HIV là một hội chứng gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, tấn công đến hệ miễn dịch và tạo cơ hội cho sự phát triển, xâm nhập của các vi sinh vật gây hại. Căn bệnh thế kỷ này có khả năng truyền nhiễm, tấn công bất kỳ ai và hiện nay, không có vaccine phòng bệnh. Đứng trước mối nguy hại đó, Đoàn Trường Đại học Duy Tân phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp. Đà Nẵng tổ chức Chương trình “Truyền thông về dự phòng phơi nhiễm với HIV (PrEP)” vào chiều ngày 25/11/2022 tại số 120 Hoàng Minh Thảo, Tp. Đà Nẵng. Đây là cơ hội tốt nhằm tuyên truyền rộng rãi đến các bạn sinh viên về những mô hình can thiệp, giảm tác hại bằng cách điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) và giới thiệu xét nghiệm HIV trực tuyến.
BSCK1. Đoàn Kim Liên - Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS
và Quản lí điều trị nghiện chất phát biểu
Tham dự chương trình, về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp. Đà Nẵng có sự góp mặt của BSCK1. Đoàn Kim Liên - Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS và Quản lí điều trị nghiện chất, ông Bùi Ngọc Chương - Cán bộ Quản lý Chương trình can thiệp giảm hại cùng các thành viên trong đoàn; về phía Đại học Duy Tân, có sự tham gia của TS. BS. Hoàng Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Y Dược, ThS. Nguyễn Thị Tuyết - Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên cùng hơn 200 sinh viên ở nhiều ngành học.
Phát biểu tại buổi lễ, BSCK1. Đoàn Kim Liên cho biết: “Đại diện cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, chúng tôi cảm thấy rất vui khi Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo cùng Ban chấp hành Đoàn trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi được tiếp cận với các em sinh viên để từ đó lan toả những điều bổ ích về phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Vào ngày 4/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1246/QĐ-TTg về chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Do vậy chúng tôi phải nhờ đến sự chung tay hỗ trợ của Ban ngành, Đoàn thể và đông đảo sinh viên từ nhiều trường đại học.”
Được biết, từ năm 2020, Việt Nam có số lượng người nhiễm HIV mới tăng lên 13.000-14.000 người/năm. Đáng chú ý, mỗi tháng ghi nhận gần 1.000 người nhiễm HIV, trong đó hơn 80% bị lây nhiễm qua con đường tình dục, đặc biệt tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 ca nhiễm HIV và 1.378 ca tử vong. Con số nhiễm HIV ngày càng tăng lên đã trở thành bài toán khó cho các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh trên khắp các tỉnh thành. Chính vì lẽ đó, BSCK1. Đoàn Kim Liên đã chia sẻ kiến thức, thông tin về tình dục an toàn, kiến thức về HIV/AIDS, về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh, chữa bệnh và những hiểu biết, kiến thức cần thiết chính xác về HIV của mỗi cá nhân.
Toàn thể sinh viên cùng các giảng viên và
cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp. Đà Nẵng cùng chụp ảnh lưu niệm
Với cách truyền đạt sinh động, hấp dẫn và gần gũi của BS. Kim Liên, các bạn sinh viên được hiểu rõ nét về cách phòng tránh lây nhiễm căn bệnh HIV và cách phòng tránh trước phơi nhiễm. Được biết, PrEP là thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm rất cao. Khi sử dụng PrEP nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ và điều trị tốt. PrEP được sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm với HIV.
Chương trình “Truyền thông về Dự phòng Phơi nhiễm với HIV (PrEP)” đã lan tỏa những kiến thức bổ ích về PrEP đến đông đảo các bạn sinh viên, góp phần đẩy nhanh tiến độ Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030. Có thể nói, đây còn là hành trang rất quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe, xây dựng tương lai cho các bạn trẻ hiện tại và mai sau.
(Truyền Thông)