủ, Mãi mãi tuổi 20, Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn,… do Trung tâm Văn-Thể-Mỹ Đại học Duy Tân biểu diễn như thôi thúc tinh thần xông lên của một giai đoạn đấu tranh khốc liệt trong phong trào yêu nước năm xưa, góp phần làm cho không khí buổi gặp mặt truyền thống thêm sôi nổi, ấn tượng… Sau phát biểu khai mạc của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, các đại biểu đến từ Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng mỗi người nhớ lại một sự kiện, một vấn đề, một gương mặt, nhưng đặt cạnh nhau như một bức tranh liên hoàn sinh động về diện mạo có ý nghĩa lịch sử đối với cuộc đấu tranh của cả phong trào đô thị, với các hình thái như hoạt động bí mật, hoạt động bán công khai và hoạt động công khai, thông qua các hình thức tuyên truyền, gây dựng cơ sở, tổ chức in sách báo, tập san, bãi khóa xuống đường, văn hóa văn nghệ, kể cả việc trang bị vũ trang,… Rồi, những lời ca, tiếng hát, đọc thơ của chính những người trong cuộc khi tuổi đã là 68, 74… đã phần nào tái hiện lại cái không khí thân tình như những buổi sinh hoạt trong phong trào yêu nước xưa kia. Và còn đó, nhiều lắm những điều cần phải nhớ của những người có một thời sống đẹp trong phong trào đô thị miền Nam nói chung, miền Trung nói riêng…
Đã rất nhiều năm tháng đi qua, thế hệ của những người thanh niên Trung Trung bộ sục sôi ngày xưa bây giờ phần lớn đã ở vào lứa tuổi "xưa nay hiếm", nhường chỗ cho một thế hệ trẻ hiện đại, tân tiến… Khép lại buổi Gặp gỡ truyền thống “Một thời sống đẹp”, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ tâm sự: “Sau 43 năm, điều hạnh phúc là chúng ta còn gặp lại nhưng quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Mỗi người đến dự buổi họp mặt với những cảm xúc khác nhau. Chỉ cần chúng ta sống đẹp, sống nghĩa tình, đơn giản, không sống xa đời sống của nhân dân, không sợ trở ngại, vì trở ngại là do lòng ta trở ngại, hãy để nó tự nhiên thể hiện bằng sự lạc quan sống và rộng rãi cống hiến cho cuộc đời những giá trị riêng có của mình thì chắc chắn, “một thời sống đẹp” đối với phong trào của chúng ta trước đây sẽ luôn là ấn tượng đẹp cho giới trẻ hôm nay.”
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ (giữa) cùng đồng đội về thăm biển Thuận An
(huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), nơi Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên
Giải phóng Khu Trung Trung bộ được thành lập năm 1963
Kết thúc chương trình, các thành viên năm xưa đã về thăm lại biển Thuận An, nơi cách đây 55 năm, Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng Trung Trung bộ ra đời. Tại đây, theo lời Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, đã có đề nghị chính quyền địa phương cho lập một tấm bia truyền thống để lưu lại dấu ấn một giai đoạn đấu tranh sôi nổi, khốc liệt của phong trào yêu nước, đồng thời góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về lịch sử vẻ vang của dân tộc, khí tiết anh dũng của cha, anh năm xưa cũng đã hiến dâng tuổi trẻ, có khi là cả cuộc đời mình cho một lý tưởng: Hoà bình, Độc lập, Thống nhất Tổ quốc, để từ đó giúp cho tuổi trẻ hôm nay phát huy vai trò của mình trong giai đoạn cách mạng mới, đóng góp trí tuệ và năng lực cho quê hương, đất nước trong công cuộc xây dựng tương lai của dân tộc.
(Truyền Thông)