Cầm tờ giấy báo đậu đại học trên tay, tôi hơi nản lòng. Tôi hiểu rằng cho dù có theo đuổi cái nghề sư phạm thì cũng chỉ gò bó đôi chân muốn bay nhảy của tôi. Tôi phải đấu tranh tư tưởng lắm, phải thuyết phục ba mẹ lắm, đưa ra nhiều lý lẽ rồi ba mẹ cũng quyết định cho tôi nộp hồ sơ vào trường Duy Tân. Và đây chính là nơi tôi lựa chọn để đặt nền tảng cho kế hoạch vào đời.
Ba năm rồi, thời gian đang dần trôi, mọi thứ dường như dần thay đổi. Nhưng chỉ có khoảnh khắc được nhìn lại trường là không thay đổi. Có bao giờ bạn thử đi học sớm chưa? Từ lúc cổng trường vừa mở cửa, anh bảo vệ cười trêu: “Sao không ngủ thêm vậy em? ”. Tôi cười lại hỏi thăm rồi đi bộ lên từng tầng, dừng chân lại ở bậc thang nghỉ, nhìn cảnh bình minh vừa ló dạng, ánh nắng từ từ chiếu qua từng ô cửa kính, nắng nhớm người nhìn theo bước chân. Trong lúc đó tôi thấy yêu nắng ở trường buổi sớm quá. Vẫn thấy anh bảo vệ lên kiểm tra, mở cửa từng phòng học. Ngồi tâm sự với các chú, các anh mới thấy công việc này vất vả lắm, họ phải dành trọn thời gian cho trường, bỏ hết đằng sau những sở thích cá nhân. Niềm vui đơn giản của họ là khi sinh viên chúng tôi ra về mà không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đôi lúc cũng có những rắc rối khiến cho đôi mắt ấy mỏi mệt: “Sự cố xảy ra thì phải giải quyết thôi, chứ đâu ai muốn vậy đâu em, nhiều khi cũng buồn lắm!”. Từng tâm tư này cho tôi thấm hiểu được rằng nếu không có các chú, các anh thì chắc gì tôi đã yên tâm học tập. Nhưng có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ?
Chạnh lòng lại khi thấy cô lao công dọn dẹp gọn gàng từng phòng học, ngóc nghách để cho tôi được học trong môi trường tốt nhất. Cô cong lưng lau dọn từng lối đi, cầu thang, công việc tất bật khiến cô chả bao giờ có thời gian ngước đầu lên. Những lúc tôi vui đùa trên lớp sau khi hết giờ học, cô chỉ nhẹ nhàng nói: “Con tránh ra cho cô quét một chút!”. Thấy tôi có lỗi quá, thấy tôi vô tư quá. Tôi nhớ ngày học cấp ba, mỗi lần đến phiên trực nhật thì cái lũ học sinh chúng tôi thường hay tỵ nạnh nhau, đưa đẩy trách nhiệm cho nhau và coi công việc trực nhật lớp như nỗi ám ảnh vì nó lấy đi thời gian ngủ nướng và đùa giỡn khi ra chơi. Rồi học ở đây, khi tôi đi học thì phòng đã được dọn sạch, từng ngăn bàn được sạch rác, tôi có cảm giác đang được hít thở một bầu không khí thật sự trong lành của gió biển. Có được cảm giác thoải mái như vậy nên tôi biết công lao của các cô lớn lắm. Nhưng có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ?
Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt rạng ngời một nụ cười duyên nhất tôi từng thấy, cô bước vào lớp. Nếu gặp ngoài đường chắc chắn sẽ nghĩ cô cũng là sinh viên như tôi. Cô gật nhẹ đầu chào cả lớp, chúc cho lớp đầu tiên cô gặp đầu năm thật nhiều điều tốt lành. Cô lì xì cho những viên kẹo mà thật chả ai dám ăn, vì nó có điều gì đó thiêng liêng, tâm linh lắm, ví như nếu giữ lại thì chúng tôi sẽ có được may mắn gì đó trong năm mới. Mỗi lần lên thuyết trình trên lớp, nhìn xuống thấy cô cười, cảm giác thật sự yên tâm, cho dù có đưa ra bất kì ý kiến nào cô cũng tiếp nhận vui vẻ và hài lòng. Cô trẻ, kinh nghiệm chưa có nhiều nhưng nhiệt tình thì không hề thiếu, đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi luôn trân trọng. Tôi thương cô nhiều lắm, tôi gọi điện hỏi thăm, động viên cô khi gia đình cô có chuyện buồn. Rồi khi mọi chuyện qua, mỗi lần gọi điện tâm sự với cô nghe tiếng cười của cô qua điện thoại, tôi thích lắm. Thời gian gặp lại cô, tôi thấy cô có thêm một niềm vui mới, một em bé đáng yêu đang nằm ngủ ngoan và chờ ngày chào đời, mừng cho cô, mừng cho hạnh phúc nhỏ bé của cô sau bao nhiêu khó khăn. Có đi khắp đất nước này tôi cũng không dễ dàng tìm được những tình cảm thiêng liêng ấy. Nhưng có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ?
Trưa nắng chói chang, cái nắng gắt và gió nóng của miền Trung khiến ai cũng khó chịu, bực bội. Thầy đứng trên bục giảng kia cũng vậy. Kiến thức thì ngày nào cũng mới, cũng khó tiếp nhận, nhưng thầy luôn nhiệt tình giảng dạy. Thấy lớp hăng say với bài giảng, không hiểu một bài mà hỏi nguyên một giờ, thầy càng vui hơn, cười nhiệt tình vì giờ học của thầy thật sự có ích. Từng giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán nâu kia làm cho sinh viên chúng tôi bên dưới càng thấy thương thầy nhiều và trong lòng mỗi đứa thêm quyết tâm học tốt hơn. Ở trường đại học khác thì bạn tôi thường than là rất khó gặp được giảng viên để được giải đáp những thắc mắc chuyên ngành, toàn phải tự nghiên cứu nhưng tại Duy Tân của tôi thì thầy lại trách sinh viên vì sao không gọi điện hỏi thầy một vấn đề gì cả, rồi thầy còn nhiệt tình lên thư viện trong ít phút giải lao để giúp nhóm làm đề tài … Kể điều đó ra thì đám bạn ghen tỵ lắm, chúng nó nói tôi may mắn vì được những giảng viên tâm huyết dạy dỗ. Tất cả điều đó chỉ có ở Duy Tân và đây chính là thương hiệu riêng của trường. Nhưng có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ?
Còn hàng trăm con người thầm lặng ở Duy Tân để sinh viên có được cảm giác thoải mái nhất, yên tâm nhất. Có khi tôi chưa từng được gặp họ, có khi tôi chưa từng được chứng kiến công việc họ làm hàng ngày, có khi tôi chưa từng được lắng nghe họ giảng dạy … Và có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ? Tôi tự hào vì tôi đã quyết định đúng, tự hào vì là sinh viên trường, tự hào vì được đón nhận những tình cảm tuyệt vời của những con người tuyệt vời nơi đây. Vì thế, từ tận đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn đến tất cả những con người thầm lặng đó, những con người đã tạo nên một Duy Tân trong trái tim tôi.
Cảm ơn!
(Nguyễn Huỳnh Khánh Phương)