English

Giấc mơ Duy Tân

Duy Tân - Khát vọng đổi mới

Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động Lê Công Cơ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng (DTU) đã nhiều lần nói rằng: “Duy Tân là đổi mới, phát huy tinh thần Duy tân xưa và khát vọng đổi mới ngày nay, sẽ thích ứng với sự phát triển không ngừng của đất nước”.
 
Đại học Tư thục đầu tiên của Miền trung đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (trái) trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Đại học Duy Tân tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trường. Ảnh: T.B
 
Khát vọng đổi mới 
 
Với khát vọng đó, trong suốt 25 năm kể từ khi thành lập, đi từ chỗ hầu như tay trắng, nhưng bằng nhiệt huyết, con tim và khối óc của tập thể, DTU đã xây dựng và phát triển thành trường đại học lớn mạnh như ngày nay. Từ lúc đầu chỉ được Bộ GD-ĐT cho tuyển 550 sinh viên (SV), bây giờ được tuyển 5.500 SV/năm. Từ chỗ Bộ chỉ cho đào tạo 4 ngành, hiện nay đã đào tạo 28 ngành với 44 chuyên ngành. Từ chỗ Bộ chỉ cho đào tạo đại học, sau đó đào tạo cao đẳng, trung cấp; và từ năm 2009 đến nay Bộ cho phép triển khai chương trình đào tạo sau ĐH ở 3 ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin (CNTT) và Kế toán.
 
Đáng kể, từng bước DTU đã ký đào tạo với gần 250 doanh nghiệp (DN) hàng đầu tại miền Trung cùng hàng trăm DN khác hợp tác để tạo công ăn việc làm cho gần 70.000 SV tốt nghiệp của nhà trường - minh chứng thuyết phục cho khẩu hiệu đồng hành của DTU là “Tất cả vì quyền lợi học tập và việc làm cho sinh viên”. DTU đã thực sự trở thành thương hiệu đáng tin cậy của phụ huynh, học sinh, của nhiều DN, cơ quan và bạn bè quốc tế.
 
Từ 10 năm trước, Giáo sư Don Marinelli - Giám đốc Trung tâm Công nghệ giải trí thuộc Trường Đại học Carnegie Mellon (CMU) Mỹ, trong một chuyến thăm và giảng dạy tại DTU nhận xét nhà trường đã mạnh dạn đầu tư, tiếp cận chuẩn quốc tế. Nhận định này từ thực tế, ngày 1.5.2008 DTU đã hợp tác với CMU - một trong 4 trường mạnh nhất về CNTT Mỹ chuyển giao chương trình đào tạo. Đây là bước phát triển đột phá và quan trọng của DTU trong hợp tác quốc tế. Những năm sau này, có nhiều trường đại học uy tín trên thế giới đã chọn DTU làm đối tác tại Việt Nam như: Đại học bang Pennsylvania (PSU), Đại học bang Califonia ở Fullerton (CSU), Đại học Appachian State - Mỹ,… Qua đó đã chuyển giao 14 chương trình với hơn 1.000 giảng viên quốc tế đến giảng dạy tại DTU; hơn 400 lượt giảng viên DTU đi tập huấn cùng nhiều SV học tập tại nước ngoài, giúp DTU trở thành thành viên thứ 2 của tổ chức CDIO (sau Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).
 
Đối với các nước cùng khu vực ASEAN, DTU đã có sự hợp tác tốt đẹp với sự ra đời của chương trình P2A. Đây là chương trình do Trường Đại học Rangsit Thái Lan khởi xướng từ tháng 6.2012, với sự tham gia đồng sáng lập của Đại học Norton Campuchia, DTU Việt Nam, Đại học Quốc gia Lào, Viện máy tính Myanmar, như cây cầu nối hiệu quả trong hành trình đến với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC - thành lập năm 2015). Trường Đại học Duy Tân - thành viên duy nhất của Đại học Việt Nam cùng các trường bạn đã tạo nên dấu mốc quan trọng trong việc giao lưu, hội nhập giáo dục của các nước  khu vực ASEAN.
 
Cú hattrick 2019
 
Tại DTU có đội ngũ nhân sự 1.208 người; trong đó có 814 giảng viên cơ hữu, gồm 207 giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư, đạt tỷ lệ gần 25,5%.
 
Năm 2017 DTU là một trong 20 trường đại học đầu tiên được công nhận đạt kiểm định chất lượng quốc gia. Đặc biệt hơn, ngày 15.12.2019 vừa qua, Tổ chức xếp hạng đại học thế giới - URAP (University Ranking by Academic performance) đã chính thức công bố kết quả xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới năm 2019 - 2020. Theo đó, Việt Nam có 8 trường được ghi tên xếp hạng, trong đó  DTU là trường đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam vinh dự có tên trong bảng vàng này.
 
URAP là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2009, mục tiêu xếp hạng 2.500 đại học thế giới bằng thành tựu học thuật trong 5 năm gần nhất, tiêu chí từ cơ sở dữ liệu do Web of Sciences thống kê. Nếu như năm 2018 - 2019 Việt Nam có 7 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng thì năm 2019 - 2020 có thêm DTU. Việc sử dụng cơ sở dữ liệu khoa học uy tín hàng đầu thế giới để xếp hạng mà không dùng số liệu do các trường đại học tự cung cấp, cũng không dựa trên kết quả bầu chọn của chuyên gia nên URAP ngày càng trở nên uy tín bởi tính khách quan.
 
Dấu ấn trên là “cú hattrick” ngoạn mục của DTU trong năm 2019. Bởi trước đó, ngày 27.8.2019, Tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo Kỹ thuật - Công nghệ ABET (Mỹ) đã công bố kết quả kiểm định 2 chương trình đào tạo của DTU: Kỹ thuật mạng và Hệ thống thông tin quản lý. DTU trở thành trường đại học thứ 2 của Việt Nam có các chương trình đạt chuẩn kiểm định của ABET, sau Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (năm 2014). DTU là trường đại học Việt Nam đầu tiên hiện có 2 chương trình Kỹ thuật mạng và Hệ thống thông tin quản lý đáp ứng 100% tiêu chí của ABET với mức kiểm định cao nhất kéo dài 6 năm, tính đến tháng 9.2025. Tiếp đó, đến ngày 27.11.2019, DTU là một trong 8 trường đại học của Việt Nam vào tốp 500 trường đại học hàng đầu châu Á, do Tổ chức giáo dục Quacquarell Symonds (QS, Anh) xếp hạng.
 
(Nguồn:http://baoquangnam.vn/giao-duc/duy-tan-khat-vong-doi-moi-83124.html)