English

Thể Thao - Văn hóa

Cùng nhau, Duy Tân đổi mới Du lịch Việt

GS-TS. Lim Sang Taek - Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu du lịch của Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng xác định tầm nhìn của viện là “Together, Duy Tan Innovation V - Tourism - Cùng nhau, Duy Tân đổi mới du lịch Việt Nam”.
 
Chiều 26.9, Đoàn nghệ thuật Yecheon Tongmyeong Nongyo Conservation Association (Hàn Quốc) với 24 thành viên đã có buổi giao lưu nghệ thuật với Viện Đào tạo và nghiên cứu du lịch - Trường Đại học Duy Tân (DTU). Tham dự có Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cùng đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên của viện.
 
Hát về cây lúa xưa nay
 
Ông Choi Bu Rim - đại diện Đoàn nghệ thuật cho biết, "Yecheo Tongmyeong" là bài hát cổ xưa lưu truyền bởi rất nhiều cư dân địa phương ở Tongmyeong trước khi biến mất dần vào những năm 1950. Bài hát đã được hồi sinh hoàn toàn vào năm 1974 bởi Ham Bong-jun, Gang Won-hui và những người khác. Bài hát được trình diễn lần đầu tiên tại Lễ hội văn hóa Yecheon vào năm 1974, được nhận giải thưởng của Tổng thống tại cuộc thi nghệ thuật dân gian quốc gia 1979. Đồng thời, Yecheon Tongmyeong Nongyo được phong tặng là Tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng quốc gia số 84-B để bảo quản theo Luật Bảo vệ tài sản văn hóa năm 1985.
 
Cùng nhau, Duy Tân đổi mới Du lịch Việt
Tiết mục múa hát về cây lúa do Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc biểu diễn. Ảnh: Q.L
 
Lễ hội bài hát "Tongmyeong" được tổ chức tháng 6 hàng năm tại Tongmyeong-ri, Yecheon-eup, Yecheon-gun, Gyeongsang-bukdo. Nó bao gồm các bài hát cho toàn bộ quá trình canh tác lúa, từ gieo hạt đến thu hoạch như: Aburacisuna (bài hát trồng lúa), Dowumso (hát khi rời cánh đồng lúa sau khi lúa được trồng), Aaehangeheh (hát trong khi nhổ cỏ), Aeiyong (hát sau khi cánh đồng lúa được nhổ cỏ), Gaengmakungkingnosae (hát khi nông dân trở về nhà sau khi nhổ cỏ).
 
Cùng nhau, Duy Tân đổi mới Du lịch Việt
Tiết mục múa đèn lồng Hội An của sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: Q.L
 
Hàng năm, bài hát này được Đoàn nghệ thuật giao lưu, biểu diễn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore... và được đánh giá cao. Bài hát đã làm dịu nỗi đau của lao động nông nghiệp vất vả, nặng nhọc và khát khao mưa thuận, gió hòa, được mùa no ấm... Người Hàn Quốc có ngạn ngữ "shin to bul ee" nghĩa là "thể xác và đất hòa làm một", con người phải hòa hợp với thế giới tự nhiên. Vì thế việc người nông dân hát cho toàn bộ quá trình canh tác lúa như thế xứng đáng là di sản cần được bảo tồn, giao lưu và phát triển cho con cháu mai sau.
 
"Cùng nhau, Duy Tân đổi mới du lịch Việt Nam"
 
GS-TS. Lim Sang Taek - Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu du lịch DTU mới đây vinh dự được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trao tặng giải thưởng "Thành tựu cuộc đời" vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Hàn Quốc. Chia sẻ với Báo Quảng Nam, GS-TS. Lim Sang Taek nói: "Giải thưởng này không được trao thường niên mà sẽ trao ở thời điểm bất kỳ, khi có người đáp ứng được các tiêu chí đề ra của Chính phủ đối với những giáo sư làm việc lâu năm. Đây thực sự là một vinh dự lớn, là phần thưởng cao quý đối với tôi".
 
Từng tốt nghiệp cử nhân Khoa học tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc), thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Dallas (Texas, Mỹ) và tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học United International (California, Mỹ), GS-TS. Lim Sang Taek đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và quản lý tại Khoa Quản trị du lịch quốc tế của Đại học Dong A (Busan, Hàn Quốc) và được Đại học Griffith (Queesland, Úc) mời làm giáo sư thỉnh giảng. Sau đó, ông trực tiếp đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Giáo dục trọn đời của Đại học Dong A và Chủ tịch Hiệp hội Tương lai du lịch Busan (BTFT). Hiện nay, GS-TS. Lim Sang Taek đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (APTA) và là thành viên Cục An ninh hàng không, Bộ Tài nguyên và giao thông vận tải Hàn Quốc.
 

Cùng nhau, Duy Tân đổi mới Du lịch Việt

Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc và Trường Đại học Duy Tân chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Q.L
 
Là người tâm huyết với ngành du lịch nên GS-TS. Lim Sang Taek đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về du lịch Việt Nam. Ông nhận thấy Đà Nẵng nói riêng, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thực sự là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch. Đặc biệt là mối quan hệ hợp tác bền vững giữa Đại học Dong A với DTU trong nhiều năm qua đã tạo cơ hội để ông tìm hiểu một cách sâu sắc về quá trình xây dựng, trưởng thành cũng như đào tạo ngành Du lịch của DTU.
 
"Tôi đã quyết định đầu quân về DTU với quyết tâm sẽ làm việc với tinh thần của một Park Hang Seo ở Viện Đào tạo và nghiên cứu du lịch DTU. Tôi cũng như các đồng nghiệp của mình ở DTU đã xác định tầm nhìn của viện này là "Together, Duy Tan  Innovation V - Tourism - Cùng nhau, Duy Tân đổi mới du lịch Việt Nam" để cống hiến vì mục đích cao cả hơn nữa. Đó là nghiên cứu và đào tạo để đẩy mạnh du lịch Việt Nam lên một bước phát triển mới, phục vụ tốt nhất cho đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt cũng như du khách quốc tế" - GS-TS. Lim Sang Taek trải lòng.
 
(Nguồn:http://baoquangnam.vn/du-lich/201909/cung-nhau-duy-tan-doi-moi-du-lich-viet-874542/index.htm)