English

Giấc mơ Duy Tân

“Giáo dục nhân văn cho sinh viên-dù khó mấy cũng phải làm”

Đó là lời phát biểu của ông Lê Công Cơ-Chủ tịch Hội  Đồng Quản Trị kiêm Quyền Hiệu Trưởng trường Đại học Duy Tân trong buổi hội thảo toàn quốc về vấn đề “Giáo dục nhân văn cho sinh viên Đại học Việt Nam trong thời đại mới” được tổ chức tại Đại học Duy Tân trong ngày 29/09/2010 vừa qua.
 
 
Thầy Lê Công Cơ phát biểu tại hội thảo

Sinh viên là những trí thức trẻ sẽ đảm nhận vai trò chủ đạo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Giáo dục Đại học Việt Nam trong những năm gần đây quá chú trọng đến việc đào tạo chuyên môn mà ít quan tâm đến giáo dục những giá trị nhân văn cho sinh viên. Đây là một khiếm khuyết lớn đối với sự hình thành một nhân cách trọn vẹn. Hơn 40 tham luận của những nhà giáo dục, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ… phát biểu tại hội thảo đã phần nào làm sáng rõ hiện trạng và những biện pháp để giải quyết vấn đề này.

Theo TS.Vũ Ngọc Hoàng-Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, việc xác định những giá trị nhân văn cốt lõi và chọn lựa những giá trị cụ thể để giáo dục cho sinh viên là quan trọng. TS. Hoàng phát biểu: “Thế giới đang trong thời kì hội nhập nên sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây đang diễn ra như một tất yếu. Tuy nhiên, đây là một phạm trù rộng, để xác định đâu là những giá trị nhân văn chúng ta phải đi vào chiều sâu của truyền thống. Giáo dục nhân văn không thể tách rời với việc dạy nhân cách. Đạo đức phải bắt nguồn từ nhân cách và do đó giáo dục đạo đức không thể tách rời giáo dục lòng thương người và bản lĩnh bất khuất của cha ông. Trong điều kiện hiện nay, giáo dục nhân văn cần bổ sung thêm giáo dục tư duy độc lập để mỗi sinh viên có thể nâng cao được năng lực bản chất người”.

Xác định các giá trị là một việc khó, nhưng để các giá trị ấy thẩm thấu vào sinh viên thì càng khó hơn. GS.TSKH Bành Tiến Long-nguyên Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: “Cần có sự phân tầng để giáo dục nhân văn một cách hiệu quả bởi mỗi lứa tuổi sẽ tìm thấy cho mình những chuẩn mực và giá trị khác nhau. Cần phân biệt giữa giáo dục nhân văn và chủ nghĩa nhân văn. Giáo dục nhân văn là giáo dục làm người với đầy đủ tính cơ bản và tính toàn diện. Giáo dục nhân văn cần phân tầng theo từng bậc học. Ở đại học, chúng ta có thể lồng ghép giáo dục nhân văn vào các môn học có sẵn. Ngoài ra, có thể thông qua các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học; qua vai trò của thầy cô giáo; qua cán bộ quản lí; qua các hoạt động xã hội… tác động vào tình cảm, nhận thức để hình thành các giá trị nhân văn cho các sinh viên” GS. Long nhấn mạnh.
 
 
GS.TSKH Bành Tiến Long trình bày tham luận

Hầu hết các ý kiến đều hướng đến việc tìm ra một giải pháp cụ thể để tăng cường tính nhân văn cho sinh viên. Theo GS. Hoàng Chương “Giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng đang xa rời những bộ môn nghệ thuật truyền thống. Chúng ta cần xác định lại nguyên nhân của vấn đề này. Không phải các em không yêu thích mà do chúng ta chưa thực sự tạo điều kiện để các em tiếp xúc thường xuyên nên các em chưa hiểu được giá trị mà ông cha để lại. Hình tượng nghệ thuật có tác dụng mạnh đến cảm xúc và do đó thông qua nghệ thuật để giáo dục nhân văn là một cách làm hiệu quả”. Cùng ý kiến với GS Hoàng Chương, ông Bùi Công Minh-Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo TP. Đà Nẵng đề xuất thiết lập mối quan hệ phối hợp giữa văn học nghệ thuật với giáo dục đào tạo “Để giáo dục nhân văn hiệu quả cần có sự phối hợp liên ngành, liên cấp. Chúng ta cần thành lập một hội đồng tư vấn về giáo dục nhân văn trong nhà trường, cho sinh viên được tiếp xúc với những tác phẩm hay, những nghệ sĩ lớn và đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa, từ thiện để nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng trắc ẩn của sinh viên đối với con người.”

Như vậy, qua các tham luận chúng ta có được một cái nhìn đa chiều về giáo dục nhân văn cho sinh viên. Giá trị nhân văn là một giá trị cốt lõi đối với mỗi con người. Tính nhân văn sẽ giúp con người chung sống với nhau một cách hòa bình, sẽ giúp con người tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình. Giáo dục nhân văn là một trong những sứ mệnh của giáo dục song dường như nó chưa được quan tâm đúng mức. Trong thời đại hiện nay, đã đến lúc giáo dục đại học cần nhìn lại vấn đề này. Để giáo dục nhân văn cho sinh viên hiệu quả trước hết mỗi trường học phải là một môi trường thật sự nhân văn, phải đổi mới cơ chế và phương pháp giáo dục. Đồng thời, phải tìm thấy sự tương thích những chuẩn mực giá trị được giáo dục trong trường với quy luật phát triển tự nhiên của xã hội để củng cố niềm tin vào các giá trị ở sinh viên. Những vấn đề đặt ra quá lớn, song bằng tâm huyết và sự cố gắng, ĐH Duy Tân đang tìm thấy cho mình những bước đi đầu tiên trên con đường thực hiên mục tiêu “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm trên nền tảng nhân văn-hiện đại”.

(Truyền Thông)