English

Giấc mơ Duy Tân

… Phải biết nuôi lửa, giữ lửa để thực hiện “Khát vọng Duy Tân - Top 300 Đại học Châu Á” (*)

Với 5 định hướng chiến lược là “Anh ngữ hóa, Tin học hóa, Chuyên nghiệp hóa, Quốc tế hóa, Trẻ hóa”, Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã trải qua muôn vàn khó khăn để chèo lái con thuyền Duy Tân thành một học hiệu mang tính bền vững như ngày hôm nay và uy tín của trường - là một trong ít ỏi trường đại học ngoài công lập - được công nhận trong và ngoài nước. Đại học Duy Tân cũng là trường đại học ngoài công lập đầu tiên được phép đào tạo ba ngành trình độ Tiến sĩ là Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh và Kế toán…
 
Với tâm huyết của một nhà giáo, nhà quản lý, nhân Khai giảng năm học 2017 - 2018 và chào đón Tân sinh viên khóa 23 tựu trường, Thầy Lê Công Cơ đã phát biểu trước đông đảo Quý đại biểu khách mời, các giảng viên - nhân viên, phụ huynh và tân sinh viên. Trung tâm Truyền thông xin đăng toàn văn bài nói chuyện của thầy (từ băng ghi âm). 
 
Trân trọng được giới thiệu.
Hôm nay, chúng ta làm Lễ Khai giảng khóa 23, tức đã đi một chặng đường 23 năm. Đặc biệt, lễ khai giảng này với chủ đề “Khát vọng Duy Tân - Top 300 Đại học Châu Á”. Tôi đại diện nhà trường phát biểu tiêu đề: “Thành tựu, và hướng tới tương lai”
 
Năm 1992, có 3 người đứng ra thành lập một Ban vận động để hình thành Đại học Tư thục miền Trung. Sau mấy tháng, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị đổi tên trường, vì sau này miền Trung có nhiều trường thì thế nào, cô Nguyễn Thị Lộc đã đổi tên trường thành Đại học Duy Tân. Duy Tân là đổi mới, khát vọng Duy Tân là khát vọng đổi mới, đổi mới để hội nhập, để phát triển, để bền vững, để đưa đất nước chúng ta tiến lên.

… Phải biết nuôi lửa, giữ lửa để thực hiện “Khát vọng Duy Tân - Top 300 Đại học Châu Á” (*)
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị,
Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học 2017 - 2018

Từ khát vọng đó, chúng ta đi từ chỗ hầu như tay trắng, một vài người có tâm huyết, chúng ta không có đất đai, không có tiền vốn của những tập đoàn, vì lúc bấy giờ chúng ta còn ở trong cấm vận của Mỹ. Nhưng với bàn tay, khối óc và trái tim, chúng ta làm nên Đại học Duy Tân ngày nay. Thành tựu đó là gì: từ lúc đầu chỉ được Bộ cho tuyển 550 sinh viên, bây giờ chúng ra được tuyển sinh 5.500 sinh viên, gấp 10 lần. Từ chỗ Bộ chỉ cho đào tạo 4 ngành, hiện nay chúng ta đào tạo 21 ngành với 44 chuyên ngành. Từ chỗ Bộ chỉ cho đào tạo đại học, sau đó ta xin đào tạo cao đẳng, trung cấp, từng bước đến 2009, Chính phủ cho đào tạo Sau Đại học. Từng bước chúng ta đẩy đào tạo lên, đi vào hợp tác với các doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho sinh viên, vì khẩu hiệu của chúng ta là “Tất cả vì quyền lợi học tập và việc làm của sinh viên”. Chúng ta tạo ra một số chương trình hợp tác quốc tế, có thể nói Đại học Duy Tân về mảng hợp tác quốc tế là nổi trội nhất. Chúng ta hợp tác với trường đầu tiên là Canergie Mellon - một trong 4 trường hàng đầu của Mỹ về đào tạo Công nghệ Thông tin, tiếp theo là trường PenState, California State, Purdue, họ đã chuyển giao cho chúng ta 14 chương trình, và chúng ta đã đưa trên 400 lượt giảng viên đến Mỹ tập huấn từ 1 - 4 tháng, từ đó hình thành nên khối Đào tạo quốc tế của Duy Tân. Nhờ sự hợp tác này, chúng ta trở thành thành viên thứ 2 của tổ chức CDIO, sau Đại học Quốc gia Tp. HCM và sau đó là PBL thế giới. 

Về nghiên cứu khoa học, chúng ta đi từ con số 0, năm 2009, khi kiểm định lần 1, trường Duy Tân 0 điểm về nghiên cứu khoa học, nhưng từ 2010 đến nay, chúng ta đã phát triển nghiên cứu khoa học trở thành điểm sáng của trường. Chúng ta có 25 công trình Nafosted, trên 650 bài báo ISI công bố quốc tế. Và chúng ta tạo ra cơ sở vật chất, từ đi thuê mướn, nay chúng ta có 5 cơ sở đào tạo, với diện tích sàn gần 70.000 mét vuông, đặc biệt xây dựng đội ngũ từ mấy người, dần dần phát triển. Tuy nhiên, chúng ta gặp phải một khó khăn là đào tạo 3, giữ được 1, đến hôm nay ta có trên 1.100 cả giảng viên, nhân viên, trong 750 giảng viên, số giảng viên trình độ từ Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư chiếm 19,5%, đây là con số biết nói, chính nó làm nên tầm vóc Duy Tân. Chúng ta tuyển vào trên 90.000 sinh viên, và gần 60.000 đã tốt nghiệp, tạo lực lượng có trí tuệ, góp phần nhỏ vào công cuộc xây dựng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, các tỉnh lân cận và một số tỉnh khác. Chúng ta đạt được những thành tựu bước đầu và đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo cử nhiều đoàn về thanh tra, kiểm tra, để xem chúng ta có làm đúng với luật và quy chế không. Rất nhiều lần chúng ta được đánh giá tốt. Năm 2016, đoàn kiểm định đánh giá ngoài của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam về kiểm định và chúng ta đã đạt được 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định, và trở thành trường đại học Tư thục đầu tiên trong cả nước đạt yêu cầu. Đây cũng là cái nền để chúng ta nói tới tương lai. 

Dĩ nhiên, không có sự tạo dựng nào trên cuộc đời mà không có những giấc mơ, giống như ngọn tháp cao vút được xây dựng trên một đế thớt, và chúng ta từng bước tạo cái đế này để nhìn về tương lai. Tương lai dài hay ngắn là tùy sự nỗ lực của chúng ta, nhưng để có thể làm được một trường đại học có mặt với khu vực và thế giới, nó phải đạt được những yêu cầu lớn mà thế giới quy định. Chúng ta hội nhập, định hướng và từ đó định ra hướng đi phù hợp, vì nó đòi hỏi nguồn lực rất lớn, mà ta từ học phí của sinh viên là chính, do đó phải tính toán chi vào việc gì có lợi cho người học và đời sống của cán bộ giảng viên được tăng lên. Chúng ta quan niệm, mỗi sinh viên là một đơn vị tài chính, chúng ta tuyển sinh không được là sẽ gặp khó khăn. Hầu như miền Trung, các em vào trường nhà nước là chính, vì nơi đó học phí thấp và bề dày lâu năm, bên cạnh đó tâm lý xã hội trọng công khinh tư. Nhưng rất mừng, nhiều em đến với Duy Tân, vì nơi đây, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu, môi trường học tập thân thiện, gần gũi, tạo cho các em niềm đam mê. 

Đại học Duy Tân đi từng bước, và bây giờ ta phải kiểm định một số chương trình đạt chuẩn quốc tế. Mục tiêu này rất quan trọng vì Sứ mệnh năm 1992, khác với Sứ mệnh sau khi được đoàn đánh giá ngoài kiểm định và chúng ta sửa lại như sau: “Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu”.
 
 … Phải biết nuôi lửa, giữ lửa để thực hiện “Khát vọng Duy Tân - Top 300 Đại học Châu Á” (*)
Với trí tuệ, tâm huyết của lãnh đạo nhà trường; lãnh đạo khoa, phòng,
ban liên quan và sự đồng thuận của cán bộ, giảng viên, nhân viên, hy vọng
“Khát vọng Duy Tân - Top 300 Đại học Châu Á” sẽ sớm trở thành hiện thực 

Mục tiêu mới là kiểm định quốc tế. Phó Hiệu trưởng, TS. Lê Nguyên Bảo đang đảm nhiệm vai trò kiểm định ABET, đây là tổ chức kiểm định nổi tiếng thế giới về Công nghệ Thông tin. Chúng ta đặt mục tiêu đến kỷ niệm 25 năm thành lập trường, chúng ta đạt kiểm định ABET, do vậy phải nỗ lực vì quốc tế kiểm định không đơn giản. NCS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng cũng đang cùng với Khoa Du lịch kiểm định quốc tế về Du lịch, TS. Lê Vĩnh An - Trưởng khoa Kiến trúc sẽ kiểm định chương trình Kiến trúc. Chúng ta phải từng bước làm được những việc này.

Khi nghe Duy Tân khát vọng vào Top 300, có nhiều người gọi điện nói có phải Duy Tân “điếc không sợ súng không”, còn GS. Ngô Bảo Châu khi đến thăm, làm việc với trường cũng rùng mình. Vì Duy Tân là gì mà dám đề ra những mục tiêu như vậy, trong khi biết bao trường cây đa cây đề còn chưa dám nói đến. Xin thưa đó là “khát vọng”, chúng ta có quyền khát vọng, nó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần, hay xa. Ngày xưa khi còn nô lệ, thời đánh Pháp, đánh Mỹ, chúng ta có nghĩ đến ngày độc lập, tự do như hôm nay đâu. Chúng ta khát vọng độc lập, thống nhất, và giờ Duy Tân khát vọng Top 300 Châu Á. Dĩ nhiên lộ trình đi còn vô vàn khó khăn và không đơn giản, các tổ chức kiểm định thế giới đều có những tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể, đánh giá công minh, không thiên vị, ở đây là khoa học.
 
Vừa rồi xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam của một nhóm 4 người đã tạo nên nhiều dư luận. Nhưng Duy Tân suy nghĩ, việc xếp hạng mang tính chất quốc tế là cần phải có, chúng ta đã hội nhập, thì không lý do gì mà không bước vào cuộc đua này. Phải tổ chức lực lượng để đi vào Top 300. Chúng ta chọn Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE), vì tổ chức này có những tiêu chuẩn và tiêu chí hơi phù hợp với chúng ta. Nhưng 5 tiêu chuẩn đưa ra, mỗi tiêu chuẩn có một số tiêu chí kèm theo. Thứ nhất là chất lượng đào tạo, ở đây đòi hỏi người dạy và người học, người quản trị trường phải phối hợp để tạo ra uy tín chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường phải có việc làm. Tiêu chí thứ 2 là tỷ lệ giảng viên, sinh viên đang có. Hiện Duy Tân có trên 20.000 sinh viên, thì tỷ lệ 1.100 giảng viên trên 20.000 đó có phù hợp không. Tỷ lệ tiến sĩ/sinh viên, tiến sĩ/giảng viên và thu nhập của trường có đủ làm những việc đó không. Đặc biệt khó nhất là tiêu chuẩn thứ 2 và 3, là nghiên cứu khoa học. Có 2 mảng, một là khối lượng và thu nhập của nghiên cứu mang lại, mảng thứ hai là trích dẫn mang lại. Vì chức năng của đại học là đào tạo và nghiên cứu, đại học phải sáng tạo, có phát kiến và ý tưởng mới, do đó công tác nghiên cứu không tách khỏi đào tạo, nghiên cứu gắn với đào tạo, gắn với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất, môi trường học tập sẽ tạo ra nghiên cứu có chất lượng.
 
Trường chúng ta đang thử thách những việc này. Hệ số trích dẫn rất quan trọng đối với các bài báo quốc tế. Việc làm này còn gian khổ, nhưng quan trọng là làm sao chúng ta chuyển giao công nghệ được cho doanh nghiệp. Hôm nay có các doanh nghiệp ở đây, rất mong sự hợp tác đôi bên, doanh nghiệp cần gì ở Đại học Duy Tân và Đại học Duy Tân có thể chuyển giao công nghệ gì cho doanh nghiệp! Một tiêu chuẩn nữa là có nhiều giảng viên quốc tế đến giảng dạy và nhiều sinh viên quốc tế đến học tại Duy Tân. Để làm được việc này, chúng ta phải tổ chức lực lượng giống như tổ chức một đội bóng đá. Tiền vệ, hậu vệ, tiền đạo như thế nào, tấn công hay phòng thủ ra sao, đòi hỏi phải tính toán rất cụ thể, lực lượng này đòi hỏi phải tâm huyết, nhất là đội ngũ giảng dạy và học tập của sinh viên. 

Trên đây là lướt qua hướng tới tương lai của Đại học Duy Tân, còn dĩ nhiên, đi vào thực hiện, chúng tôi sẽ tổ chức lực lượng đi tiên phong, cũng có thể có rủi ro, có thể làm được hoặc không. Để làm được việc này, trước hết tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan trung ương có liên quan. Đặc biệt cảm ơn Thành ủy, Ủy ban Nhân dân các cấp của Đà Nẵng đã cưu mang, giúp đỡ chúng tôi. Cám ơn tỉnh bạn Quảng Nam, trước đây tuy hai mà một, tuy một mà hai, đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Cảm ơn các tỉnh bạn ở những nơi xa. Đặc biệt cảm ơn các phụ huynh đã tin tưởng gửi con em đến trường. 

Tôi muốn nói với các em Tân sinh viên khóa 23, nhất là các em ở nơi xa đến với Đà Nẵng, các em phải đặt câu hỏi học để làm gì, phải tạo động lực, phải biết ơn cha mẹ mình, phần lớn là nghèo, dầm sương dãi nắng vất vả để kiếm từng đồng đóng học phí. Thứ hai, phải biết ơn thầy cô ở các cấp đã đào tạo từ cấp 1, 2, 3, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thứ ba là các thầy cô ở mái trường Đại học Duy Tân, dù các em ở trường 4, 5, 6 năm, dù ngắn nhưng quyết định tương lai của các em, đó là kiến thức để các em vào đời tiếp tục học và làm. Cuối cùng, xin cảm ơn các doanh nghiệp, cám ơn các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương suốt 23 năm qua luôn đồng hành cùng Duy Tân, luôn chỉ cho chúng tôi thấy những thiếu sót để khắc phục, cám ơn các doanh nghiệp đã cưu mang cho sinh viên đến thực tập và có việc làm. 

Tôi muốn nói riêng với đội ngũ Duy Tân, chúng ta có được ngày hôm nay, chúng ta luôn nhớ rằng có biết bao nhiêu người đã ngã xuống, chúng ta hạnh phúc lắm khi được ngồi trong hội trường này. Nhiều người cũng từ mái trường miền Bắc, miền Nam ra đi chống giặc cứu nước rồi không trở về. Chúng ta lớn lên trong hòa bình, được sự chăm sóc của Đảng và Nhà nước, được sự chăm sóc của cha mẹ, người thân và bạn bè, chúng ta luôn luôn nhớ phải nuôi lửa, để ngọn lửa không bao giờ tắt, để thực hiện được khát vọng Duy Tân “Top 300 Đại học Châu Á”. Người lính già như tôi từ chiến tường trở về, miền Trung nghèo, muốn thoát nghèo không có con đường nào khác là phải học, bởi tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt, nhưng trí tuệ không bao giờ cạn kiệt, nếu chúng ta biết tích hợp và tác động lẫn nhau, trí tuệ sẽ phát triển thay cho tài nguyên. Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã được thúc đẩy và thế giới đang rầm rập bước vào, trường Đại học Duy Tân cũng phải bước vào việc đó. Mong rằng, mỗi chúng ta khi còn sống hãy trồng một cái cây, để khi chết để lại cho đời một bóng mát. Cây đó là “cây đời”, bóng mát có thể nhỏ hoặc to tùy từng người. 

Cuối cùng, kính chúc quý vị đại biểu, các em sinh viên một buổi sáng tốt đẹp. 
Xin hết!  
 …
Xuất phát từ tấm lòng, từ những trăn trở với sự nghiệp phát triển của ngành giáo dục Việt Nam nói chung, của Đại học Duy Tân nói riêng, thầy Lê Công Cơ đã bộc bạch những tâm huyết của mình đối với sự phát triển trong nhiều lĩnh vực của nhà trường nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo ra những công dân toàn cầu với phẩm chất đạo đức, ý thức cộng đồng, kiến thức và kỹ năng vững vàng để có thể thích ứng với mọi điều kiện, môi trường làm việc.
 
Mỗi một chúng ta, trong “đại gia đình Duy Tân” hãy chung lòng, góp sức để góp phần biến khát vọng thành hiện thực một cách vinh quang, bền vững - “Khát vọng Duy Tân - Top 300 Đại học Châu Á” .
 
(Truyền Thông)
 
(*) Tít bài do Trung tâm Truyền Thông đặt.