Nhằm cung cấp kiến thức về mô hình kinh doanh, công tác quản lý giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, Đại học Duy Tân đã tổ chức Workshop “Good things take time” diễn ra vào sáng ngày 9/11/2020 tại cơ sở số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Chương trình có sự tham dự của diễn giả Phan Thế Đức - Giám đốc Đại diện miền Trung TOPPION Group, ThS. Trương Tiến Vũ - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp, bà Nguyễn Hữu Nhi - Giám đốc Hult Prize on Campus Đại học Duy Tân cùng đông đảo các cán bộ và sinh viên Duy Tân.
Các khách mời tham dự Workshop “Good things take time”
Workshop “Good things take time” là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của cuộc thi Hult Prize. Tại đây, diễn giả Phan Thế Đức đã chia sẻ về các chủ đề như: mô hình khởi nghiệp kinh doanh, phát triển khách hàng, giá trị cảm nhận của khách hàng, vòng tròn khởi nghiệp và học từ thất bại. Trong đó, ý tưởng xây dựng dự án kinh doanh, những “giá trị cốt lõi” làm nên một doanh nghiệp thành công, quá trình thay đổi và phát triển của một Startup, tìm kiếm khách hàng phù hợp hay cách thức nắm bắt được tâm lý khách hàng và mang lại sự hài lòng cho họ,… tất cả đều được diễn giả chia sẻ đầy tâm huyết. Các kiến thức và kỹ năng này có thể hỗ trợ phần nào cho sinh viên trong việc xây dựng mô hình quản lý hiệu quả và tích lũy thêm kinh nghiệm để sẵn sàng bước vào “trạm khởi động” của cuộc thi Hult Prize 2021.
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, diễn giả Phan Thế Đức - Giám đốc Đại diện miền Trung TOPPION Group cho biết: “Khi các bạn khởi nghiệp, ngoài kinh nghiệm, kiến thức, tiền bạc hay các mối quan hệ thì còn cần phải hội đủ 3 yếu tố là: chiến lược đúng, năng lực đủ và niềm tin vững vàng. Các bạn sẽ thấy, nếu như chỉ có chiến lược đúng, năng lực đủ mà không có niềm tin thì khả năng thất bại rất cao. Niềm tin là một điều vô cùng quan trọng để theo đuổi đam mê, vượt qua mọi chông gai trên con đường khởi nghiệp.”
Diễn giả Phan Thế Đức chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên Duy Tân
Khuấy động không khí tại buổi Workshop “Good things take time” là cuộc tranh tài quyết liệt của 8 đội thi trong một trò chơi thú vị về ý tưởng khởi nghiệp. Mỗi đội chơi có từ 7 - 8 sinh viên tham gia và ý tưởng sẽ dựa vào 1 trong số 11 gợi ý từ Ban Tổ chức cuộc thi Hult Prize, gồm: an toàn vệ sinh thực phẩm; được giá mất mùa, được mùa mất giá; vấn đề xuất nhập khẩu; thực phẩm có dinh dưỡng cao; quy hoạch lương thực chưa bền vững tại quốc gia Việt Nam; ứng dụng công nghệ 4.0; trình độ và kiến thức chung của người nông dân; biến đổi khí hậu. Tiếp theo đó, mỗi đội sẽ thuyết trình ngắn gọn trong vòng 5 phút. Kết thúc phần thi, dự án tạo ra app Smart garden để kiểm soát quy trình trồng rau sạch và dự án Sử dụng rác vô cơ làm phân bón của đội 1 và đội 8 đã xuất sắc giành chiến thắng.
Được biết, Hult Prize hay được gọi là “giải Nobel dành cho sinh viên” là một giải thưởng khởi nghiệp thường niên dành cho sinh viên trên toàn thế giới. Đây là hoạt động do Đại học Kinh doanh Quốc tế Hult phối hợp cùng với quỹ Clinton Global Initiative (CGI) do cựu tổng thống Mỹ - Bill Clinton bảo trợ tổ chức. Mục đích chính của cuộc thi Hult Prize 2021 là khuyến khích giới trẻ, đặc biệt là sinh viên khởi nghiệp cùng các ý tưởng kinh doanh để giải quyết các vấn đề xã hội. Thông điệp của giải thưởng chính là thúc đẩy phát triển kinh tế gắn kết với lợi ích cộng đồng, cải thiện đời sống người dân. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 1.000.000 USD và sẽ được trao cho các sinh viên có ý tưởng xuất sắc nhất.
(Truyền Thông)