English

Hợp tác & Hội nhập

Hội nghị SigTelCom 2017 tại ĐH Duy Tân

Gần 60 đại biểu đến từ 11 quốc gia gồm: Nhật Bản, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn độ, Canada, Pháp, Úc và Việt Nam đã hội tụ về Đại học Duy Tân tham dự Hội nghị Quốc tế International Conference on Recent Advances on Signal Processing, Telecommunications & Computing - SigTelCom 2017 hay Hội nghị Quốc tế về Công nghệ Tiên tiến trong xử lý Tín hiệu, Viễn thông và Máy tính năm 2017. Đây là Hội nghị do ĐH Duy Tân phối hợp với Quỹ Newton Institutional Link, Hội đồng Anh và Hiệp hội Điện-Điện tử Mỹ (IEEE) tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11/1/2017.

  
Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị,
Hiệu trưởng ĐH Duy Tân trao quà cho đại diện các đơn vị tổ chức 

Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân cho biết: “Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với việc hợp tác quốc tế với nhiều đại học danh tiếng trên thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, ĐH Duy Tân đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế để tạo diễn đàn cho các nhà khoa học giới thiệu những nghiên cứu mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng cũng như tìm kiếm sự hợp tác để triển khai các dự án, các nghiên cứu khoa học. Hội nghị SigTelCom 2017 được tổ chức hôm nay thực sự là một sự kiện được mong đợi bởi sau 2 lần tổ chức thành công tại ĐH Duy Tân, SigTelCom trở thành một hoạt động ý nghĩa mang tính kế thừa, tiếp nối và mở ra những cơ hội lớn cho các nhà khoa học tiếp tục mở rộng các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông.”
 
  
Đông đảo các nhà khoa học đến tham dự Hội nghị   

Trong tổng số gần 100 bài báo gửi về tham dự Hội nghị, Ban Tổ chức đã lựa chọn 46 bài báo để trình bày trong Phiên chính và các Phiên chuyên đề tại Hội nghị. 4 chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông gồm GS. Kenichi Mase đến từ ĐH Niigata (Nhật Bản), GS. Fumiyuki Adachi đến từ ĐH Tohoku (Nhật Bản), TS. Atsushi Kano thuộc Viện Quốc gia Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nhật Bản và TS. Des McLernon đến từ Đại học Leeds (Vương quốc Anh) đã lần lượt trình bày các chủ đề chính như: “5G: Mạng tuỳ biến di động đối với việc khai thác băng thông rộng”, “Sự truyền tín hiệu hợp tác MIMO phân bố cho mạng 5G”, “Công nghệ quang tử tiên tiến cho hình ảnh và truyền thông không dây trong tương lai” và “Ứng dụng của Robot di động và máy bay không người lái trong hệ thống truyền thông không dây trong tương lai”. 

Các báo cáo khác của các nhà khoa học được giới thiệu tại Hội nghị cũng tập trung vào giải quyết các chủ đề được thế giới quan tâm nghiên cứu hiện nay như: (1) Kỹ thuật Mã hóa và Giải mã, (2) Mạng và Hệ thống Viễn thông, (3) Công nghệ Điện toán, (4) Hệ thống Thiết bị Điện tử và Điều khiển. Tất cả các bài báo này đều được đăng tải trên IEEE, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được mời nộp tiếp vào ấn phẩm đặc biệt của IET Communication về Truyền thông và Tính toán Xanh. Đây là 1 trong những tạp chí hàng đầu về Viễn thông với chỉ số ảnh hưởng, IF = 0.8 và được xếp hạng bởi SCImago Q2.
 
 
TS. Dương Quang Trung phát biểu tại Hội nghị 

TS. Dương Quang Trung - Nhà khoa học của ĐH Queen’s University Belfast chia sẻ tại Hội nghị: “Tôi rất hân hạnh được mời làm Đồng Chủ tịch Hội nghị Quốc tế về Công nghệ Tiên tiến trong Xử lý Tín hiệu, Viễn thông và Máy tính 2017 tại ĐH Duy Tân. SigtelCom 2017 có rất nhiều diễn giả nổi tiếng báo cáo các nghiên cứu mới nhất về lý thuyết, giải thuật, ứng dụng của Xử lý Tín hiệu, Viễn thông và Điện toán. Điều này giúp những người hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông nắm bắt rõ hơn về hiện trạng, xu hướng phát triển để có những nghiên cứu chất lượng và hữu ích hơn trong tương lai. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám hiệu ĐH Duy Tân cũng như các nhà tài trợ chính như Quỹ Newton Institutional Link, Hội đồng Anh và Hiệp hội Điện-Điện tử Mỹ (IEEE) để SigtelCom 2017 diễn ra thành công tốt đẹp.”
  
 
TS. Dương Quang Trung hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường Queen’s University Belfast. Sau 3 năm tại trường ĐH Queen’s, TS. Trung là chủ nhiệm đề tài của 8 dự án và là tác giả chính và đồng tác giả của 230 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 120 công trình thuộc tạp chí danh mục ISI. TS. Trung cũng nhận được rất nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Fellowship của Hội Khoa học Hoàng gia Anh Quốc, Giải thưởng công trình nghiên cứu xuất sắc nhất (Best Paper Award) của hai Hội nghị hàng đầu về Viễn thông: Hội nghị IEEE GLOBECOM 2016 và Hội nghị IEEE ICC 2014. Và mới đây nhất, TS. Trung đã được ĐH Queen’s University Belfast vinh danh là Nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất năm 2016.
 
Là nhà khoa học luôn mong muốn đóng góp sức mình đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam đồng thời truyền trao kiến thức cho các thế hệ sinh viên nên ngay trong nhiều năm làm việc tại Anh Quốc, TS. Trung vẫn luôn dành thời gian trở về quê hương để cống hiến sức mình. Tại Việt Nam, TS. Trung đã gắn bó với ĐH Duy Tân, trực tiếp đứng lớp giảng bài cho sinh viên khối ngành Công nghệ Thông tin, Điện - Điện tử cũng như phối hợp với ĐH Duy Tân tổ chức nhiều Hội thảo Quốc tế thiết thực, có ý nghĩa và được đánh giá cao tại trường. 
 

  (Truyền Thông)