Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, để lại sau lưng những gương mặt Pakô đang rưng rưng nước mắt... Vậy là đã kết thúc một chuyến đi thực sự ý nghĩa. Tôi cố ngoái lại phía sau, cố ngoái lại cho tới khi không thể nhìn thấy bọn trẻ, không thể nhìn thấy những cánh tay đang vẫy... Tôi biết, ở nơi đó, lũ trẻ cũng đang vẫy tay chào chúng tôi, vẫy cho tới khi chiếc xe chúng tôi lao đi mất hút khỏi tầm mắt chúng.
Tôi hãnh diện và tự hào: trong chuyến đi đó, có lẽ, tôi là con bé hạnh phúc nhất. Tôi cầm trên tay bức chân dung bọn trẻ vẽ mình, tủm tỉm cười một mình. Tôi thực sự hạnh phúc.
Hạnh phúc ấy từ đâu?
Nó bắt đầu từ cuộc hành trình từ Đà Nẵng tới xã Đông Sơn, huyện A Lưới-Thừa Thiên Huế. Đây là xã nghèo, và là “rốn dioxin (da cam)” của A Lưới. Trên suốt chuyến đi kéo dài từ gần 8h đồng hồ (từ lúc 6h sáng tới gần 14h chiều), tôi trong vai trò của một “Hoạt náo viên” (hát hò và hét hò) đã thành công trong việc gây hiệu ứng “sung” cho tất cả mọi người. Thành tựu có được là ai nấy đều tươi tỉnh và phấn chấn vượt qua quãng đường dài với những dốc đèo vòng vèo nguy hiểm. Ấy là hạnh phúc đầu tiên.
Lên tới Ủy Ban Nhân Dân Xã-địa điểm tập kết của chúng tôi. Chào đón chúng tôi là những đôi mắt ngây ngô của bọn nhỏ chăn trâu đang chơi gần đó. Thấy chúng tôi, chúng xúm lại một góc và nhìn một đoàn các anh chị mang áo màu xanh tình nguyện. Chúng tôi nhìn chúng cũng thấy sự khác biệt. Đứa nào cũng nhỏ tí xíu, làn da đen ngăm vì phơi sương gió từ những bước chập chững đầu tiên, đôi mắt sáng, nhưng còn dè dặt... Không khí ở miền núi cao nơi đây cũng khác, trong lành, làm cho người ta cảm thấy yên bình đến lạ.
Những đôi mắt Pakô
Sau khi ăn cơm trưa và nghỉ ngơi, “sếp Vĩ” tập hợp mọi người, phân chia lực lượng, phân công công việc và chuẩn bị ra quân. Cả đoàn chúng tôi được chia thành 2 đội: Đội 1 nhiệm vụ đi làm đường, còn Đội 2 sẽ ở nhà lo việc hậu cần và chuẩn bị cho buổi trao quà, giao lưu văn nghệ sẽ tổ chức đêm hôm đó.
Đội 1 ra quân đi làm đường với toàn bộ lòng nhiệt huyết tuổi trẻ. Chẳng ai nói, nhưng ai cũng biết, mình cần cố gắng hết sức để sao cho xứng đáng với màu áo xanh đang khoác trên mình. Ai cũng làm việc với tinh thần tự giác và trách nhiệm cao, ai cũng cố gắng để hoàn thành cho xong con đường tình nghĩa. Người dân nơi đây cởi mở nói chuyện khiến chúng tôi có cảm giác gần gũi thân thuộc, như thể chính chúng tôi là những người con của mảnh đất này rồi. Con đường hoàn thành sớm hơn kế hoạch, những giọt mồ hôi thấm áo nhưng ai cũng ngập tràn hạnh phúc vì những gì mình đã làm được. Đó là những điều tôi góp nhặt được sau khi Đội 1 trở về và kể chuyện lại.
Tôi ở Đội 2, và tôi cũng chẳng có gì hổ thẹn khi ở nhà mà không ra quân đi làm việc nặng như mọi người. Ngay khi Đội 1 xuất quân, chúng tôi vào Hội trường xã chia quà. Lũ trẻ đứng ngoài cửa nhìn. Những đôi mắt đen lạ lẫm và thích thú nhìn những quyển vở, những cây bút, cái thước kẻ, cái cặp đi học mà chúng tôi đem ra để xếp vào các gói quà. Tôi gọi chúng vào, hai chị cùng đoàn tôi đem bánh và kẹo chia cho chúng. Công việc gói quà của chúng tôi hoàn thành rất nhanh. Tôi nảy ra ý định sẽ “huấn luyện” bọn trẻ thành những ca sĩ biểu diễn vào buổi tối hôm nay.
Bạn Thu Hương đang dạy các em múa
Bước đầu tôi hơi khó khăn trong việc giao tiếp với chúng. Chúng còn lạ và rụt rè khi thấy chúng tôi, và chúng chỉ thầm thì với nhau bằng tiếng dân tộc mà chúng tôi chẳng thể hiểu được. Tôi xếp bọn trẻ ngồi thành hình vòng cung và tôi ngồi ở giữa. Sau một vài lời giới thiệu vui vẻ làm quen, tôi lần lượt giới thiệu các bài hát đơn giản của trẻ con để bắt nhịp cùng hát. Ban đầu chẳng đứa nào hát cả, chúng tròn mắt nhìn tôi. Lát sau thì cũng có vài đứa mấp máy môi, rồi thì chẳng lâu sau tôi đã thành lập được một “Đội văn nghệ nghiệp dư”, đủ khả năng biểu diễn trên sân khấu đêm nay rồi nhé. Càng hát, chúng càng say sưa. Tôi dạy chúng các điệu múa đơn giản và dễ nhớ. Tập hết bài này tới bài khác, tôi tạo cho chúng sự tự tin ở bản thân, và tạo sự thân thiết hòa đồng với chúng. Bọn trẻ yêu ca hát và rất có năng khiếu, thuộc bài rất nhanh. Tôi hạnh phúc khi được bọn trẻ vây quanh. Chúng như lũ chim nhỏ, vây lấy ôm tôi, ríu ra ríu rít gọi “chị Hương, chị Hương ơi...”. Đó, tôi lại hạnh phúc với điều giản dị như thế.
Trời đã xâm xẩm tối, Đội 1 cũng đã về, tôi căn dặn bọn trẻ về tắm rửa, hẹn chúng tối quay lại biểu diễn. Lũ trẻ thích thú “dạ” thật to rồi chạy về nhà. Chờ cho các chiến sĩ Đội 1 rửa chân tay và nghỉ ngơi, chúng tôi ăn cơm hộp. Bọn trẻ tới, tôi bắt tay vào công việc tiếp theo là “make up” cho các ca sĩ nhí của mình. Nào gương, nào lược, nào phấn, nào son...Từng nhỏ một, tôi buộc tóc và trang điểm cho chúng. Đứa nào cũng thích thú khi trông mình xinh hơn, khác hẳn mọi ngày, thích thú khi nhìn mình tóc cột hai bên với môi son đỏ. Đứa nào cũng hào hứng, muốn ra biểu diễn lắm rồi. Tôi cũng hạnh phúc khi thấy nụ cười của chúng.
Trải qua một ngày lao động vất vả, sau bao công sức chuẩn bị, đêm văn nghệ đã bắt đầu. Chúng tôi đã cùng nhau hát những bài hát về thanh niên, về tình nguyện, hát cho đồng bào ở đây nghe, hát hết mình, cất những tiếng hát từ trái tim tình nguyện. Các tiết mục văn nghệ của đoàn chúng tôi được xếp đan xen với các tiết mục văn nghệ của Đoàn xã. Họ chuẩn bị rất bài bản, các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu và rất hay. Họ cất lên hững tiếng hát mượt mà, hát những bài hát mang đậm màu sắc dân tộc, như gửi gắm trong đó tất cả tình yêu và lòng tự hào, tự tôn dân tộc mình. Đặc biệt hơn cả vẫn là tiếng hát trong trẻo cất lên từ “đội văn nghệ nhí” của tôi. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy bọn trẻ hát hay và biểu diễn dễ thương như đàn chim nhỏ vậy.
Đêm văn nghệ kết thúc với bài hát “Sát Cánh Bên Nhau”. Đoàn tôi cùng đoàn thanh niên xã, các anh biên phòng, lũ trẻ...tất cả đều lên sân khấu cùng hát, cùng nhảy với hết nhiệt huyết của mình. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng có hồi kết. Nhạc dừng cũng là lúc không khí chìm xuống. Người dân cùng lũ trẻ trở về nhà nghỉ ngơi, chúng tôi tranh thủ chụp chung những tấm hình làm kỷ niệm, và với các anh biên phòng, những thanh niên Đoàn xã nữa.
Đêm đã về khuya, sương xuống, trời trở rét. Chúng tôi cùng nhau đốt lửa trại, quây quần xung quanh và hát. Sau đó là phần giới thiệu bản thân của từng người và tiết mục nướng cá, nướng khoai. Con cá nhỏ, củ khoai nhỏ mà 5-6 người chia nhau ăn...Ai nấy đều vui, thân nhau hơn, xích lại gần nhau hơn và có những kỷ niệm của riêng mình.
Sáng hôm sau tôi thức dậy từ khi chưa tới 5h. Rét quá. Tấm chăn gập đôi, nằm một nửa đắp một nửa mà ướt cả. Ai cũng co ro trong chiếc chăn mỏng đem theo. Mặc thật ấm và đi ra ngoài, có vài người đã dậy từ sớm trước rồi. Chúng tôi rủ nhau đi bộ dọc theo con đường vào trong thôn cho ấm người. Trời hưng hửng sáng. Chúng tôi trở về, ăn sáng và chuẩn bị lên đường đi quanh phát quà là quần áo được ủng hộ, có “MC chở bánh mì” đạp chiếc xe quanh làng và phát bánh mì cho những đứa trẻ. Lũ trẻ vừa ăn bánh, vừa nối nhau đi theo đoàn tôi. Lũ trẻ mà tối qua tôi chơi và tập văn nghệ với chúng, chúng quấn quít tôi lắm. Thế là một đoàn áo xanh đi trước có cái đuôi là lũ trẻ nhỏ xiu xíu theo sau.
Hạnh phúc lớn nhất của tôi là lúc này đây. Khi đang đi cùng đoàn, có một bé nắm tay tôi và nói:
- Chị ơi, em có quà tặng cho chị. Chị về nhà em nhé.
- Chị phải đi với đoàn, không về nhà em được rồi, nhà em có xa không?, tôi hỏi.
- Dạ không xa, vậy chị chờ em rồi em chạy về nhà lấy cho chị nhé.-con bé nói
- Ừ được rồi, chị sẽ chờ em.
Dáng bé nhỏ, con bé chạy thật nhanh về nhà. Tôi và một anh đồng đội đứng chờ.
Trong lúc đó, cũng có một bé, cầm tay tôi. Đôi mắt to, đen láy với hàng lông mi dài và cong ngước nhìn tôi, làm tôi không khỏi xao động. Nó nói:
-Chị à, em cũng có quà tặng chị đó.
-Vậy à, chị thích lắm. Em định tặng chị quà gì thế?
- Chị ơi, nhưng mà quà của em nó bay lên trời mất rồi!
Tôi ngạc nhiên:
- Thế à? Thế em định tặng cho chị quả bóng bay bay được phải không?
- Dạ không, em tặng chị mây, mà mây bay lên trời rồi. Em tặng chị cả bầu trời của em á.
Tôi không khỏi xúc động. Tôi thấy tôi là người may mắn và hạnh phúc vô cùng. Làm sao mà không hạnh phúc khi tôi có tình yêu thực sự của chúng, có được trái tim, suy nghĩ và những câu nói ngây thơ của những đứa trẻ cơ chứ?.
Chờ khoảng 20 phút sau thì thấy bé kia quay lại. Nó ngước mắt nhìn tôi, cười tủm tỉm và giấu cái gì đó sau lưng.
- Em tặng chị này. Em vẽ chị tối qua đó.
Nó đưa tôi tờ giấy. Tôi mở ra và thấy “hình của mình” trong đó: một cô gái đang vắt cái áo trên vai, trên ngực áo có phù hiệu đoàn thanh niên, mặc váy, xõa tóc và đang cười rất tươi. Tự nhiên tôi thấy những nét bút đơn giản ấy vẽ tôi đẹp hơn tôi ở ngoài.
- Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn em nhiều lắm. Tôi cười vui mừng hết cỡ, cười như chưa từng hạnh phúc như thế.
Lũ trẻ đã cho tôi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Tôi bước đi mà lòng vui như đứa trẻ Tôi thấy mình như bé lại.
Sau khi tới từng nhà và hoàn thành công việc, cả đoàn đi sang nhà bác Tươi lần nữa, thăm hỏi và chào tạm biệt bác rồi quay trở về Ủy ban, sắp xếp đồ đạc lên đường về Đà Nẵng. Lũ trẻ quyến luyến, vây lấy tôi và khóc. Tôi cũng không ngờ chúng dành tình cảm cho tôi nhiều đến vậy. Tôi đưa chúng cuốn sổ của tôi, thế là hết đứa này tới đứa khác tranh nhau “viết lưu bút” và vẽ hình tặng tôi. Các em xin tôi số điện thoại và địa chỉ của mình nữa, để các em có thể liên lạc và viết thư.Tôi ngồi trên bậc tam cấp ngoài cửa, chúng xúm lại, đứa ôm tay, đứa ôm chân, đứa buộc tóc, rồi còn bện tóc con tít cho tôi. Đừng hỏi tôi đang hạnh phúc thế nào! Tuy bây giờ đã xa lũ trẻ, nhớ lại những khoảnh khắc nhảy dây, tập múa, tập hát bên chúng, tôi thấy lòng nao nao và tràn ngập cảm xúc và thấy nhớ chúng vô cùng.
Chúng tôi chuyển đồ lên xe, lũ trẻ cứ ngóng theo, ôm mãi như chẳng muốn để cho chúng tôi về. Giọt nước mắt ướt đẫm trên làn mi đen cong vút. Tôi không thể quên được những ánh mắt ấy, tôi thấy chúng đẹp vô cùng. Chúng luôn miệng nhắc nhở tôi:
-“Chị nhớ nhé, chị nhớ là phải giữ gìn sức khỏe nhé, chị nhớ nhé, phải nhớ nhé....”
-“Chị hứa, chị sẽ giữ sức khỏe. Các em cũng vậy nhé. Mà phải hứa với chị, phải học tập thật tốt, học hết cấp 2, rồi hết 12, học giỏi để thi đậu Đại Học rồi xuống chỗ chị học, trường chị là trường Đại học Duy Tân, ở đó chị sẽ chờ các em nhé? Không được bỏ học giữa chừng, hứa với chị.”
-“Dạ, em hứa”.
Tôi cố gắng để khóc không thành tiếng. Tôi vẫn cố cười và cố gắng xoa dịu các em. Vậy là tôi bắt nhịp hát. Hát hết bài nọ tới bài kia, hát cho quên đi nỗi buồn sắp phải chia tay, hát cho tới khi tay tôi không nắm lấy tay chúng nữa, cho tới khi tôi lên xe, những đôi mắt Pakô vẫn dõi theo đầy lưu luyến.
Trải qua một chuyến đi tình nguyện, tôi thấy cuộc sống mình thật nhiều ý nghĩa mà trước đây tôi chẳng để ý tới. Chỉ hai ngày, nhưng tôi đã làm được rất nhiều và cũng có được rất nhiều. Tôi đã trải qua khoảng thời gian vui vẻ hết mình với bạn bè, với bà con đồng bào dân tộc, với bọn trẻ... để rồi trong lòng tôi bây giờ tràn ngập cảm xúc với những kỷ niệm không thể nào quên.
Tôi cũng như tất cả mọi người trong đoàn đều cảm thấy rất tự hào khi mang trên mình chiếc áo xanh tình nguyện, nguyện mang hết sức trẻ và nhiệt huyết của mình để tham gia những việc làm thiết thực, có ý nghĩa. Cảm ơn Câu Lạc Bộ Sinh Viên Tình Nguyện đã tạo cho chúng tôi cơ hội để cống hiến, trở thành những con người có ích cho xã hội.
(Nguyễn Thị Thu Hương-Thành viên CLB SV Tình nguyện Duy Tân)