English

Đại học

Livestream số 2: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Cơ hội việc làm cho Sinh viên Khối ngành Kiến trúc, Xây dựng, Thiết kế Đồ họa & Thiết kế Thời trang”

Chiều ngày 19/2/2020, Đại học Duy Tân tiếp tục phát sóng trực tiếp Livestream Tư vấn tuyển sinh số 2 với chủ đề “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Cơ hội việc làm cho Sinh viên Khối ngành Kiến trúc, Xây dựng, Thiết kế Đồ họa & Thiết kế Thời trang”. Đây là một trong những cơ hội tốt để ban cố vấn giải đáp tận tình những thắc mắc của thí sinh và các bậc phụ huynh dành cho lĩnh vực này.
 
Tham gia tư vấn tuyển sinh trong Livestream số 2 có sự góp mặt của PGS. TS. Nguyễn Thế Dương - Trưởng khoa Xây dựng, TS. Lê Vĩnh An - Trưởng khoa Kiến trúc & Mỹ Thuật, ThS. Lương Xuân Hiếu - Phó khoa Kiến trúc & Mỹ Thuật, ThS. Trần Thanh Bình - Quyền Trưởng Bộ môn Đồ họa, TS. Trần Thủy Bình - Trưởng Bộ môn Thời trang, ThS. Ngô Quang Tâm - Giảng viên khoa Kiến trúc.
 
Livestream số 2: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Cơ hội việc làm cho Sinh viên Khối ngành Kiến trúc, Xây dựng, Thiết kế Đồ họa & Thiết kế Thời trang”
Các cán bộ, giảng viên của Đại học Duy Tân 
tham gia giải đáp thắc mắc tại Livestream số 2
 
Theo dõi Livestream, nhiều thí sinh rất yêu thích ngành Thiết kế Đồ họa nhưng lại chưa biết vẽ nên đắn đo không biết phải có những điều kiện gì để xét tuyển ngành học này. Để giải đáp các thắc mắc về vấn đề này, ThS. Trần Thanh Bình - Quyền Trưởng Bộ môn Đồ họa chia sẻ: “Môn vẽ là môn học quan trọng nhưng đó chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Khi các em chưa biết vẽ, các em có thể được đào tạo các môn vẽ căn bản cho cả vẽ màu và vẽ hình trong vòng 2 năm đầu. Do đó, các em có thể yên tâm rằng sẽ được cung cấp các kỹ năng và kiến thức trong những năm đầu để làm nền tảng chuyển tiếp qua các năm sau, khi bước vào chuyên ngành.” 
 
Bổ sung thêm về điều kiện xét tuyển vào khoa Kiến trúc nói chung và ngành Thiết kế thời trang nói riêng, ThS. Lương Xuân Hiếu - Phó khoa Kiến trúc & Mỹ Thuật trả lời: “Khoa chúng tôi có 3 hình thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, khoa Kiến trúc còn có thêm 1 điều kiện nữa là các bạn phải có thêm điểm mỹ thuật. Để có được điểm vẽ đó, các bạn có 2 lựa chọn: thứ 1, các bạn có thể đăng ký thi vẽ ở bất kỳ trường nào trên cả nước, sau đó dùng số điểm ấy nộp về Đại học Duy Tân để xét tuyển; thứ 2: hàng năm, nhà trường có tổ chức 1 đợt thi vẽ mỹ thuật và dự kiến trong năm nay sẽ thi vào ngày 4 - 5/7/2020. Hình thức đăng ký cực kỳ đơn giản, các bạn có thể lên trang tuyển sinh của Đại học Duy Tân để đăng ký trực tuyến hoặc tải các văn bản hướng dẫn và điền đầy đủ thông tin để gửi về cho chúng tôi.
 
Tìm hiểu về ngành Xây dựng, bạn Tân Nguyễn có câu hỏi rằng: “Công nghệ BIM là công nghệ gì và hỗ trợ như thế nào đối với ngành Xây dựng?”. Giải đáp những thắc mắc này, ThS. Ngô Quang Tâm - Giảng viên khoa Kiến trúc trả lời: “Hiện nay, đào tạo các chuyên ngành về xây dựng đều triển khai sử dụng công nghệ BIM. Về thiết kế xây dựng, mục đích chính là chuyển giao bản vẽ sang thi công dưới sự chấp thuận của người thiết kế và chủ đầu tư. Trong đó, tất cả các quá trình từ thiết kế, thi công và vận hành đều nằm trong 1 vòng đời.” 
 
Thêm vào đó, TS. Lê Vĩnh An - Trưởng khoa Kiến trúc & Mỹ Thuật bổ sung về lợi ích mà công nghệ BIM mang đến cho ngành Xây dựng: “Công nghệ BIM sinh ra để giúp cho các Kiến trúc sư hoặc Kỹ sư xây dựng làm được những công việc mà không dễ gì con người làm được. Bởi vì BIM được tích hợp từ các thuật toán và các ứng dụng công nghệ quản lý trong đó. Thế thì, khi các kỹ sư nắm bắt được công nghệ BIM, họ sẽ thực hiện được các dự án một cách đơn giản và thuần thục. Đối với các kỹ sư xây dựng, họ còn phải quản lý các vật liệu xây dựng, những rủi ro gặp phải và thiết lập một quy trình xây dựng khoa học thì chính công nghệ BIM sẽ hỗ trợ đắc lực rất nhiều.
 
Livestream số 2: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Cơ hội việc làm cho Sinh viên Khối ngành Kiến trúc, Xây dựng, Thiết kế Đồ họa & Thiết kế Thời trang”
TS. Lê Vĩnh An - Trưởng Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật 
giải đáp thắc mắc của các thí sinh tại Livestream số 2
 
Quan tâm đến ngành Xây dựng và băn khoăn về ngành học mới, bạn Hà Nguyễn đã đặt câu hỏi: “Thầy có thể giới thiệu sơ qua về chương trình đào tạo ngành Quản trị và Kinh doanh bất động sản và cơ hội việc làm sau khi ra trường?
 
PGS. TS. Nguyễn Thế Dương - Trưởng Khoa Xây dựng trả lời: “Đây là một ngành học mới và Đại học Duy Tân sẽ bắt đầu tuyển sinh vào năm nay. Từ trước đến nay chúng ta hiểu kinh doanh bất động sản chính là việc bán lô đất, bán ngôi nhà và có lời. Thế nhưng, dưới sự phát triển của khoa học công nghệ và sự dịch chuyển các ngành nghề trong khu vực châu Á thì việc mua đi bán lại 1 lô đất, 1 căn chung cư, 1 ngôi nhà không còn đúng. Và các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, không có nghĩa chỉ xây lên để bán mà kinh doanh bất động sản chính là kinh doanh trong suốt vòng đời của dự án, tính từ lúc chúng ta đầu tư đến lúc phá dỡ công trình đó. Do vậy, để trở thành những người kinh doanh, quản lý, quản trị bất động sản theo nghĩa rộng thì các bạn sẽ được học các kiến thức về tài chính, phân tích dữ liệu (big data 4.0) để phân tích xu thế thị trường, xu thế bất động sản và nhu cầu của con người. Từ đó, đưa ra các quyết định đầu tư xây dựng và thiết kế đúng đắn. Trong quá trình học, chúng tôi còn đào tạo cho các bạn về công tác quản lý mang tính chất kỹ thuật nhằm phát huy và nâng cao giá trị của công trình. Đây là chuyên ngành mang tính tổng hợp về kỹ thuật, tài chính và quản trị. Tôi nghĩ đây là ngành học mới và có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai khi phát triển sự nghiệp tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội,…
 
Bên cạnh đặt câu hỏi trực tiếp trên Livestream, nhiều bạn trẻ cũng đã gửi inbox cho Fanpage của Đại học Duy Tân để được các cán bộ tư vấn tuyển sinh của nhà trường tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Livestream Tư vấn tuyển sinh số 3 với chủ đề “Đa dạng các phương thức tuyển sinh & Ngành mới” sẽ được trực tiếp phát sóng ngày 22/2/2020 trên Fanpage của Đại học Duy Tân. Hãy cùng theo dõi và lắng nghe những chia sẻ cũng như giải đáp thắc mắc từ phía các thầy cô Đại học Duy Tân để có những sự chọn về ngành nghề phù hợp với bản thân nhé!
 
(Truyền Thông)