Ngày 4/11/2016, Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi tọa đàm với trường Đại học Universitas Islam Indonesia tại phòng 702, Số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tham dự có các đại diện đến từ trường Đại học Universitas Islam; Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân; ThS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng đông đảo giảng viên và sinh viên Khoa Đào tạo Quốc tế, Du lịch, Kế toán và Khoa Quản trị Kinh doanh.
Tích cực tham dự các hoạt động nhằm chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển ổn định, thịnh vượng, thông qua chương trình Passage to ASEAN (P2A), Đại học Duy Tân đã triển khai nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực giúp giảng viên và sinh viên có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu, khám phá cũng như trải nghiệm ASEAN và tự tin hơn khi bước vào hội nhập. Một trong số đó là từ ngày 30/10 đến ngày 5/11/2016, Khoa Đào tạo Quốc tế Đại học Duy Tân đã đón tiếp 4 giảng viên của Đại học Universitas Islam Indonesia sang giảng dạy và làm việc. Đây là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh việc hợp tác giảng dạy và nghiên cứu giữa giảng viên Đại học Duy Tân và giảng viên các nước trong khu vực ASEAN.
Đại diện Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân chụp hình cùng đại diện trường Universitas Islam Indonesia tại buổi Tọa đàm
Universitas Islam Indonesia gọi tắt là UII, là trường Đại học Quốc gia đầu tiên và cũng là trường tư thục lâu đời nhất Indonesia có trụ sở đặt tại Yogyakarta. Với hơn 25.000 sinh viên, Islam University đào tạo từ bậc Cử nhân đến Tiến sỹ ở nhiều ngành: Kinh tế, Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Y - Sinh - Dược,...
Giảng viên Đại học Duy Tân và Universitas Islam Indonesia chụp hình lưu niệm
Tại buổi tọa đàm, nhiều đề tài phong phú đến từ giảng viên 2 trường được trình bày thu hút sự tham gia thảo luận của người tham dự như: Tổng quan về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Nghiên cứu nhu cầu thời trang của người tiêu dùng độ tuổi từ 55-65 tại Thành phố Đà Nẵng, Tác động của giá cả và thu nhập đến sự thiếu hụt dinh dưỡng tại Indonesia,... 2 nước Indonesia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về lịch sử văn hóa, có nhiều tiềm năng, lợi thế để hỗ trợ nhau cùng phát triển, tuy nhiên, trong một số lĩnh vực vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Do đó, nhiều phân tích đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm hướng đến tinh thần đoàn kết, cùng phát triển và vun đắp mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa 2 nước.
Đợt làm việc của các giảng viên trường Đại học Universitas Islam Indonesia tại Đại học Duy Tân chính là nền tảng đầu tiên hướng tới sự ra đời của Hiệp hội các trường Đại học ASEAN trong tương lai đồng thời tạo cơ hội giao lưu và học hỏi lẫn nhau cho giảng viên 2 trường.
(Truyền Thông)