English

Đại học

Tọa đàm “Cộng đồng Đông Á: Từ Ý tưởng đến Hiện thực”

Sáng ngày 16/11/2017, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Cộng đồng Đông Á: Từ ý tưởng đến hiện thực”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Thu Mỹ - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cùng đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân.

 Tọa đàm “Cộng đồng Đông Á: Từ Ý tưởng đến Hiện thực”
 PGS. TS. Nguyễn Thu Mỹ nhận quà lưu niệm của Đại học Duy Tân...
 
Tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thu Mỹ đã trình bày nhiều vấn đề xoay quanh việc hình thành ý tưởng và tiến tới thành lập Cộng đồng Đông Á. Theo đó, ý tưởng xây dựng Cộng đồng Đông Á ban đầu được Nhật Bản đưa ra nhưng không thực hiện được bởi Nhật Bản sử dụng chiến tranh xâm lược với mong muốn hiện thực hóa ý tưởng đó. Đến năm 1990, Thủ tướng Malaysia là Mahathir Mohamad một lần nữa đã đưa ra ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á. Để biến ý tưởng đó thành hiện thực, ông đề xuất lập Nhóm Kinh tế Đông Á bao gồm các nước trong khối ASEAN cộng với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đến năm 2001, ASEAN + 3 tiếp tục đề xuất thành lập Cộng đồng Đông Á (EAC) và lấy hoà bình, thịnh vượng, tiến bộ là mục tiêu cao nhất của Hợp tác Đông Á.

Tọa đàm “Cộng đồng Đông Á: Từ Ý tưởng đến Hiện thực” 
... và trình bày các nội dung của buổi tọa đàm 
 
Theo PGS. TS. Nguyễn Thu Mỹ, EAC được thành lập có thể ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hoà bình giữa các quốc gia Đông Á; Thúc đẩy mậu dịch, đầu tư tài chính và phát triển ở Đông Á; Thúc đẩy an ninh con người, thịnh vượng đồng thời Nuôi dưỡng và phát huy bản sắc văn hoá của Đông Á. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái ngược về việc thành lập Cộng đồng Đông Á. Những người ủng hộ cho rằng Chiến tranh lạnh đã kết thúc nên các rào cản về khác biệt chính trị, hệ tư tưởng đã được lắng xuống, Hội nhập Đông Á mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia,... do đó việc thành lập Cộng đồng Đông Á là phù hợp và cần thiết. Bên cạnh đó, những người phản đối cho rằng Đông Á quá đa dạng về lịch sử, văn hóa, chế độ chính trị, trình độ phát triển và nhiều vấn đề do lịch sử để lại chưa được giải quyết nên khó có thể tạo thành một khối thống nhất.

Bạn Trương Ngọc Tự (Cựu sinh viên Khóa K19 VBC - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: “Buổi tọa đàm không chỉ là cơ hội để những sinh viên đã tốt nghiệp như em được giao lưu, học hỏi với những chuyên gia đầu ngành như PGS. TS. Nguyễn Thu Mỹ mà còn giúp em hiểu hơn các vấn đề mang tính thời sự, có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của Việt Nam. Qua đó, em có thể trau dồi thêm kiến thức, nâng cao được hiểu biết của bản thân và có thể sử dụng để phục vụ công việc.”

(Truyền Thông)